Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Một tuần thăng trầm và sóng gió của chứng khoán Việt

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong tuần qua, các chỉ số thị trường chứng khoán quốc tế có tuần phục hồi nhẹ thì áp lực bán tháo trên VN-Index lại áp đảo suốt cả tuần giao dịch.

VN-Index có tuần giảm mạnh.

Thị trường thế giới hồi phục

Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, thị trường chứng khoán thế giới rớt điểm mạnh. Chỉ số Dow Jones giảm 2,1%, chỉ số S&P 500 giảm 2,8%, còn chỉ số Nasdaq Composite giảm 3,8%. Tuy nhiên, thị trường khép lại tuần vẫn tăng điểm. Theo đó, ba chỉ số trên lần lượt tăng 2%, 1,5% và 0,7%.

Hôm cuối tuần, thông tin từ kinh tế Mỹ cho thấy nền kinh tế nước này đã tạo ra thêm 263.000 việc làm trong tháng 9, thấp hơn so với dự báo (275.000). Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,5%, giảm so với mức 3,7% hồi tháng trước.

Thông tin này được cho là tích cực, nhưng lại xóa tan kỳ vọng về việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ “nhẹ tay” hơn trong việc cắt giảm lãi suất, khiến thị trường đi xuống.

Sau báo cáo việc làm trên, các nhà đầu tư đánh giá khả năng Fed nâng thêm 75 điểm cơ bản vào tháng 11 lên mức 82%. Trong tuần này, dữ liệu lạm phát của Mỹ là chỉ báo theo dõi đáng chú ý.

Trong tuần qua là hàng loạt các thông tin không được tích cực về thị trường tài chính toàn cầu.

Chẳng hạn như Chủ tịch David Malpass của Ngân hàng Thế giới đánh giá thế giới đang đối mặt với “làn sóng thứ 5 của cuộc khủng hoảng nợ” sau đại dịch Covid-19, khiến nhiều quốc gia phải đi vay. Điều này dẫn tới cảnh báo nguy cơ mắc nợ trong bối cảnh lạm phát toàn cầu gia tăng và lãi suất tăng cao. Theo Bloomberg, dự trữ ngoại hối trên toàn cầu đã giảm khoảng 1.000 tỉ đô la Mỹ, tương đương 7,8% trong năm nay, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2003.

Tương tự, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nhiều quốc gia sẽ trải qua ít nhất hai quí suy giảm liên tiếp trong năm nay hoặc năm sau vì làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ. Cho dù ghi nhận mức tăng trưởng thì cũng không khác gì suy thoái vì thu nhập thực tế của người dân sụt giảm vì lạm phát.

Trên thị trường hàng hóa, sự chú ý trong tuần qua dồn về dầu mỏ. Giá dầu tăng khoảng 3%, lên mức cao nhất trong 5 tuần vì quyết định cắt giảm sản lượng mạnh nhất kể từ năm 2020 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, với mức cắt giảm sản lượng mục tiêu 2 triệu thùng/ngày.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, giá dầu Brent tăng 3,7%, lên 97,90 đô la/thùng, dầu WTI tăng 4,7%, lên mức 92,63 đô la/thùng. Nếu tính theo tuần thì mức tăng của hai loại dầu này đã lên hơn 10% và 15%. Theo dự báo của UBS Global Wealth Management, giá dầu Brent có thể sẽ vượt mốc 100 đô la/thùng trong những quí tới.

Trên thị trường hàng hóa, vàng giảm vào hôm thứ sáu, nhưng lại tăng 2% nếu tính theo tuần. Lúc đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu tại thị trường New York, giá vàng giao ngay giảm hơn 1%, về còn 1.696 đô la/ounce. Giá vàng rời mốc quan trọng 1.700 đô la/ounce, dù trong tuần có lúc leo lên mức 1.730 đô la/ounce, được cho là phản ứng trước khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất ở mức cao để kiểm soát lạm phát, sau khi báo cáo về việc làm tại Mỹ được công bố.

Loạt cổ phiếu bluechip nằm sàn trong phiên thứ sáu tuần trước, đẩy chỉ số VN-Index giảm mạnh và tâm lý giao dịch tiêu cực hơn.

Chứng khoán Việt giảm mạnh

Ở thị trường Việt Nam trong tuần qua, thị trường chứng khoán diễn biến ngược chiều với đà hồi phục nhẹ của chứng khoán thế giới. Áp lực bán áp đảo suốt cả tuần trên mọi nhóm ngành và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt vào cuối tuần.

Trong đó, nhóm cổ phiếu bluechip nhóm ngành ngân hàng, dịch vụ tài chính, bán lẻ,… ghi nhận mức giảm lớn hơn 10% trong tuần qua. Chỉ số chung có lúc đã giảm sâu nhất về sát mức 1.020 điểm, với thanh khoản giảm nhẹ và tiếp tục duy trì ở mức thấp.

Kết thúc tuần, chỉ số VN-Index có 4 phiên giảm và 1 phiên tăng với biên độ rất lớn. Tính chung chỉ số đã giảm 8,5% so với tuần trước, tương ứng gần 97 điểm, về mức 1.035,91 điểm.

Như vậy, VN-Index bước sang tuần giảm thứ 6 liên tiếp, chuỗi giảm tương đương hồi tháng 5 vừa qua, cũng là tuần giảm mạnh nhất trong 5 tháng qua.

Hiện VN-Index gần vùng hỗ trợ tâm lý 1.000 điểm, vùng quan trọng trước nhịp giảm trong đợt Covid-19. Chỉ số đã giảm gần 31% kể từ đầu năm, nằm trong các thị trường giảm mạnh nhất trên thế giới.

Thị trường chứng khoán giảm xuyên suốt tuần trước những tin đồn và tin chính thức vào cuối tuần về nhóm doanh nghiệp Vạn Thịnh Phát, Công ty chứng khoán Tân Việt và Ngân hàng SCB.

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vào chiều ngày 8-10, ông Hoàng Minh Hoàn, Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành Ngân hàng SCB, cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Trương Mỹ Lan về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan việc phát hành mua bán trái phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông.

Tuy nhiên, đại diện SCB cho biết Công ty An Đông không phải là cổ đông của SCB, bà Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ quản lý và điều hành tại SCB. Do đó, việc này không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bình thường của SCB.

Sau thông tin này, nhiều người gửi tiền đã đi rút khoản tiền gửi tại đây. Tuy nhiên, theo đại diện SCB chia sẻ vào chiều thứ 7, ngân hàng đã kiểm soát tình hình, thanh khoản vẫn ổn định, đảm bảo quyền lợi và lợi ích của người gửi tiền đúng theo quy định của pháp luật.

Cũng theo đánh giá của các nhà phân tích, thanh khoản có lúc tăng lên khi xuất hiện dòng tiền bắt đáy, nhưng chưa có tín hiệu của dòng tiền lớn đi vào. Công ty chứng khoán VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư kiên nhẫn chờ đợi thị trường tích lũy để hạn chế tối đa rủi ro.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới