Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mua sắm, ăn uống ngày Tết đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mua sắm, ăn uống ngày Tết đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng

Tâm An

(TBKTSG Online) – Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 -2018, tháng có Tết Nguyên đán được ghi nhận tăng khá mạnh, mức 0,73% so với tháng 1 với lực đẩy lớn từ nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống.

Mua sắm, ăn uống ngày Tết đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng
Giá cả hàng hóa tháng có Tết Nguyên đán tăng 0,73% so với tháng trước đó. Ảnh: Minh Tâm

Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố sáng nay, 28-2 cho thấy, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng tới 1,53% so với tháng 1. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng nhiều tháng qua khi tất cả các mặt hàng đều tăng mạnh. Trong đó, lương thực tăng 1,44%; thực phẩm tăng 1,71% và ăn uống ngoài gia đình tăng 1,14% so với tháng 1.

Các mức tăng này cũng khá dễ hiểu khi tháng 2 là khoảng thời gian có Tết Nguyên đán, dịp mà nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân khắp cả nước với các mặt hàng kể trên tăng mạnh. Sức mua tăng cùng với việc chi phí vận chuyển, giá lao động cũng biến động đã khiến giá cả các mặt hàng tăng lên dù nguồn cung luôn đảm bảo.

Nhìn tình hình tại các địa phương, theo số liệu thống kê, tất cả đều tăng mạnh ở nhóm hàng này. Thậm chí, có khá nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, Gia Lai, mức tăng còn trên 2% so với tháng trước đó.

Riêng TPHCM nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,81%, thấp nhất trong cả nước. Chính điều này đã khiến CPI chung của TPHCM trong tháng có Tết chỉ tăng 0,34% so với tháng trước đó, thấp hơn rất nhiều mức bình quân của cả nước.

Báo cáo thống kê của cơ quan chức năng cũng cho thấy, các nhóm hàng vốn hay tăng giá mạnh vào dịp Tết vào như đồ uống, thuốc lá; may mặc mũ nón, giày dép; giao thông, văn hóa giải trí hay thiết bị đồ dùng gia đình, giá cả trong Tết năm nay lại khá ổn định. Mức tăng chỉ số giá của các nhóm này so với tháng trước đó đều dưới 0,8%, thậm chí có nhóm còn dưới 0,3% (nhóm may mặc, mũ nón giày dép và thiết bị đồ dùng gia đình).

Tính chung, tháng 2 có 9/11 nhóm hàng hóa trong rổ tính CPI tăng giá. Có hai nhóm giảm giá là nhà ở vật liệu xây dựng (do giá gas giảm) và bưu chính viễn thông.

CPI tháng 2 theo đó tăng 0,73% so với tháng 1 và tăng 1,24% so với tháng 12-2017.

So với cùng kỳ năm ngoái, CPI tháng 2 tăng 3,15%.

Bình quân CPI 2 tháng đầu năm 2018 tăng 2,9% so với cùng kỳ.

Lạm phát cơ bản theo thước đo CPI loại trừ lương thực – thực phẩm, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục tháng 2 tăng 0,49% so với tháng 1 và tăng 1,47% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lạm phát cơ bản hai tháng đầu năm tăng 1,32% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xét theo khu vực, mức tăng của chỉ số giá tại nông thôn cao hơn thành thị (lần lượt là 0,76% và 0,7%). Xét theo địa phương, tất cả các tỉnh thành đều có biến động giá hàng hóa. Trong đó, có khá nhiều tỉnh có mức biến động cao hơn mức bình quân cả nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới