Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mua sắm bằng giọng nói: Walmart đối đầu với Amazon

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mua sắm bằng giọng nói: Walmart đối đầu với Amazon

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Trong nỗ lực cạnh tranh với Amazon, tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới Walmart quyết định bắt tay với Google để giới thiệu dịch vụ mua sắm bằng giọng nói đang ngày càng trở nên phổ biến ở Mỹ, theo hãng tin CNN.

5 yếu tố đưa Amazon trở thành công ty giá trị nhất thế giới

Mua sắm bằng giọng nói: Walmart đối đầu với Amazon
Vào cuối tháng này, khách hàng của Walmart có thể ra lệnh bằng giọng nói với các thiết bị có tích hợp trợ lý ảo Google Assistant bao gồm loa thông minh Google Home để đặt mua thực phẩm của Walmart trực tuyến. Ảnh: eSellerCafe

Động thái mới của Walmart cho thấy xu hướng mua sắm bằng giọng nói nhờ sự hỗ trợ của các trợ lý ảo ở các thiết bị thông minh đang ngày càng lan tỏa.

Hiện nay, các khách hàng của Amazon có thể dễ dàng mua thực phẩm từ chuỗi cửa hàng thực phẩm tươi Whole Foods (đơn vị thành viên của Amazon) bằng cách ra lệnh đặt mua bằng giọng nói cho các thiết bị loa thông minh thương hiệu Echo của Amazon được tích hợp trợ lý ảo Alexa đặt tại nhà của họ.

Để xóa khoảng cách này khoảng cách này với Amazon, hôm 2-4, Walmart thông báo ký thỏa thuận hợp tác với Google, cho phép khách mua sắm của Walmart sử dụng mệnh lệnh giọng nói đặt mua thực phẩm trực tuyến thông qua trợ lý ảo giọng nói Google Assistant được tích hợp ở hơn 1 tỉ thiết bị bao gồm các loa thông minh Google Home và smartphone sử dụng hệ điều hành Android.

Bắt đầu vào cuối tháng này, dịch vụ mua sắm bằng giọng nói của Walmart có tên gọi Walmart Voice Order sẽ cho phép khách hàng ra lệnh trợ lý ảo Google Assistant đặt mua trực tuyến nhiều loại thực phẩm rồi đến nhận ở các điểm nhận hàng ở 2.100 siêu thị Walmart ở nước Mỹ; hoặc đặt mua thực phẩm từ 800 siêu thị Walmart và được giao hàng tận nhà.

Dữ liệu lịch sử mua sắm của khách hàng Walmart sẽ được trợ lý ảo Google Assistant ghi nhớ để ở những lần mua sau, trợ lý ảo này tự động nhận biết khách yêu thích mua chủng loại sản phẩm nào.

Chẳng hạn nếu khách yêu cầu đặt mua sữa từ Walmart, trợ lý ảo Google Assistant sẽ nhận biết thương hiệu, loại sữa và số lượng mà khách đã đặt mua nhiều lần trước đó và sẽ tự động điền các thông tin này vào giỏ hàng trực tuyến.

Sự kết hợp với Google sẽ mang lại cho Walmart cơ hội tốt hơn để thu hút khách hàng có nhu cầu mua sắm thực phẩm bằng giọng nói.

Dù mua sắm bằng giọng nói mới chỉ chiếm một phần nhỏ trong hoạt động mua sắm nói chung, giới phân tích dự báo hình thức mua sắm này ngày càng phổ biến hơn trong những năm tới. Walmart không muốn tụt lại đằng sau khi mà Amazon đang đẩy mạnh bán hàng qua các thiết bị loa thông minh thương hiệu Echo của Amazon bằng cách tận dụng sức mạnh của trợ lý ảo giọng nói Alexa.

Năm ngoái, các thiết bị loa thông minh tích hợp trợ lý ảo Alexa của Google chiếm 66,6% tổng doanh số loa thông minh tại Mỹ, trong lúc đó, mức thị phần của Google Home chỉ 29,5%. Song Walmart có một lợi thế khác, đó là có hơn 1 tỉ smartphone sử dụng hệ điều hành Android được tích hợp trợ lý ảo giọng nói Google Assistant, cho phép khách hàng của Walmart mua sắm bằng giọng nói với các smartphone này. Tom Ward, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách mảng hoạt động số hóa của Walmart tại Mỹ, nói: “Khách hàng có thể quản lý giỏ hàng mua sắm trực tuyến của họ trong khi đang ở nhà hoặc đang trên đường đi”.

Walmart cũng cho biết trong tương lai, sẽ mở rộng dịch vụ mua sắm giọng nói sang các nền tảng khác ngoài các thiết bị tích hợp trợ lý ảo Google Assistant. “Chúng tôi tiếp tục đổi mới cho tương lai và hướng đến công nghệ”, ông Tom Ward nói.

Các chuyên gia cho rằng mua sắm thực phẩm bằng giọng nói có triển vọng tăng trưởng lớn vì không giống như mua sắm áo quần hay các sản phẩm khác, khách không cần phải xem hoặc thử nhiều mặt hàng thực phẩm

Hôm 3-4, trang tin Market Watch dẫn lời Kathy Gersch, Phó Chủ tịch Công ty quản lý thay đổi và thực hiện chiến lược Kotter, nhận định các nhà bán lẻ không thay đổi và không cung cấp các giải pháp công nghệ mới để tiếp cận khách hàng sẽ bị tụt lại đằng sau. Bà cho rằng các khách hàng trẻ có xu hướng hưởng ứng mua sắm bằng giọng nói nhanh hơn.

Theo công ty nghiên cứu thị trường eMarketer, doanh thu mua sắm bằng giọng nói của Mỹ đạt khoảng 2,1 tỉ đô la Mỹ trong năm 2018, tức chưa đến 0,5% tổng doanh thu bán lẻ trực tuyến ở trong năm ngoái. Tuy nhiên, công ty tư vấn OC&C Consulting dự báo doanh thu mua sắm bằng giọng nói ở Mỹ sẽ tăng lên 40 tỉ đô la vào năm 2022 và sẽ có đến 62% người Mỹ sở hữu loa thông minh sẽ sử dụng nó để mua thực phẩm và các mặt hàng khác.

Theo kết quả cuộc khảo sát 1.002 người thuộc thế hệ thiên niên kỷ (tuổi từ 22-37) ở Mỹ hồi tháng 1-2019 do trang web CouponFollow thực hiện, có 45% nói rằng họ sử dụng trợ lý ảo giọng nói khi mua sắm bao gồm cả tìm kiếm sản phẩm và xem đánh giá sản phẩm.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới