Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mùa công bố kết quả kinh doanh quí 2: Tự tin nhưng đừng quá kỳ vọng vào giá cổ phiếu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mùa công bố kết quả kinh doanh quí 2: Tự tin nhưng đừng quá kỳ vọng vào giá cổ phiếu

Đăng Linh

(KTSG) – Dù được dự báo sẽ đón nhận một mùa báo cáo kết quả kinh doanh (KQKD) tích cực nhưng điểm đáng lưu ý đối với thị trường chứng khoán (TTCK) là các nhà đầu tư luôn giao dịch dựa trên kỳ vọng.

Mùa công bố kết quả kinh doanh quí 2: Tự tin nhưng đừng quá kỳ vọng vào giá cổ phiếu
Ngành dệt may được kỳ vọng sẽ ghi nhận đà tăng trưởng mạnh trong quí 2 năm nay nhờ nhu cầu hồi phục tại các thị trường trên thế giới. Ảnh: TTXVN

Tự tin với kết quả kinh doanh quí 2

Thị trường chứng khoán đang dần bước vào mùa báo cáo KQKD quí 2-2021. Như thường lệ, kết quả kinh doanh bán niên sẽ có những ảnh hưởng đáng kể đến xu hướng giá cổ phiếu trong ngắn hạn, đồng thời là cơ sở quan trọng để nhà đầu tư nhìn nhận triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp trong nửa còn lại của năm. Do đó, trong vài tuần tới, đây sẽ là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến diễn biến giá các nhóm cổ phiếu.

Theo giới phân tích, kết quả kinh doanh quí 2 năm ngoái ghi nhận “điểm trũng” khá sâu do tác động của dịch Covid-19, nên hầu hết các ngành trong quí 2 năm nay được kỳ vọng sẽ khởi sắc so với cùng kỳ. Bức tranh chung là tích cực, song sự phân hóa giữa các ngành dự kiến sẽ gia tăng.

Cụ thể, nhóm doanh nghiệp xuất khẩu được kỳ vọng sẽ ghi nhận đà tăng trưởng mạnh trong quí 2 năm nay nhờ nhu cầu hồi phục tại các thị trường trên thế giới, nhất là lĩnh vực dệt may, thủy sản, gỗ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dầu khí, khai khoáng, hàng hóa cơ bản có thể được hưởng lợi do năm ngoái là đáy của kết quả kinh doanh, trong khi tình hình năm nay tốt hơn nhiều.

Một số doanh nghiệp đã và đang dần hé lộ KQKD hai quí đầu năm. Ở lĩnh vực vận tải, Tổng công ty cổ phần Vận tải dầu khí (PVT), ước đạt 3.500 tỉ đồng doanh thu trong sáu tháng đầu năm, bằng 60% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế ước đạt 420 tỉ đồng, bằng 84% kế hoạch năm và tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn giai đoạn 2018-2019, khi chưa có dịch Covid-19. Hơn nữa, kế hoạch năm 2021 được PVT đặt ra khá khiêm tốn: doanh thu hợp nhất 6.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 404 tỉ đồng, lần lượt bằng 78% và 48% mức thực hiện năm 2020.

Ở lĩnh vực dệt may, Công ty cổ phần Dệt may đầu tư thương mại Thành Công (TCM) cho biết trong tháng 6-2021, công ty ước đạt doanh thu 13,85 triệu đô la Mỹ, nâng doanh thu sáu tháng đầu năm lên 81,35 triệu đô la Mỹ; lợi nhuận sau thuế 1,18 triệu đô la Mỹ, nâng lợi nhuận sáu tháng đầu năm lên 5,28 triệu đô la Mỹ, tăng 24% so với cùng kỳ.

Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận quí 2 nhiều khả năng đã được thể hiện vào giá cổ phiếu, nên nhà đầu tư tiến hành mua mới cần thận trọng và nghiên cứu kỹ doanh nghiệp trước khi giải ngân.

Trong lĩnh vực thủy sản, Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) ước tính, lợi nhuận trước thuế trong tháng 6-2021 đạt khoảng 100 tỉ đồng, lũy kế sáu tháng đầu năm đạt hơn 300 tỉ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2020.

Đối với lĩnh vực tài chính thì ngân hàng và chứng khoán là hai nhóm ngành được kỳ vọng sẽ có KQKD quí 2 cải thiện mạnh. Trên thực tế, cổ phiếu thuộc hai ngành này cũng đã bứt tốc trong thời gian vừa qua, luân phiên “dẫn dắt” chỉ số VN-Index đi lên.

Tăng trưởng tín dụng sáu tháng đầu năm nay của toàn hệ thống ngân hàng đạt 5,1% – gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020. Hiện tại, hầu hết ngân hàng đã đạt hạn mức tăng trưởng tín dụng được giao đợt 1. Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ nới hạn mức, đặc biệt đối với các ngân hàng có nguồn vốn mạnh như MB, HDBank, VPBank, Tecombank… Theo đó, thu nhập từ lãi ròng của các ngân hàng dự kiến sẽ tăng mạnh trong quí 2.

Còn với khối chứng khoán, thanh khoản thị trường tăng và VN-Index liên tiếp thiết lập kỷ lục mới là những cơ sở vững chắc để giới đầu tư đặt niềm tin vào KQKD của nhóm ngành này. Dư nợ giao dịch ký quỹ (margin) trong quí 2-2021 tăng 20 – 30% so với quí 1-2021 đã giúp nhiều công ty ghi nhận thêm khoản thu. Cụ thể, Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) ước đạt 600 tỉ đồng lợi nhuận sau sáu tháng đầu năm 2021, bằng khoảng 80% kế hoạch cả năm.

Một số công ty chứng khoán khác như Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTS), Chứng khoán VNDIRECT (VND) cho biết, công ty đã hoàn thành cơ bản mục tiêu lợi nhuận năm 2021, một phần do kế hoạch ban đầu khá thận trọng, nhưng quan trọng là TTCK có diễn biến khả quan trong giai đoạn nửa đầu năm, giá và thanh khoản tăng cao.

Giao dịch dựa trên kỳ vọng

Dù được dự báo sẽ đón nhận một mùa báo cáo KQKD tích cực nhưng điểm đáng lưu ý đối với TTCK là các nhà đầu tư luôn giao dịch dựa trên kỳ vọng. Các số liệu chính thức khi được công bố, dù tốt cũng thường không còn quá ảnh hưởng đến diễn biến giá cổ phiếu trừ khi mức tốt đó nằm ngoài dự báo trước đó của giới đầu tư. Hiện nhiều nhóm cổ phiếu đã tăng giá khá mạnh kể từ đầu năm 2021. Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận quí 2 nhiều khả năng đã được thể hiện vào giá, nên nhà đầu tư tiến hành mua mới cần thận trọng và nghiên cứu kỹ doanh nghiệp trước khi giải ngân.

Theo tính toán của Fiinpro, chỉ số VN30 có P/E forward (dự báo) ở mức 17,1 lần (hiện ở mức 17,76 lần) và P/B forward (dự báo) ở mức 2,5 lần (hiện ở mức 3,2 lần). Như vậy, triển vọng lợi nhuận năm 2021 là tích cực, nhưng thu nhập tính trên mỗi cổ phiếu (EPS) của nhóm VN30 dự kiến tăng khá thấp so với mức tăng lợi nhuận sau thuế (4,4% so với 19%), chủ yếu do ảnh hưởng của hoạt động phát hành thêm cổ phiếu. Mức P/E (giá/thu nhập một cổ phiếu) và P/B (giá/giá trị sổ sách) như trên mặc dù chưa phải quá đắt nhưng cũng không còn ở mức quá rẻ, chưa kể áp lực pha loãng cổ phiếu từ các đợt phát hành của doanh nghiệp sẽ khiến nguồn cung tăng cao, làm giảm sức hấp dẫn của thị trường.

Bên cạnh đó, nếu nhìn về triển vọng hai quí cuối năm thì những thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam không phải đã hoàn toàn biến mất. Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 có mức độ tương đối mạnh và diễn ra trên diện rộng, đồng thời dự kiến kéo dài hơn so với những đợt dịch trước, sẽ cản trở sự phục hồi của các doanh nghiệp tiêu dùng, dịch vụ, hàng không.

Bên cạnh đó, một số tín hiệu vĩ mô khác cũng chưa thật sự khả quan, gây khó khăn trong việc hoàn thành kế hoạch tăng trưởng cho cả năm 2021 của doanh nghiệp. Điển hình như giải ngân vốn đầu tư công sáu tháng mới đạt hơn 30% kế hoạch năm. Đây là hệ quả của hiện tượng giá thép và vật liệu xây dựng tăng mạnh, khiến nhiều nhà thầu phải hoãn tiến độ thực hiện, hoặc tiến hành đàm phán lại với chủ đầu tư để bù lỗ.

Nói tóm lại, nhà đầu tư hiện có nhiều cơ sở để có thể tự tin tiếp tục nắm giữ nhiều nhóm cổ phiếu tiềm năng trong mùa báo cáo KQKD quí 2-2021 sắp tới nhưng quyết định có nên “mua đuổi” khi thông tin được chính thức công bố hay không thì sẽ cần đến sự thận trọng và nhiều cân nhắc. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới