Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Một ý tưởng cho việc quản lý số nhà

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Một ý tưởng cho việc quản lý số nhà

Oanh Nguyễn thực hiện

Ông Đinh Tiến Sơn.

(TBVTSG) – Việc đánh số nhà một cách lộn xộn, không khoa học đã gây không ít khó khăn trong công tác quản lý đô thị và phiền toái trong cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Tiến sĩ toán học Đinh Tiến Sơn, Giám đốc Công ty Dolsoft đã có một ý tưởng nhằm giải quyết tình trạng này, đó là mã hóa số nhà, tức là quản lý số nhà theo mã số chứ không phải đánh số theo thứ tự như hiện nay.

– TBVTSG : Ông có thể cho biết, vì sao ông lại có ý tưởng mã hóa số nhà?

– Ông Đinh Tiến Sơn: Tình trạng số nhà lộn xộn (nhiều nhà có cùng một số, thứ tự số nhà không theo quy luật cụ thể…) đã gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý đô thị, hoạt động dân sự hằng ngày (tìm nhà, chuyển thư), cũng như công tác cứu hỏa, cấp cứu và phòng chống tội phạm.

Phương pháp đánh số nhà hiện nay được hình thành dựa trên tình trạng xây dựng và thứ tự của các căn nhà. Các đô thị Việt Nam có nhiều nhà nhỏ, hệ thống ngõ hẻm phức tạp cùng tốc độ xây dựng tăng nhanh khiến các hệ thống số nhà không thể bao quát hết được.

Đã đến lúc chúng ta cần có một giải pháp để có được hệ thống số nhà ổn định, ít bị ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa. Để làm điều đó cần phải chấp nhận những thay đổi có tính đột phá.

Lịch sử đã chứng kiến sự xuất hiện của nhiều phương pháp quản lý đơn giản nhưng lại rất hiệu quả. Đơn cử như hệ thống mã vạch đã mang lại những tiện dụng rất lớn trong quản lý hàng hóa cũng như sự tiện lợi cho người tiêu dùng. Từ đó, tôi nghĩ ra ý tưởng mã hóa căn nhà thay vì đánh số thứ tự như hiện nay.

– Việc mã hóa này cụ thể ra sao, thưa ông?

– Mỗi căn nhà, ngoài số nhà hiện hữu sẽ được cấp thêm một mã nhà hỗ trợ cho việc tìm kiếm. Mã nhà của mỗi căn nhà được hình thành dựa vào khoảng cách từ đầu đường (nơi bắt đầu đánh số) đến mép gần nhất của ngôi nhà. Vì con đường ít khi bị thay đổi như các căn nhà, nên tính ổn định của mã nhà sẽ cao.

Theo quy ước thông thường, đi từ đầu đường đến cuối đường thì bên phải là nhà mã chẵn, bên trái là mã lẻ, giống như cách đánh số nhà. Nhà bên chẵn có mép phải cách đầu đường bao nhiêu mét thì mã nhà sẽ là số chẵn gần nhất và không vượt quá khoảng cách đó. Ví dụ : ngôi nhà bên chẵn có mép phải cách đầu đường 356,9m sẽ có mã nhà là 356.

Tương tự, mã nhà bên lẻ là một số lẻ gần nhất với khoảng cách từ đầu đường đến mép trái nhà. Căn nhà bên lẻ có mép trái nhà cách đầu đường 468,1m sẽ có mã nhà là 467. Các hẻm cũng được cấp mã như đường, căn cứ theo mép hẻm gần đầu đường nhất, và cũng theo chẵn – lẻ; nhà bên trong hẻm cũng được mã hóa theo cách trên, tính từ đầu hẻm. Ví dụ, mã nhà 131/27 sẽ là căn nhà ở hẻm 131, cách đường chính 27mét.

Đối với các khu nhà chung cư, việc mã hóa không có gì khác, ngoại trừ phải ghi rõ địa chỉ con đường dẫn vào khu nhà. Ví dụ: 456/A/p214 Xô Viết Nghệ Tĩnh sẽ là mã của căn hộ là phòng 214 khu nhà A của chung cư thuộc đường hẻm 456 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh.

– Theo ông thì việc mã hóa số nhà có ý nghĩa gì?

– Với số nhà truyền thống, ta chỉ có được trật tự các ngôi nhà trên một con đường, ngoài ra không có ý nghĩa gì. Còn phương pháp mã nhà bảo đảm tính thống nhất và số nhà tăng dần từ đầu đường đến cuối đường, bất chấp có biến động về nhà cửa.

Hơn nữa, chỉ nhìn vào mã nhà, có thể biết khoảng cách từ đầu đường đến ngôi nhà cần tìm. Mã nhà trở thành một thông số hữu dụng. Mã nhà cũng có thể áp dụng trên hệ thống bản đồ số, chỉ cần đưa ra một mã nhà là có thể định vị rõ ràng các căn nhà trong thành phố, hỗ trợ đắc lực cho các công tác như cứu hỏa, cứu thương, trật tự an ninh xã hội, sự tác nghiệp của các sở ngành như lắp đặt điện, nước, điện thoại…

Với cách đánh số nhà hiện nay, kể cả số nhà không lộn xộn, thì việc tìm nhà cũng khó vì biết số nhưng không biết nó ở đoạn nào. Ví dụ, định tìm số nhà 400 trên một con đường, nhất là đường một chiều, thì người tìm không có khái niệm gì cả. Thế là phải đi từ đầu đường xuống vì sợ rẽ từ đường ngang vào bị quá sẽ phải quay lại. Như vậy, mã nhà không chỉ là trật tự của các căn nhà mà còn cung cấp số liệu về khoảng cách.

TPHCM có khoảng tám triệu người thì mỗi ngày phải có tới sáu triệu người ra đường. Giả sử có 10% trong số đó có nhu cầu tìm nhà thì sẽ ảnh hưởng nhiều đến giao thông, mất nhiều thời gian. Trong khi đó mã nhà là cách “đánh số nhà” duy nhất không trùng nhau. Kể cả trước đó có một số, bây giờ xây thành vài chục căn nhà cũng không bị tình trạng số nhà trùng nhau. Bởi nếu có một căn nhà “cắt ra” thì sẽ có thêm một mã mới, không ảnh hưởng và trùng với mã cũ. Khi sử dụng mã nhà, số nhà là một trật tự, không bị ảnh hưởng và thay đổi bởi tốc độ xây dựng. Khác với số nhà truyền thống có tính phụ thuộc rất cao vào tình trạng xây dựng và số lượng các căn nhà, mã nhà chỉ phụ thuộc vào khoảng cách tính từ đầu đường nên việc cấp mã rất dễ.

Thêm nữa, vừa qua Nhà nước đã bỏ ra một số tiền lớn để xây dựng bộ bản đồ địa chính tại hầu hết các đô thị với độ chính xác cao, hoàn toàn có thể sử dụng để cấp mã nhà một cách tự động. Đây có thể là một ứng dụng rất có giá trị của bộ bản đồ địa chính. Còn đối với công tác quản lý nhà nước và hoạt động xã hội, mã nhà không thay thế số nhà nên không có việc thay đổi các giấy tờ hành chính như hộ khẩu, chứng minh nhân dân.

Mã nhà sẽ được cấp và được sử dụng như một công cụ hỗ trợ cho các hoạt động dân sự và quản lý hành chính (giống như hiện nay mỗi người dân ngoài họ tên có thêm số điện thoại để liên lạc). Sau một thời gian sử dụng mã nhà có thể được đưa dần vào các văn bản hành chính để hỗ trợ công tác quản lý nhà nước.

– Theo ông thì ý tưởng mã nhà này rất khả dụng. Chắc các cơ quan quản lý sẽ ủng hộ ý tưởng này?

– Sau nhiều lần được thẩm định và đánh giá cao về tính khoa học, đề án mã nhà đã được chỉ đạo cho các đơn vị liên quan áp dụng thí điểm để sau đó có thể thực hiện đại trà, thay thế cho phương pháp đánh số nhà đang sử dụng. Nhưng đến nay, việc đánh giá dự án có khả thi hay không vẫn còn bỏ ngỏ. Các cơ quan chức năng cho rằng mã hóa số nhà là một kiểu làm quá mới, khác hẳn với cách làm thông thường nên cần có cơ quan có thẩm quyền khẳng định lại ưu thế cũng như pháp lý hóa thì mới có thể áp dụng.

Theo tôi, mã nhà là một giải pháp nên được phân tích và lấy ý kiến của người dân để có thể biến thành lời giải cho bài toán số nhà hiện nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới