Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mua ngoại hối dự trữ có thể chỉ đạt 10 tỉ đô la vì Covid 19

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mua ngoại hối dự trữ có thể chỉ đạt 10 tỉ đô la vì Covid 19

Thảo Nguyên

(TBKTSG Online) – Theo ông Vũ Minh Trường – Giám đốc Nguồn vốn và Thị trường Tài chính Techcombank, diễn biến thị trường tài chính thế giới và trong nước trong năm nay sẽ không thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước có thể mua được 20 tỉ đô la Mỹ cho dự trữ ngoại hối như năm ngoái, thay vào đó, mức mua được kỳ vọng khoảng 10 tỉ đô la Mỹ.

Mua ngoại hối dự trữ có thể chỉ đạt 10 tỉ đô la vì Covid 19

Trong buổi gặp gỡ chuyên gia phân tích và báo chí cuối tuần qua, ông Trường cho rằng dịch bệnh Covid-19 khiến các đồng tiền trong khu vực mất giá khá nhiều, đặc biệt là đồng baht Thái đã mất giá khoảng 6%, đồng won của Hàn Quốc khoảng 5% và đô la Singapore mất khoảng 4%. Tuy vậy tiền đồng hiện nay vẫn khá ổn định và mất giá không đáng kể.

“Với diễn biến như hiện tại, trong năm 2020 này nguồn thu ngoại tệ của Việt Nam sẽ giảm xuống, chúng tôi dự kiến mất khoảng 5 tỉ đô la Mỹ thu nhập thông qua du lịch. Vì vậy năm nay khả năng là Việt Nam sẽ không mua được 20 tỉ đô như năm ngoái, nhưng chúng tôi vẫn hy vọng là ngân hàng nhà nước sẽ mua được khoảng 10 tỉ đô nữa, tăng lượng dự trữ ngoại hối lên khoảng  90 tỉ đô la Mỹ”, ông Trường nói thêm.

Về nguồn ngoại tệ cho doanh nghiệp, ông Trường cho rằng với tình hình tỷ giá có thể có biến động nhẹ, không  biến động mạnh như các nước trong khu vực thì nguồn ngoại tệ của các ngân hàng vẫn đảm bảo cho các hoạt động thanh toán quốc tế, xuất – nhập khẩu của doanh nghiệp, không có quá nhiều rủi ro.

Ông Trường cho rằng nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ chững lại bởi những tác động của dịch bệnh. Tuy nhiên vẫn có những điểm tích cực như dòng vốn FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) trong suốt 5 năm vừa rồi tăng rất đều, mỗi năm tăng trưởng 9%. Và một điều tích cực nữa là khoảng 77% nguồn FDI này đang được tập trung ở lĩnh vực sản xuất. Thêm vào đó các yếu tố như Covid – 19 hay cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung khiến trung tâm sản xuất thế giới dịch chuyển dần khỏi Trung Quốc, Việt Nam được hưởng lợi bởi nhiều nhà đầu tư chọn nước ta làm điểm đến.

Tuy vậy theo thông tin của ông Trường, hiện tại có một số khách hàng của ngân hàng có hoạt động kinh doanh liên quan nhiều đến Trung Quốc đã bị ảnh hưởng, việc kinh doanh trở nên khó khăn hơn. Nhu cầu vốn của nhóm này đã giảm xuống. Do vậy, mức tăng trưởng tín dụng năm nay Ngân hàng Nhà nước dự kiến khoảng 13- 14% như năm ngoái có thể hơi khó khăn.

Trong khi đó con số huy động của hệ thống vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt. Và khi tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng tiếp tục giảm trong vòng 3-4 năm gần đây, tình hình tài chính của hệ thống ngân hàng tiếp tục lành mạnh, vốn huy động dồi dào thì ông Trường cho rằng mục tiêu giảm lãi suất cho vay mà ngân hàng nhà nước đưa ra có khả năng thực hiện được.

Lợi nhuận trước thuế Techcombank tăng 17 quí liên tiếp

Tại buổi gặp gỡ cuối tháng 2 vừa qua với chuyên gia phân tích và báo chí, lãnh đạo Techcombank cũng cho biết trong năm 2019, Techcombank đạt lợi nhuận trước thuế 12.800 tỷ đồng, tăng 31,5% so với 2018 và thu nhập hoạt động đạt 21.100 tỷ đồng, nối tiếp chuỗi tăng trưởng doanh thu 17 quý liên tiếp. Như vậy sau 5 năm, con số lợi nhuận sau thuế của Techcombank tăng 7 lần, cùng với việc tăng trưởng doanh thu bình quân các năm, từ 2015-2020 ở mức 23%.

Thu nhập ngoài lãi được xem là con số đáng nói nhất tại Techcombank. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng chiếm khoảng 24% doanh thu. Trong khi đó, thu nhập ngoài lãi của Techcombank năm 2019 đạt 6.800 tỉ đồng chiếm đến khoảng 32,3% tổng doanh thu của ngân hàng, tăng 23,4% so với năm trước đó.

Con số này cho thấy việc chuyển dịch mạnh mẽ sang ngân hàng bán lẻ của Techcombank đã phát huy hiệu quả trong các năm trở lại đây.

Trao đổi với các nhà phân tích, ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank cho biết việc chuyển đổi này của ngân hàng nhằm mục tiêu giải bài toán tăng trưởng cho ngân hàng.

Ông cho rằng trong khi việc cho vay doanh nghiệp bị khống chế bởi hạn mức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, nếu dựa quá nhiều vào thu nhập ngoài lãi thì ngân hàng khó có doanh thu tăng trưởng như kỳ vọng.

Tại buổi gặp gỡ lãnh đạo Techcombank cũng chia sẻ con số tỷ lệ an toàn vốn cuối kỳ theo Basel II đạt 15,5%, cao gần gấp đôi so với yêu cầu tối thiểu của Basel II. Tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối năm ở mức 1.3%, cho thấy chất lượng tài sản của ngân hàng khá lành mạnh, nhờ ngân hàng chú trọng quản trị rủi ro, và kiên trì với mục tiêu “rủi ro thấp, lợi nhuận cao”.

Tổng tài sản của Techcombank tăng 19,5% so với cuối năm 2018, đạt mức 383.700 tỉ đồng, với tốc độ tăng trưởng tín dụng là 18,8%. Tổng huy động tăng 14,8% lên tới 231.000 tỉ đồng, trong đó tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng trưởng mạnh mẽ 37,9% so với cuối năm 2018, đạt mức 79.700 tỉ đồng, đưa tỷ lệ CASA của ngân hàng lên mức 34,5%.

Tỷ lệ CASA tăng cho thấy  ngân hàng huy động được nhiều nguồn vốn rẻ, từ đó, giúp cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM). Mặt khác, tỷ lệ này cũng gián tiếp phản ánh hiệu quả của chính sách phát triển sản phẩm, dịch vụ tiện ích trong thu hút và tạo nền tảng khách hàng.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới