Mùa cà phê buồn
Hồng Ngọc
Niên vụ cà phê năm nay vừa mất mùa lại vừa mất giá - Ảnh: Nguyễn Thịnh |
(TBKTSG Online) – Ông Đặng Văn Huy, chủ một trang trại cà phê lớn ở huyện Cư Mgar, Dak Lak năm nay thu gần 50 tấn cà phê nhân và đã bán gần hết sản lượng nói trên cho các đại lý, nên giờ gần như ông không được hưởng lợi gì nhiều từ chính sách tạm trữ cà phê mà Hiệp hội cà phê đang triển khai.
>>Tạm trữ cà phê: liệu nông dân có đứng ngoài cuộc?
>>Khó thu hoạch cà phê vì thời tiết xấu
Ngoài trồng 15 héc ta cà phê ở thôn 3, xã Cư Suê, ông Huy có kinh doanh thêm phân bón. Ông nói: “tôi còn lấy kinh doanh thứ khác bù qua, chứ bà con trồng cà phê chay thì khó khăn lắm”.
Thiệt kép
Với cà phê niên vụ 2009-2010 bắt đầu từ tháng 10 năm ngoái tới hết tháng 9 năm nay, thực ra nông dân chỉ thu hoạch tập trung 2-3 tháng đầu niên vụ, và hiện tại họ vừa mất mùa lại vừa mất giá.
Ông Nguyễn Hữu Được, nông dân trồng cà phê ở xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng, nói cà phê bị hư nhiều, khi cà phê trổ bông thì vì thời tiết bất thường nên bị rụng, đậu hạt rất ít.
“Đến khi thu hoạch thì năng suất thấp mà giá cà phê rớt xuống còn 22.800 đồng/kg, tính chi ly công cán, phân thuốc thì lỗ nhiều quá. Kiểu này có người nợ đại lý tiền phân thuốc phải gán vườn cà phê trả nợ”, ông nói.
Còn ông Trần Văn Thái ở xã Liên Hà cũng thuộc Lâm Hà, than vãn chuyện thời tiết năm 2009 thay đổi không theo quy luật. Khi hoa cà phê nở rộ thì mưa như trút nước kèm theo một năm mà ve sầu nhiều vô kể, mỗi gốc cà phê chỉ cần đào sâu 10-20 cm là thấy khoảng 100-120 con. Ve sầu làm cho cà phê èo uột, sản lượng cà phê giảm khoảng 40%.
Ông Thái kể nhiều hộ gia đình đầu tư phân bón, gạo, các khoản khác bằng mua nợ tại các đại lý với lãi suất 3%/tháng, có hộ nợ tới 50-60 triệu đồng hoặc nhiều hơn nữa. Có người nợ nhiều, chỉ tiền lãi cũng đã 15 - 20 triệu đồng, cộng nợ gốc, nên khi thu hoạch cà phê gom góp lại vẫn trả không hết, phải cắt đất vườn trừ nợ.
Trúng mùa mà mất giá, theo ông Đặng Văn Huy, nông dân còn gỡ gạc chút đỉnh nhờ năng suất cao bù vào giá thấp, đằng này mất mùa cộng với mất giá, nông dân xem như thiệt tới 2 lần trong một mùa vụ. “Chưa hết buồn chuyện cà phê thu vô bao mang về nhà ít, bán giá thấp, nông dân chúng tôi lại vướng phải chuyện các đại lý nhận gửi cà phê vỡ nợ. Hết nghe vỡ nợ chỗ này, lại nghe vỡ nợ chỗ nọ, lo lắm!”, ông Huy bức xúc.
Tạm trữ: chỉ là lo cái ngọn
Ông Cao Đăng Dũng, một nông dân trồng cà phê, nói rằng cà phê là mặt hàng nông sản chủ lực nhưng không một cơ quan chuyên môn nào đứng ra tính toán giá thành, và những khuyến cáo nông dân đầu tư sao cho hiệu quả nhất.
“Để rồi khi khó khăn, doanh nghiệp đoán giá bao nhiêu để mua tạm trữ thì không có một phương cách tính toán thuyết phục nông dân”, ông Dũng nói và cho rằng doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội cà phê Việt Nam mua tạm trữ 23.000 đồng/kg trong khi giá thành sản xuất 1 kg cà phê nhân robusta tối thiểu hiện nay cũng 25.000 đồng.
Là một công chức nhưng nhà ông Y Nhất Kpa cũng trồng 2,5 héc ta cà phê, ông cho rằng “chính sách hỗ trợ ngành cà phê hiện nay là ở trên "ngọn” cà phê chứ không phải ở dưới "gốc". Cần làm sao để phần đông nông dân trồng cà phê không còn cảnh cứ sau khi thu hoạch xong đều buộc phải bán ra để lấy tiền trả nợ. Việc bán ồ ạt tạo nguồn cung quá nhiều làm giá rớt thảm hại”.
Là người trồng cà phê lớn, lại kinh doanh phân bón nên ông Đặng Văn Huy từng sang Brazil tham quan cách trồng cà phê của nông dân nước này. Ông kể công nghiệp trồng, chế biến và xuất khẩu cà phê của họ gắn bó chặt chẽ, liên kết thành hệ thống từ khâu trồng trọt tới nhà buôn. “Ở ta cứ như vầy thì mùa cà phê buồn sẽ cứ tiếp diễn, không năm này thì năm khác”, ông nói.