Mưa lớn sẽ xuất hiện trên diện rộng từ nay tới ngày 4-8
Thùy Dung
![]() |
Bộ trưởng Cao Đức Phát (bên phải) chỉ đạo buổi họp trực tuyến – Ảnh: Thùy Dung |
(TBKTSG Online) – Từ nay đến ngày 4-8, tình hình mưa lũ sẽ rất phức tạp, xác suất 80% mưa lớn sẽ xuất hiện trên toàn bộ khu vực miền núi phía Bắc. Do đất đã “ngậm” nước mưa từ trước nên khả năng xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất là rất cao, theo thông tin tại buổi họp khẩn về công tác ứng phó với mưa lũ diễn ra chiều nay 30-7.
Quảng Ninh thiệt hại lên tới 1.500 tỉ đồng
Tại buổi họp trực tuyến, đánh giá về đợt mưa vừa qua tại khu vực phía Bắc, đặc biệt ở Quảng Ninh, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho hay, đây là đợt mưa lớn nhất trong vòng 50 năm qua tại Quảng Ninh. Vì đợt mưa này chủ yếu tập trung ở phía biển, nếu vùng mưa lẹm nhiều vào phía Tây Bắc Bộ thì hậu quả sẽ còn nặng nề hơn rất nhiều.
Nói về diễn biến mưa từ nay tới ngày 4-5, ông Cường cho hay, sẽ có hai kịch bản mưa lớn trên diện rộng tại Bắc Bộ với xác suất 80% và chỉ khoảng 20% là có mưa nhưng không quá lớn. Mưa lớn có xu hướng mở rộng về phía Tây hướng sâu vào đất liền, toàn bộ các tỉnh Việt Bắc, Tây Bắc, lượng mưa tổng cộng 100-300 mm, có nơi trên 400 mm.
Với diễn biến như vậy, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở tất cả các tỉnh vùng núi phía Bắc, đặc biệt là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Hà Giang, Tuyên Quang và ngập úng ở vùng trũng, thấp, ven sông, suối, ngập lụt ở đô thị Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định.
Trên hệ thống sông Hồng, Thái Bình, từ ngày 31-7 đến ngày 4-8 sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3 đến 7 mét, ở hạ lưu từ 2 đến 4 mét. Đặc biệt, trong đợt lũ này mực nước thượng lưu sông Thái Bình có khả năng lên mức báo động 2-3, sông Kỳ Cùng có khả năng lên mức báo động 2.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, đợt mưa cực đoan vừa rồi với cường suất đặc biệt lớn, gây bất ngờ cho người dân và các cấp chính quyền nên có nơi còn bị động trong triển khai công tác ứng phó khiến hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Thông tin về diễn biến mưa lũ, sạt lở đến người dân còn chưa kịp thời, đầy đủ. Việc quy hoạch, xây dựng đô thị, bố trí dân cư còn nhiều bất cập, chưa quan tâm đúng mức đến việc lồng ghép phòng, chống thiên tai; hệ thống thoát nước ở nhiều đô thị còn chưa đảm bảo nên xảy ra ngập lụt trên diện rộng khi có mưa lớn.
Báo cáo về thiệt hại đối với tỉnh Quảng Ninh trong đợt mưa vừa qua, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho hay, 3 địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đợt mưa lớn này là Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn với lượng mưa trong những ngày qua lên đến trên 800 mm, có nơi lên tới 1000 mm. Lượng mưa lớn, diễn biến đột ngột đã gây thiệt hại về người và của đối với Quảng Ninh. Tính đến nay đã có 17 người (gồm 14 người ở Hạ Long và 3 người ở Cẩm Phả), 6 người mất tích.
Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng do ngập lụt trên địa bàn tỉnh là khoảng trên 3.700 hộ, trong đó sập hoàn toàn 28 nhà, khoảng 900 hộ vẫn bị ngập, nặng nhất là Cẩm Phả và Hạ Long, có nơi bị ngập tới 10 mét. Tổng số hơn 1.700 hộ dân ở vùng nguy hiểm được di dời đến nơi an toàn. Diện tích ao, đầm nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại hơn 430 héc ta; 880 lồng bè thủy sản thiệt hại tại Vân Đồn; hơn 1.000 héc ta diện tích lúa, hoa màu bị ngập úng; Nhiều công trình giao thông huyết mạch bị hư hại…
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, ước tổng thiệt hại từ ngày 26-7 đến nay khoảng trên 1.500 tỉ đồng, trong đó, thiệt hại trên địa bàn tỉnh khoảng trên 1.000 tỉ đồng và ngành than khoảng trên 500 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Đức Long đề nghị Trung ương hỗ trợ 100 tỉ đồng cho địa phương ngay để có phương án hỗ trợ, sớm ổn định cuộc sống cho người dân.
Đã điều tàu quân sự “giải cứu” khách du lịch tại Cô Tô
Tại buổi họp, Đại tá Vũ Thế Chiến, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho hay, từ chiều nay, tàu quân sự HQ 634 đã đến đảo Cô Tô để đón khách du lịch còn mắc kẹt tại đây. Tuy nhiên, do thời tiết còn xấu, gió giật và mưa nên tất cả các du khách đều phải mặc áo phao để lên tàu. Tàu sẽ đi qua cửa núi, vào Vân Đồn sau đó vào trung tâm Cẩm Phả. Từ đó du khách sẽ bắt xe về nhà.
“Mỗi tàu chỉ đón được 200 khách nên sẽ phải ít nhất 5 chuyến mới có thể cơ bản chở được hết khách du lịch về đất liền” – ông Chiến nói.
Kết luận tại buổi họp khẩn, Trưởng ban chỉ đạo Trung Ương về phòng chống thiên tai Cao Đức Phát cho hay, xác suất 80% từ tối nay đến ngày 4-8 vẫn còn mưa lớn. Không chỉ Việt Nam mà nhiều trung tâm dự báo thời tiết lớn trên thế giới đều dự báo như vậy. Theo kinh nghiệm thì nơi có thiệt hại lớn nhất là nơi có mưa cực đoan cao. Tuy nhiên, cơ quan Khí tượng thủy văn chỉ dự báo được tổng thể lượng mưa nhưng có những nơi mưa cực đoan, cục bộ, lên tới 700 đến 1000mm trong thời gian rất ngắn lại không dự báo được.
Mưa lớn sẽ gây ra lũ lụt trên sông, lũ quét, sạt lở đất trong bối cảnh đất mấy ngày gần đây đã ngấm nước thì nguy cơ sẽ cao hơn rất nhiều. Lũ trên các dòng sông sẽ tăng nhanh, đe dạo không chỉ cư dân ven bờ mà cả hạ du. Trong khi đó, hồ đã đầy, có hồ đang có sự cố nên đợt mưa tới có thể đe dạo đến an toàn hồ chứa. Mặt khác, trên biển sóng to gió lớn gây mất an toàn cho tàu thuyền hoạt động trên biển.
Vì vậy, Ban chỉ đạo đề nghị Quảng Ninh và các địa phương có mưa lớn thời gian qua tiếp tục thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ nhân dân sớm ổn định cuộc sống tìm kiếm người mất tích trên biển, điều động tàu hỗ trợ du khách ở Cô Tô về đất liền.
Với diễn biến mưa lũ sắp tới, các tỉnh phải theo dõi thông tin cảnh báo về mưa lũ và tìm mọi cách để thông tin đến từng hộ dân; Chỉ đạo tới từng huyện, xã để kiểm tra khu vực ngập lụt, có nguy cơ sạt lở đất và kiên quyết di dời người dân ra khỏi nơi có nguy cơ cao, đặc biệt những nơi sạt lở đất và những nơi dân đang sống ở bãi ven sông ven suối. Ban chỉ đạo cũng đề nghị kiểm tra hồ chứa, đặc biệt là hồ chứa có nguy cơ cao phải bố trí thêm người canh gác và vận hành phù hợp để đảm bảo an toàn….
Hỗ trợ y tế cho Quảng Ninh Bộ Y tế vừa chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp cấp phát hàng hóa giúp ngành y tế tỉnh Quảng Ninh khắc phục hậu quả sau mưa lũ, bảo vệ sức khỏe nhân dân, ông Nguyễn Xuân Trường, Chánh văn phòng Bộ Y tế cho biết. Cụ thể, Bộ Y tế cấp phát xuất một xuồng cứu nạn và chỉ đạo các Công ty Cổ phần Dược Trung Ương 3 cung cấp 40 cơ số thuốc phòng chống lụt bão; Công ty Cổ phần y tế Damameco cung cấp 40 cơ số dụng cụ phòng chống lụt bão cung cấp 1 triệu viên khử khuẩn CloraminB và 200.000 viên khử khuẩn Aquatabs; Công ty cổ phần thiết bị y tế Medinsco cung cấp 150 chiếc áo phao cứu sinh, 5 bộ nhà bạt 16m2, và 5 bộ nhà bạt 24,75m2 cho sở Y tế tỉnh Quảng Ninh phòng chống sau mưa lũ. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng hỗ trợ Ban Quân dân Y- Quân khu 3 với 30 cơ số thuốc phòng chống lụt bão; 500.000 viên khử khuẩn Cloramin B và 100 chiếc áo phao cứu sinh, ông Trường nói với TBKTSG Online hôm nay, 30-7. Bộ Y tế cũng đã cử đoàn công tác do một thứ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn và các đơn vị liên quan đi chỉ đạo trực tiếp, kiểm tra công tác y tế, khắc phục hậu quả sau mưa lũ tại Quảng Ninh. Hoàng Nhung |
Đọc thêm: