Mua bán ngày cuối năm
![]() |
Nhân viên bảo vệ siêu thị Co.opmart Đinh Tiên Hoàng kéo hàng rào lưới B40 đóng cừa siêu thị ngày cuối cùng của năm Hợi vào lúc 11 giờ 30-Ảnh: HỮU THẮNG |
(TBKTSG Online) – Nhân viên bảo vệ siêu thị Co.opmart Nguyễn Đình Chiểu lúc 12 giờ trưa nay, 6-2, tức 30 Tết, đã kéo cánh cửa cuốn, kết thúc việc mua bán của ngày cuối cùng trong năm Định Hợi.
>> Xem thêm video về vấn đề này (Nguồn: VTV)
Trước đó khoảng 30 phút, nhân viên bảo vệ của siêu thị Co.opmart Đinh Tiên Hoàng cũng kéo hàng rào lưới B40, kết thúc mọi hoạt động cuối cùng của năm “Con heo vàng”. Nhiều siêu thị, cửa hàng, chợ, cũng đóng cửa vào trưa này nhưng trước khi đóng cửa, không khí tất bật của cả kẻ mua và người bán bao trùm lên thị trường ngày cuối cùng của năm Hợi.
Sài Gòn: mua bán hối hả
Trong cái nắng chói chang của trưa ngày 30 Tết, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online dạo quanh một vòng các chợ và siêu thị trong thành phố, người bán lẫn người mua đang mong muốn rút ngắn thời gian nán lại những nơi này để có thể quay trở về nhà. Từ sáng sớm, chợ Bà Hoa, nơi tập trung hàng hóa “đặc sản” của cư dân miền Trung tại Sài Gòn, đã tấp nập người dân mua hàng, tiếng xì xào trả giá “mắc quá, bớt đi” nhưng đa số người mua muốn mua nhanh và người bán cũng muốn bán lẹ nên giao dịch diễn ra chóng vánh hơn mọi ngày thường. Thêm vào đó, nếu không mua thì có thể tí quay lại không còn nữa nên người mua hàng có mua mắc chút xíu cũng không sao.
Chị Thu Hồng, cư dân sống gần chợ ngay từ 7 giờ 30 sáng (sớm hơn nhiều so với thói quen đi chợ của chị) đã tất tả chạy ra chợ nhưng “hàng bán thịt bò rẻ nhất chợ đã hết sạch rồi, đành chấp nhận mua mắc một tí ở hàng khác”. Đi ngang sạp rau, mấy bà nội trợ đang tranh nhau chọn cho được những bó rau ngon cuối cùng. Nửa tiếng sau quay trở lại thì hàng này chỉ còn vài củ cà rốt, vài quả cà. Hàng trái cây kế đó, chị bán hàng đang hỉ hả nhìn khách hàng lựa mua những trái xoài, trái bưởi cuối cùng.
Chị Hồng nói chợ này năm nay bán ít hàng hơn năm ngoái, nên ai mà đợi đến 12 giờ để mua được đồ rẻ coi bộ khó. Hàng nào đã hiếm thì tới 12 giờ giá còn tăng nữa, còn không thì toàn hàng dở, “thôi Tết nhứt mua đồ ngon ngon về ăn, mắc chút cũng không sao”. Dưa hấu năm nay hút hàng, nên 30 Tết đã không còn dưa hấu dài ruột vàng. Khoảng 9h sáng, vựa dưa duy nhất của chợ Bà Hoa còn ít hàng và người bán thì một mực không bán giá thấp. Bánh thuẩn, loại bánh “đặc sản ” phải có trên mâm cúng ngày Tết của người Trung, năm nay cũng đắt hàng, nhiều chủ hàng ngậm ngùi nhìn khách bỏ đi vì sạp đã hết bánh.
![]() |
Cảnh mau bán tấp nập hàng “đặc sản” miền Trung ngày 30 Tết ở chợ Bà Hoa-Ảnh: THUỶ TRIỀU |
Ở chợ Bà Quẹo, hàng hóa Tết còn khá dồi dào, nhất là bông cúng. Chị Hà bán bông sau một hồi đắn đo đã đồng ý bán bó lay-ơn cho khách giá 40.000 đồng thay vì 50.000 đồng. “Còn vài bó, bán lẹ cho xong rồi về nhà lo cúng kiếng”. Ghé ngang khu bán hoa trước Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc tế ở Quận Tân Bình, năm nay nơi này chủ yếu là mai, khá ít bông hoa chưng ngày Tết.
Anh Lê Vũ, người Tây Ninh chở mai lên thành phố bán, cho biết năm nay mai bán chậm quá, nhưng dù chậm cũng không chịu bán lỗ, nếu bán không được sẽ chở về Tây Ninh chăm sóc đợi Tết năm sau bán tiếp.
Chị Phan Thu Vân, phó ban quản lý chợ Hòa Bình, cho biết năm nay lượng hàng hóa về chợ dồi dào đặc biệt là mặt hàng thịt heo, thịt dê và thịt bò và các mặt hàng bánh kẹo. Nếu ngày thường chợ nhập khoảng 4-5 tấn thì nay tăng lên 6-7 tấn với giá heo rẻ hơn chợ Phùng Hưng khoảng 10 ngàn (giá thịt heo ở chợ Hòa Bình khoảng 70-80 ngàn/kg).
Bác Như Yến, sạp 96 cho biết sáng nay bán rất khá cũng đã gần 100 ký thịt heo và cho biết mùng 4 chợ khai trương và bác cũng bán mở hàng đúng ngày này nhưng sẽ chỉ bán một ít. Chị Linh Uyên sạp gạo Bảy Mai cho biết lượng khách hàng của chị cũng như năm ngoái tuy giá gạo có tăng chút đỉnh khoảng 500-1000 đồng/kg.
Chợ Gò Vấp cũng đóng cửa dọn dẹp vệ sinh lúc 12 giờ trưa nay. Nhiều người đi chợ cho biết giá thịt heo và rau củ quả tăng chóng mặt vào cuối chợ (trước khi chợ kết thúc giao dịch). một kg dưa leo ngày thường chỉ 6.000 đồng, nay 20.000 đồng nhưng khách tranh giành nhau mua. Kg thịt giò heo loại tốt lên hơn 70.000 đồng, gần gấp đôi ngày thương nhưng cả khách mua hàng lẫn người bán ai cũng muốn mua nhanh, bán nhanh để còn dọn hàng và về nhà.
Các siêu thị đến trưa ngày cuối năm cũng vắng bóng cả khách lẫn hàng hóa. Siêu thị Marximark Tân Bình, 10 giờ30 sáng, các kệ hàng hoá bán bột giặt, mì gói, sữa, nước ngọt… đều sạch trơn. Các loại thực phẩm như giò, chả, trái cây cũng chẳng còn hàng. Khách thì thưa thớt, chủ yếu là nhân viên siêu thị đang đi lựa chọn những vật dụng còn lại để sử dụng cho ngày Tết của chính mình.
Lúc 12 giờ 30, siêu thị Co.opmart 727 Trần Hưng Đạo đóng cửa. Chị Đoái Ngọc Ánh, giám đốc siêu thị, cho biết Tết năm nay Co.opmart 727 vượt chỉ tiêu doanh số 35 – 40%, trong đó lạp xưởng, bánh kẹo, bia, các mặt hàng tươi sống và được tiêu thụ rất nhanh. Chị cho biết trong 3 ngày cận Tết 1,1 tấn thịt gà thả vườn, 1.600 vỉ trứng gà và vịt (10 trứng 1 vỉ), 500 kg dưa hấu đã được tiêu thụ hết. Mùng 3 Tết siêu thị sẽ mở cửa lúc 6 giờ 30 để chỉ bán gà (khoảng 300 kg) cho bà con mua làm cỗ cúng Tết. Mùng 4, mùng 5 mở cửa từ 7giờ 30 đến 12 giờ và mùng 6 phục vụ lại bình thường.
Nhiều khách hàng biết sáng 30 Tết sẽ có nhiều siêu thị chuẩn bị đóng cửa, dọn dẹp vệ sinh cuối năm nên đã tranh thủ đi mua sắm từ tối 29 Tết. Chị Ngọc Trân, nhà ở quận Tân Bình, làm tại xí nghiệp lạp xưởng Ký Hòa đã mua gà tại một siêu thị từ tối hôm trước và hôm nay chỉ ghé mua thêm món chả giò.
Hà Nội: nghịch lý chợ 30 Tết
![]() |
Hối hả mua bán dưa hấu mang về đơm cúng ngày cuối năm-Ảnh: HỮU THẮNG |
Chợ ngày 30 Tết tại Hà Nội năm nay không còn cảnh khách phải tranh nhau để mua hàng như mọi năm. Khác với thông lệ, chợ ngày 30 Tết tại Hà Nội năm nay sức mua giảm mạnh, bởi do thời tiết lạnh nên thực phẩm có thể để được lâu hơn nên đa số người dân đã đi chợ mua sắm từ những ngày 27, 28 và 29 Tết.
8 giờ sáng ngày 30 Tết, chợ Phú Gia (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) quang cảnh không khác gì ngày thường, thậm chí còn vắng hơn. Đa số các chủ kinh doanh đều có chung nhận xét: “Nhiều năm nay, chưa năm nào chợ ngày 30 Tết lại như năm nay. Chợ vắng vẻ, lượng khách đến chợ mua chỉ bằng 10% so với thông lệ”.
Chị Đinh Thị Lan, chủ quầy thịt bò tại chợ Phú Gia thay vì luôn chân tay cắt thịt và đếm tiền như ngày 28, 29 Tết, sáng ngày 30 Tết chị ngồi nhàn tênh. Thậm chí chị còn đon đả mời chào khách: “Mua thịt đi chị, hôm nay có thể thái hộ như thường, chứ không bắt các chị phải về tự thái như mấy ngày vừa qua đâu. Đông khách quá nên mấy hôm trước không nhiệt tình với khách được, hôm nay nhiệt tình gấp đôi để bù lại nhé!”.
Thông thường, chợ ngày 30 Tết bao giờ cũng là ngày cao điểm về giá của các loại mặt hàng. Mức giá bán thường tăng 10 – 20% so với ngày 28, 29 Tết. Nhưng năm nay giá bán ngày 30 Tết vẫn như ngày 29 Tết. Gà trống ngày 30 vẫn được bán với giá của ngày 29 Tết, một kg gà lông được bán với giá 85.000đồng. Một số mặt hàng thậm chí còn hạ giá hơn. Tại chợ Phú Gia, một kg thịt sấn mông loại ngon ngày 29 được bán với giá 60 – 65.000đồng. Sáng ngày 30 do chợ vắng khách nên giá giảm từ 5.000 – 10.000đồng/kg. Không chỉ tại khu hàng thịt, tất cả các quầy hàng của chợ Phú Gia đều trong tình trạng đìu hiu tương tự.
Chị Bùi Thị Minh, chủ một quầy hoa quả tại chợ này cho biết: “Mọi năm, chỉ khoảng 9 – 10 giờ sáng là hàng hoa quả “cháy” hàng và phải dọn về sớm. Chợ Tết năm nay lạ thật. Chưa năm nào chợ Tết 30 lại như thế này cả! Tám giờ sáng mà người bán có khi nhiều hơn cả người mua”.
Có thâm niên 15 năm bán hàng tại chợ Phú Gia, bà Công Thị Lan cho biết mọi năm chỉ khoảng 10 giờ là chợ “xơ xác” vì các loại hàng hoá hầu như được bán hết. Ngày 30 Tết là ngày bán “sướng” và lãi nhất trong năm. Chỉ ngày 30 Tết có khi lãi bằng nửa tháng bán hàng thông thường. Nhưng năm nay tình hình này có khi lợi nhuận ngày 30 Tết chỉ còn 20% mọi năm”.
Không chỉ tại chợ Phú Gia, tại chợ Nhật Tân, Thành Công, Thái Thịnh… của Hà Nội, sức mua ngày 30 Tết năm nay cũng giảm nhiều so với mọi năm.
Theo đánh giá của một chuyên gia nghiên cứu thị trường, chợ Tết 30 năm nay vắng khách phần vì lý do thời tiết lạnh làm người dân có thể mua thực phẩm tích trữ sớm. Phần vì lý do tâm lý tiêu dùng có thay đổi. Người dân sợ để đến ngày cuối cùng mới mua sắm tết sẽ phải mua thực phẩm với giá đắt lên nhiều như mọi năm. Trong khi đó cuộc sống giờ khá giả nên hầu như gia đình nào cũng có tủ lạnh có thể tích trữ thực phẩm rất tốt.
Chắc chắc diễn biến của chợ 30 tết năm nay sẽ tác động đến tâm lý của tiểu thương tại các chợ trong năm sau. Sẽ không còn tình trạng tiểu thương “ém” hàng chờ ngày 30 Tết để “cắt cổ” người tiêu dùng.
Nhóm Phóng viên TBKTSG Online