(KTSG Online) - Những ngày qua, nhiều tỉnh như Đắk Lắk, Kiên Giang, Bình Phước đã xảy ra mưa dông, có nơi có mưa to làm hàng ngàn héc-ta lúa và hoa màu bị thiệt hại nặng. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, khu vực Tây Nguyên và Nam bộ sẽ còn mưa dông trong nhiều ngày tới.
- Mưa dông kèm lốc gây nhiều thiệt hại về người và tài sản các địa phương
- TPHCM sẽ còn mưa dông kéo dài, người dân cần đề phòng ngập
Theo TTXVN, ở Đắk Lắk, mưa lớn trong những ngày qua làm hơn 300 héc-ta diện tích hoa màu ngập và hơn 150m đê bao sông tự đắp của người dân bị vỡ, dẫn đến hơn 1.000 héc-ta diện tích lúa hè thu có nguy cơ mất trắng. Từ sáng 29-7, địa phương đã bố trí lực lượng tiến hành hộ đê cứu lúa, gia cố những đoạn đê xung yếu để tránh nước sông tràn vào.
Chỉ trong 2 ngày là 28 và 29-7, mưa lớn kèm dông lốc cũng xảy ra ở nhiều khu vực tại tỉnh Kiên Giang, gây nhiều thiệt hại về tài sản. Theo đó, gần 30 căn nhà bị tốc mái, 11 căn nhà bị đổ sập, tập trung ở những huyện là Giồng Riềng, Gò Quao, An Biên, Châu Thành, Hòn Đất và Vĩnh Thuận. Ước tính, thiệt hại về vật chất ban đầu hơn 1 tỉ đồng.
TTXVN cho biết, Kiên Giang sẽ tiếp tục có mưa và cục bộ có nơi mưa to. Chi cục Thủy lợi đã mở các cống trên địa bàn tỉnh và phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi miền Nam vận hành mở tất cả các cửa cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô để tiêu thoát nước, chống ngập úng, đảm bảo an toàn cho sản xuất.
Ở Bình Phước, mưa lớn kèm dông lốc tối 28-7 đã làm nhiều cây xanh, pano, trụ điện ở một số tuyến đường trong nội ô thành phố Đồng Xoài bị gãy, đổ. Nhiều mái che, lều bạt của người dân bị cuốn bay.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, đến hết ngày 30-7, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa 20-50mm, có nơi trên 100mm.
Ở Bắc bộ, mưa dông có khả năng kéo dài đến ngày 3-8, tập trung vào chiều tối và đêm; Tây Nguyên và Nam bộ cũng có mưa dông kéo dài trong nhiều ngày tới. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá là cấp 1.
Trung tâm cảnh báo các địa phương cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp; đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị.