Mùa mưa đến, lo ngại cây xanh gãy đổ
Kinh Luân
(TBKTSG Online) – Cơn mưa bất chợt chiều 17-3 đã làm trốc gốc hai cây điệp cổ thụ bên ngoài nhà khách Chính phủ (số 1 Lý Thái Tổ, quận 10, TPHCM), và Công ty Công viên Cây xanh TPHCM phải đốn hạ chúng để tránh đè sập tường rào khu nhà, khiến người dân nhớ lại hậu quả khá nghiêm trọng mà cơn bão số 1 năm 2012 gây cho TPHCM.
Công nhân của Công ty Công viên Cây xanh TPHCM đốn hạ một trong hai cây điệp cổ thụ bị gió xô đổ nghiêng vào bức tường bao nhà khách Chính phủ chiều 17-3 vừa qua – Ảnh: Kinh Luân |
Theo hồ sơ lưu trữ của Công ty Công viên Cây xanh TPHCM, cơn bão ngày 1-4-2012 toàn thành phố có đến 327 cây lớn bị quật ngã, đó là chưa kể hơn 100 cây khác bị xô nghiêng hay gãy nhánh. Một năm sau biến cố này, nhiều người vẫn còn nhớ khá rõ hình ảnh cây cối, trụ điện đổ ngã ngổn ngang đường phố, may mắn là chỉ có một xe taxi bị cây ngã đè bẹp và một người đi xe máy bị gãy tay.
Trả lời báo chí về biến cố đó, bà Lê Thị Mai Hồng – Trưởng phòng kỹ thuật Công ty Công viên Cây xanh TPHCM, thừa nhận là “không thể mé cành, mé nhánh hết tất cả 80.000 cây xanh các loại trong nội thành TPHCM”. Bên cạnh lời khẳng định “vẫn làm tốt, làm thường xuyên công tác mé nhánh, tỉa cành để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ cho người đi đường”, bà Hồng cũng cảnh báo về nguy cơ có thể tái diễn. “Bão vào thành phố mà sức gió giật đến cấp 9 thì mái tôn cũng tốc, cây xanh ngã đổ là không thể tránh khỏi”, bà Hồng nói.
Đốn mé nhánh cây chuẩn bị cho mùa mưa sắp tới trên đường Ngô Thời Nhiệm (quận 3) – Ảnh: Kinh Luân |
Một vấn đề đáng lưu ý khác là việc thi công những công trình hạ tầng như xây cống, đặt cáp ngầm, lót gạch vỉa hè, làm móng nhà cao tầng… đã làm tăng nguy cơ ngã đổ cây xanh.
Theo kết quả thống kê của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, từ năm 2009 đến nay có đến 90% sự cố cây xanh ngã đổ là thuộc khu vực nội thành – nơi có nhiều công trình thi công hạ tầng đô thị. “Những tai nạn kiểu này rất ít xảy ra ở vùng ven, ngoại thành.