Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mua lúa tạm trữ: Đến hẹn lại lên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mua lúa tạm trữ: Đến hẹn lại lên

Nguyễn Minh Nhị, An Giang

Nông dân phơi lúa sau thu hoạch-Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) – Khoảng 10 năm nay, mỗi khi lúa tiêu thụ khó khăn, nông dân lỗ lã, Chính phủ lại chủ trương các doanh nghiệp lương thực mua lúa tạm trữ bằng cách bù lãi suất ngân hàng cho mấy tháng. Mấy lần đầu thấy hay, xem đây là giải pháp tình thế, thể hiện trách nhiệm và tấm lòng của nhà nước đối với nông dân. Nhưng dần dà mới thấy rằng cách làm này không hiệu quả và sẽ gây nhiều hệ quả – nông nghiệp thêm tụt hậu.

>>Mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo

Nhu cầu lương thực và khả năng sản xuất, nhất là gạo rất ổn định trên phạm vi thế giới. Chỉ có tình hình mất mùa và trúng mùa có xảy ra nhưng rồi cái mất cũng có cái được bù vào, nước này tăng xuất khẩu thì nước khác sụt giảm, vậy về căn bản là cung – cầu ổn định. Nhưng để bảo đảm an ninh lương thực bền vững, Chính phủ các nước đều có dự trữ, ngay như gia đình còn phải dự trữ.

Làm lúa mùa những năm 1970 trở về trước thì trữ một năm, lúa tăng vụ thì 4 tháng, nay chợ búa nhiều, nhà không chỗ chứa nên chỉ để đủ ăn một tháng hoặc một tuần. Việt Nam ta trồng lúa quanh năm, gần như ngày nào cũng có thu hoạch, không tỉnh này thì vùng khác.

Riêng ĐBSCL, vựa lúa lớn nhất cả nước, chiếm hơn 50% sản lượng lúa nên khi vào vụ, nhất là được mùa thì giá xuống. Đó là lẽ thường, thời nào cũng vậy, không vậy mới lạ, chớ nào ai ép giá ai.

Thời xưa, lúa mùa, sản lượng ít, trung nông nhà nào cũng có bồ chứa lúa, chờ sau thu hoạch một lúc, lúa có giá mới bán. Chủ chành thì mua gom dự trữ lớn hơn, bán ra từ từ nhưng luôn luôn có lãi, ai đầu cơ đẩy giá lên quá cao hoặc không bán ra thì bị nhà cầm quyền can thiệp. Còn bây giờ ta điều hành sản xuất và tiêu thụ lúa gạo sao mà vất vả trăm bề?

Lương thực, dù kẻ nghèo, người giàu ai cũng phải ăn, không như hàng hoá khác có tiền thì mua, thậm chí mua đắt, xài sang. Vì vậy lương thực trở thành vấn đề chính trị, lương tâm và đạo đức của loài người nên ở tầm quốc gia hay quốc tế đều phải quan tâm và đều có chiến lược để ổn định, tránh khủng hoảng thừa khi trúng mùa tăng sản lượng, hoặc thiếu đói khi thiên tai, thảm hoạ, chiến tranh, kể cả ở những nước nghèo thiếu lương thực triền miên.

Vấn đề lớn như vậy mà để cho người nông dân tự giải quyết thì không công bằng, không thoả đáng. Chính phủ chủ trương mua lúa tạm trữ là góp phần giúp nông dân hạn chế thiệt hại khi lúa rớt giá là trên tinh thần đó. Nhưng do chưa có chiến lược ở tầm vĩ mô nên giải quyết vấn đề này thường bị động bằng giải pháp tình thế, có thời hiệu đôi ba tháng nên cứ hễ lúa rớt giá thì cho mua tạm trữ, Chính phủ bù lãi suất cho doanh nghiệp như “đến hẹn lại lên” mà hiệu quả thì không đong đếm được.

Để giải quyết tận gốc vấn đề này, sản xuất phải có quy hoạch, kế hoạch (cả kế hoạch thị trường), có chính sách và đặc biệt là khâu tổ chức thực hiện. Ở đây xin lạm bàn về khâu tổ chức thực hiện. Trong thực hiện có hai vấn đề lớn là làm giảm giá thành và giữ giá bán cho có lợi nhất.

Giá thành hạt lúa nằm dài theo chuỗi “dây chuyền”: Đất (tiền cày xới, làm mặt bằng và cả tiền thuê đất), tưới – tiêu, giống, phân, thuốc, chăm sóc, thu hoạch, sau thu hoạch, tiền công (thuê nhân công bên ngoài và công của gia đình), lãi vay…

“Dây chuyền” này không có nhà nước tài trợ trên tất cả các khâu như “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong xây dựng nông thôn thì giá thành sẽ rất cao, không cạnh tranh nổi với các nước. Các nước phát triển đều tài trợ rất lớn nên giá lương thực – nông sản rẻ đến mức không nước nghèo nào cạnh tranh nổi, chớ không hoàn toàn do nông dân họ làm giỏi.

Ở Việt Nam ta, hiện nay ngoài các trang trại làm lúa quy mô trên dưới 50 héc-ta, số còn lại nếu nhà nước không chủ trì giúp họ tổ chức hợp tác sản xuất (hợp tác xã kiểu mới – HTX) thì không thể nào tài trợ trực tiếp vào giá thành hạt lúa.

Tài trợ lãi suất thì doanh nghiệp hưởng, mà thực mua theo tinh thần tạm trữ chưa chắc được như chứng từ báo cáo. Có HTX, nhà nước sẽ đầu tư trực tiếp cho nông dân và do có hợp tác mới kéo giá các dịch vụ sản xuất xuống, thay vì nông dân trực tiếp giao dịch với tư nhân.

Có HTX, nhà nước sẽ đầu tư cho nông dân làm kho trong vùng sản xuất (gần ruộng) để trữ lúa, kể cả đầu tư cho các chủ trang trại lớn, cùng với việc hỗ trợ các doanh nghiệp làm kho gạo luân chuyển và kho trữ lâu dài (silô) ở các điểm trung tâm xa ruộng. Khi ta có hệ thống kho dự trữ các loại, mua theo tiến độ thời vụ với sức chứa gần bằng sản lượng xuất khẩu hàng năm thì khi ấy gạo xuất khẩu mới cạnh tranh, không bị ai bắt chẹt và nhà nước đầu tư (tài trợ) cũng tận gốc, nông dân mới được hưởng lợi.

Và như vậy mới chấm dứt tình hình mua lúa tạm trữ như “đến hẹn lại lên” và Chính phủ mới rảnh tay tập trung điều hành thị trường theo chức năng hành pháp: vào chính vụ, bất kể doanh nghiệp nào không mua hoặc mua “câu giờ”, đầu cơ làm giá, gian lận thương mại hoặc bán phá giá thì phải hành xử đúng phép, nhẹ nhất là không được hưởng tài trợ của Chính phủ và nhất thiết phải rút phép kinh doanh.

Khâu tổ chức sản xuất ta chưa tốt, khâu điều hành thị trường (xuất khẩu) cũng chưa tốt, đó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Mua lúa tạm trữ như là chữa cháy. Và vì không phòng cháy nên cứ bị cháy, năm nào cũng cứ tạm trữ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới