Mua bán và sáp nhập: Gia tăng nhưng không đột biến
Thành Trung
![]() |
Lãnh đạo hai công ty Capgemini và IACP Asia tại lễ công bố sáp nhập IACP vào Capgemini, tháng 11-2009. Ảnh Thanh Thương |
(TBKTSG Online) – Thống kê của Công ty tư vấn và đầu tư Avalue Vietnam – công ty chuyên thực hiện việc đánh giá, tái cấu trúc và M&A (mua bán và sáp nhập) – cho thấy mặc dù số lượng và giá trị giao dịch trên thị trường M&A Việt Nam năm 2009 giảm so với năm 2008, nhưng có xu hướng sẽ gia tăng trong năm nay.
Năm 2009: sụt giảm
Dựa vào các kết quả nghiên cứu trong báo cáo M&A Việt Nam năm 2009 và triển vọng năm 2010, Avalue Vietnam thống kê rằng số thương vụ (được công bố) năm 2009 sụt giảm đáng kể so với năm 2008 và đặc biệt giảm so với năm 2007 – năm được xem là đỉnh cao của hoạt động M&A ở Việt Nam với tổng giá trị đạt tới 1,7 tỉ đô la Mỹ.
Theo số liệu của Avalue Vietnam, giá trị của các thương vụ M&A thực hiện năm 2009 đạt 678,8 triệu đô la Mỹ, giảm 38% so với năm 2008.
Một nghiên cứu độc lập của Công ty kiểm toán quốc tế PricewaterhouseCoopers, cho thấy so sánh giữa thời điểm tháng 6-2009 với năm 2008 thì tổng giá trị M&A thực hiện tại Việt Nam giảm khoảng 51%.
Một yếu tố khác cũng tác động không nhỏ lên thị trường M&A Việt Nam là sự giảm điểm của thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán của Việt Nam ở mức rất thấp, với chỉ số VN-Index chỉ đạt 230 điểm vào tháng 2-2009 và giá trị thẩm định có xu hướng giảm theo chỉ số chứng khoán đã dẫn đến sự sụt giảm quy mô các giao dịch về mặt giá trị so với trước đây.
Con số này cũng phản ánh một thực tế là nhiều công ty nước ngoài dành thời gian để đánh giá lại chiến lược mở rộng kinh doanh của họ tại các thị trường đang phát triển như Việt Nam do tình hình suy thoái kinh tế thế giới tiếp tục gây ảnh hưởng lớn đến xu thế M&A.
Một chuyên gia của Avalue Vietnam cho biết, các giao dịch tại Việt Nam chủ yếu ở quy mô nhỏ và vừa. “Quan sát các thương vụ M&A diễn ra tại Việt Nam năm 2009 có thể thấy hai loại thương vụ chiếm ưu thế, đó là giao dịch quy mô nhỏ với giá trị dưới 5 triệu đô la Mỹ và các giao dịch ở mức trung bình có quy mô khoảng 20 triệu đô la/thương vụ”, báo cáo của Avalue Vietnam viết.
Một trong những thương vụ M&A tiêu biểu trong ngành công nghiệp được thực hiện trong năm 2009 là việc Unilever thông báo mua lại 33,33% cổ phần trong Công ty Llên doanh Unilever Vietnam thuộc sở hữu của đối tác trong nước là Tổng công ty Sản xuất hóa chất Việt Nam (nay là tập đoàn Vinachem) vào tháng 6-2009.
Tuy nhiên, tại thời điểm đó, giá trị cụ thể của thương vụ không được tiết lộ và ông Marijn van Tiggelen, Chủ tịch Công ty Unilever Vietnam, xác nhận với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng, Unilever và Vinachem đã ký thỏa thuận chấm dứt liên doanh để trở thành công ty 100% vốn nước ngoài và đổi tên thành Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam.
Năm 2010: gia tăng
Theo nhận định của Avalue Vietnam, triển vọng thị trường M&A Việt Nam năm nay sẽ phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi của kinh tế thế giới và kinh tế trong nước, cũng như các chính sách vĩ mô của Chính phủ và những động thái từ phía nhà đầu tư.
Theo ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc Avalue Vietnam, thị trường M&A tại Việt Nam sẽ phát triển tương ứng với trình độ, điều kiện phát triển chung của nền kinh tế và sự phát triển của các doanh nghiệp.
Ông Minh cho rằng, về dài hạn, hoạt động này có nhiều tiềm năng và sẽ phát triển ở mức độ và chất lượng cao hơn nhiều so với những gì đang diễn ra hiện nay.
Về xu hướng, các chuyên gia đánh giá Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng về số lượng và giá trị của các loại hình giao dịch đã bắt đầu phổ biến trong năm 2009 là doanh nghiệp nước ngoài mua lại doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp trong nước mua lại doanh nghiệp trong nước.
Một vấn đề được giới quan sát và các chuyên gia trong lĩnh vực M&A quan tâm là liệu năm nay có chứng kiến những vụ giao dịch lớn hay không.
Các chuyên gia về M&A thuộc Avalue Vietnam tin rằng, năm 2010 sẽ diễn ra một số thương vụ đáng chú ý là kết quả của những diễn biến trước đó, chẳng hạn như ngày 5-1, tập đoàn Kumho Asiana (Hàn Quốc) đã thông báo kế hoạch tái cơ cấu toàn bộ tập đoàn, cắt giảm 20% quản trị viên và bán một số tài sản. Trong lúc đó, Kumho dự tính sẽ thu được 1,1 tỉ đô la Mỹ từ việc bán tài sản ở trong và ngoài nước, kể cả ở Việt Nam và Hồng Kông.
Một thương vụ đáng chú ý khác là Công ty Sapporo công bố sẽ mua 65% cổ phần của Kronenbourg Việt Nam (KVL) – một liên doanh theo tỷ lệ 50-50 giữa Công ty Bia Carlsberg Brewery A/S của Đan Mạch và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), với giá trị 25,35 triệu đô la Mỹ. Theo đó, Carlsberg sẽ chuyển toàn bộ 50% và Vinataba chuyển 15% cổ phần KVL cho Sapporo.
Doanh nghiệp Việt Nam sẽ là người mua
Đây là một xu hướng được Avalue Vietnam dự báo sẽ phát triển trong thời gian tới.
Theo thống kê của Avalue Vietnam, số lượng các giao dịch mà doanh nghiệp Việt Nam mua lại doanh nghiệp Việt Nam chiếm 40% tổng số giao dịch toàn thị trường; doanh nghiệp Việt Nam mua lại doanh nghiệp nước ngoài, hoặc mua lại một bộ phận doanh nghiệp nước ngoài chiếm 4,62% tổng số giao dịch năm 2009.
Một trường hợp điển hình cho xu hướng này trong năm 2009 là Viettel.
Sau khi trở thành đối tác chiến lược của Ngân hàng Quân đội, Viettel tiếp tục được nhắc đến qua thương vụ Vinaconex vào thời điểm thị trường chứng khoán xuống đáy. Tháng 2-2009, Viettel hoàn tất việc mua 35 triệu cổ phần của Vinaconex và giao dịch này giúp Viettel thu được 701,9 tỉ đồng (40,1 triệu đô la Mỹ tại thời điểm mua). Sau giao dịch này, Viettel nắm giữ 18,9% cổ phần của Vinaconex và đang có ý định mua thêm cổ phần.
Theo dự đoán của Avalue Vietnam, Viettel sẽ thực hiện hai thương vụ lớn trong năm nay. Thương vụ thứ nhất là mua lại 60% cổ phần của mạng di động Teletalk tại Bangladesh. Ban đầu, số tiền mà Viettel định rót vào thương vụ này là 250 triệu đô la Mỹ nhưng gần đây con số này được nâng lên 300 triệu đô la. Thương vụ thứ hai là Viettel bỏ ra 59 triệu đô la để mua lại 70% cổ phần của Công ty Viễn thông Teleco tại Haiti – đơn vị sở hữu mạng di động Teleco. Thương vụ này dự kiến hoàn tất vào tháng 4.
Như vậy, nếu hai giao dịch M&A trên diễn ra thì tổng số vốn Viettel bỏ ra sẽ lên tới 359 triệu đô la, theo Avalue Vietnam.