Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mùa dịch, đừng để ‘tin vịt’ dẫn dắt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mùa dịch, đừng để ‘tin vịt’ dẫn dắt

LS. Kiều Anh Vũ(*)

(TBKTSG) – Trong khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến toàn xã hội phải căng sức chống đỡ thì lại có nhiều người lợi dụng tình hình để đưa “tin vịt”, tin giả (những thông tin bịa đặt, sai sự thật) nhằm “câu view”, “câu like” hoặc thậm chí là để trục lợi, và làm cho cuộc chiến chống dịch thêm phần khó khăn.

Sống chung với tin đồn thất thiệt thời dịch corona

Vấn đề của 2019 – tin bịa đặt

Mùa dịch, đừng để 'tin vịt' dẫn dắt
Nhiều tin giả đã được đăng tải, chia sẻ trên Facebook, thông tin sai sự thật về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, gây hoang mang dư luận. Ảnh minh họa Thành Hoa

Cho dù Việt Nam chưa có luật riêng về phòng chống tin giả nhưng trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành vẫn có các quy định, chế tài đối với hành vi đưa tin, lan truyền thông tin giả, không đúng sự thật. Và theo bản tin thời sự 19 giờ ngày 15-3 trên VTV1, tính đến thời điểm phát tin, cả nước đã có gần 800 trường hợp bị xử lý vì đưa tin không đúng sự thật liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid-19.

Các tin giả chủ yếu được đăng tải, chia sẻ trên Facebook, thông tin sai sự thật về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, gây hoang mang dư luận; thông tin sai lệch về bệnh nhân, cách chữa trị; thông tin không đúng về nỗ lực phòng chống dịch bệnh của cơ quan chức năng…

Tôi xin tóm lược một số quy định pháp luật làm căn cứ xử lý những hành vi này như sau:

– Luật Công nghệ thông tin năm 2006 (điểm d khoản 2 điều 12) nghiêm cấm hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm mục đích “xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân”. Tương tự, Luật Viễn thông năm 2009 (khoản 4 điều 12) cũng nghiêm cấm hành vi đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

– Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 (khoản 1 điều 7) nghiêm cấm hành vi “thay đổi, sao chép và làm sai lệch thông tin trên mạng trái pháp luật”.

– Luật An ninh mạng năm 2018 (điểm d khoản 1 điều 8) nghiêm cấm hành vi “thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”.

Cụ thể hóa biện pháp xử lý, Nghị định 174/2013/NĐ-CP (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện) quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác; mức phạt bằng một nửa (từ 5-10 triệu đồng) đối với cá nhân.

Cũng theo Nghị định 174/2013, nếu phương tiện được sử dụng để thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân là những trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp (website) thì mức phạt tiền từ 20-30 triệu đồng. Nếu đối tượng chủ động vi phạm hành vi này là tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội thì mức phạt lên tới 30-50 triệu đồng.

Ngày 3-2 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, sẽ có hiệu lực từ ngày 15-4-2020 và thay thế Nghị định 174/2013.

Nghị định 15/2020, ngoài việc kế thừa các quy định của Nghị định 174/2013 về các biện pháp xử lý, mức chế tài đối với hành vi vi phạm liên quan đến đưa tin không đúng sự thật trên website; hành vi vi phạm của tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội, thì còn quy định rõ hơn trách nhiệm của người dùng mạng xã hội.

Cụ thể, điểm a khoản 1 điều 101 quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Khoản 3 điều này cũng quy định rõ biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.

Về chế tài hình sự, theo điều 288 Bộ luật Hình sự, người nào đưa hoặc sử dụng thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông trái với quy định của pháp luật, thu lợi bất chính từ 50 đến dưới 200 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại từ 100 đến dưới 500 triệu đồng, hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của tổ chức, cá nhân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hình phạt cao nhất cho tội này là phạt tù lên đến bảy năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Chế tài đã có nhưng việc xử lý hình sự vẫn chưa được áp dụng nhiều trên thực tế. Tình trạng tin giả vẫn tràn lan trên mạng. Có lẽ các cơ quan chức năng cần quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong công cuộc phòng chống “dịch tin giả”.

(*)Công ty Luật KAV Lawyers

Vị trí đặt bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới