Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mua bán xe hơi thời ế ẩm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mua bán xe hơi thời ế ẩm

Kinh tế khó khăn, nhu cầu mua xe giảm mạnh. (Ảnh chỉ mang tính minh họa) Ảnh: Hữu Thắng.

(TBKTSG Online) – “Hiếm có mùa Tết năm nào ế ẩm như năm nay”, ông Trần Hữu D., Trưởng phòng kinh doanh một công ty nhập khẩu và phân phối ô tô tại TPHCM, than thở. Salon của công ty ông ở quận 5 từ tháng 9 tới nay, tiền lời bán xe không đủ trả tiền thuê mặt bằng mỗi tháng hơn 4.000 đô la.  

Gắn bó gần 30 năm với nghề mua bán xe hơi, ông D. là người có tiếng tăm trong nghề, vậy mà giờ đây ông đành phải đề xuất công ty, vốn chỉ bán xe nhập khẩu, quay sang mua bán xe “có biển số”, tức xe cũ, để kiếm “sở hụi” trả tiền thuê mặt bằng.  

Xe mới: năn nỉ bán… lỗ  

Ông D. nhớ mãi cái ngày 23-8-2008, cái ngày mà ông cho rằng là “ngày định mệnh” của những người mua bán xe hơi nhập khẩu như ông. Trước đó, theo quy định của nhà nước, sau khi khui container đưa xe về kho, doanh nghiệp nhập khẩu xe mới như công ty ông còn được nhà nước cho nợ thuế tới 1 tháng và vay ngoại tệ nhập khẩu khá dễ dàng. Vậy mà sau cái mốc đó, doanh nghiệp phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế VAT và tất tần tật các khoản thuế, phí khác lên tới 201% ngay sau khi xe về tới cảng.  

Cùng với thuế, việc vay vốn ngoại tệ nhập khẩu khó khăn, đã đẩy thị trường xe hơi vào tình thế khốn đốn, nhất là những người sống bằng nghề mua bán xe hơi như ông thấm đòn. Giá xe hơi nhập khẩu – tất nhiên là xe mới – rớt mạnh, tới mức người bán phải chấp nhận bán lỗ và năn nỉ người mua.  

Ông kể, ba tháng trở lại đây, lẽ ra là mùa làm ăn nhộn nhịp của dân mua bán xe hơi nhập khẩu thì nay khá buồn tẻ, thậm chí salon của ông có tháng chỉ bán được đôi ba chiếc xe, các salon khác cũng lâm cảnh tương tự.  

Ế ẩm đã đành, ông còn phải chấp nhận bán lỗ. Một chiếc Camry nhập về tính giá vốn tất tần tật 58.000 – 60.000 đô la Mỹ/chiếc thì giờ ông năn nỉ người mua với giá chỉ có 54.000 đô. “Tính theo giá đô la thì tui lỗ nặng nhưng quy ra tiền đồng thì vẫn còn gỡ gạc chút đỉnh, lời được chục triệu đồng là cùng”, ông thành thật kể.  

Khi ông vay vốn ngoại tệ nhập xe thì tỷ giá lúc đó xê dịch quanh 16.000 đồng ăn một đô la, nay hơn 17.000 đồng. Tuy ông nói bán dưới giá vốn nhưng lời là nhờ tỷ giá nhưng suy cho cùng vẫn lỗ nếu tiếp tục vay lại tiền đô la Mỹ để nhập xe. “Thôi thì tụi tôi cố gắng đẩy hết xe mới tồn kho cho xong, sau này tính cách làm ăn khác”, ông nói.  

Ông bảo các công ty nhập khẩu xe hơi “lỗ nhào trái” đã đành nhưng “đau” hơn là một số Việt Kiều mua xe gửi về bán kiếm lời. Khi thấy giá xe mới ở Việt Nam đắt, chẳng hạn một loại xe nào đó bán tại Việt Nam 160.000 đô la, trong khi nếu nhập loại xe đó từ Mỹ về Việt Nam tính chi li chỉ có giá 135.000 đô la, thế là vay mượn tiền mua xe bên đó gửi về cho bà con bên này bán kiếm lời (có thể tự nhập hoặc người nhà bên Việt Nam đặt hàng công ty nhập khẩu theo chỉ định, nhập khẩu ủy thác). Ai dè gió đã đổi chiều, xe nhập về 135.000 đô la mà bán chẳng được nên họ gạ salon ông mua chỉ có 100.000 đô la, chấp nhận lỗ để gỡ gạc.  

“Tụi tôi bán xe của mình còn chẳng được nên họ (ý nói những Việt Kiều nhập xe) năn nỉ mua giúp với giá thấp hơn giá vốn hàng chục ngàn đô la”, ông kể lại và cho rằng chính những chiếc xe mới nhập của của giới Việt Kiều càng làm cho giá xe hơi trên thị trường giảm nhanh hơn. Những salon xe hơi như salon của ông càng ế ẩm hơn khi những người này bán đổ bán tháo.  

Xe “có biển số”: nhiều người bán ít người mua  

Theo ông D., có lẽ tình hình kinh tế hiện nay khó khăn, nên thị trường xe “có biển số” khá nhộn nhịp khi mà cá nhân làm ăn gặp khó khăn cũng bán xe, các công ty nhỏ nợ ngân hàng cũng muốn bán bớt xe để giải chấp, trả nợ ngân hàng thúc thu hồi nợ mùa cuối năm.  

Thường vào mùa trước Tết mọi năm, ông D. cho biết đa phần xe cũ tung ra thị trường là do chủ xe muốn thay xe mới nhờ làm ăn khấm khá nên những người môi giới xe hơi (dân dã gọi là “cò”) làm ăn khá phát đạt, vừa thu nhận xe cũ, vừa bán được xe mới. Nay thì trái ngược, nguồn cung xe cũ nhiều lên nhưng nhu cầu mua xe, đổi xe mới lại rất ít.  

“Mua bán xe mới bây giờ đóng băng thực sự, các salon xe tụi tôi chỉ còn trưng vài chiếc xe mới cho vui, còn đa phần chuyển sang môi giới mua bán xe cũ kiếm sống”, ông nói và cho biết công ty của ông lâu nay trung thành với phân phối xe nhập khẩu, nay theo đề xuất của ông trong hơn một tháng qua, cũng huy động anh em nhân viên tham gia môi giới mua bán xe cũ.

Thế nhưng mua bán xe cũ cũng không dễ ăn. Trước kia, môi giới mua bán được chiếc xe cũ, kiếm được vài ngàn đô la, nay thì chỉ kiếm 300 – 500 đô la là cùng do người bán nhiều hơn người mua.  

“Bây giờ mà anh cần mua một mẫu xe đời nào, kiểu nào nào đó đã có biển số, tôi sẵn sàng có trong tay danh sách 3 – 5 chiếc cho anh lựa chọn chứ không như trước có nhu cầu nhưng có khi chẳng có để lựa, phải chờ, giống như xếp hàng khi có quá nhiều người có nhu cầu”, ông nói.  

Có lúc, ông kiếm được một người có nhu cầu mua xe cũ trúng mẫu xe mà người bán đã nhờ ông nhưng lúc đó xe đang ở tận An Giang, ông cũng phải tự tay lái xe đưa khách hàng chạy xuống An Giang coi xe.  

Từng là chủ một gara sửa xe hơi, nên bây giờ ông D. mang kinh nghiệm của mình ra tư vấn, thuyết phục khách hàng nên mua xe cũ loại gì cho phù hợp túi tiền, hợp sở thích và nhu cầu sử dụng. Ông còn phân tích từng điểm mạnh, điểm yếu của dòng xe, đời xe và thậm chí là bày vẽ cho người mua cách làm các thủ tục sao cho tiện cho người mua.  

HỒNG NGỌC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới