Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mua sắm công bắt đầu công khai hơn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mua sắm công bắt đầu công khai hơn

Ngọc Lan ghi

Việt Nam khởi động dự án mua sắm công qua mạng – Ảnh:TL.

(TBKTSG Online) – Hệ thống mua sắm Chính phủ điện tử thử nghiệm tại địa chỉ: http://muasamcong.mpi.gov.vn đã khởi động từ ngày 9-7 với 3 đơn vị đuợc chọn thí điểm đấu thầu qua mạng là UBND Hà Nội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Với hình thức này, việc đấu thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ và xây lắp của Chính phủ đã dần trở nên công khai, minh bạch hơn. Cục trưởng Cục đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Văn Tăng đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này tại Hội nghị công bố quy định chi tiết thí điểm đấu thầu qua mạng ngày 22-9.

Thưa ông, việc mua sắm công qua đấu thầu trên mạng nên được nhìn nhận như thế nào?

Ông Lê Văn Tăng: Đây là một bước chuyển đổi quan trọng trong việc mua sắm của Chính phủ nhằm minh bạch và chống lãng phí. Năm đầu thực hiện thí điểm ở ba đơn vị. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 17/2010 quy định chi tiết thí điểm đấu thầu qua mạng. Sau đó mời các bộ, ngành, địa phương tham gia thực hiện hình thức này với các điều kiện đáp ứng, chứ không nhất thiết chỉ thực hiện ở ba đơn vị nêu trên. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có kế hoạch đến năm 2015 sẽ có 15% đến 20% số gói thầu mua sắm Chính phủ được thực hiện qua mạng.

Ông thấy những lợi ích rõ rệt nhất của hình thức đấu thầu này là gì? Và vai trò của nó trong hệ thống ứng dụng thương mại điện tử vào việc mua sắm công đến đâu?

– Việc đấu thấu công khai, minh bạch hơn, không chỉ công khai với chủ đầu tư hay các bên dự thầu mà bất cứ ai cũng có thể kiểm tra các giai đoạn, diễn biến đấu thầu qua mạng. Nó vừa tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí giao dịch, đồng thời lại nâng cao trách nhiệm giải trình của các bên tham gia. Bộ, ngành, địa phương là những nơi tiêu tiền ngân sách lớn nhất nên triển khai đấu thầu cách này buộc các bên phải nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và trình độ quản lý.

Nhưng xét cho cùng đây cũng chỉ là sự thay đổi về hình thức đấu thầu. Với những mặt trái của đấu thầu thông thường hiện nay, đấu thầu qua mạng sẽ phải làm gì để nâng cao tính bảo mật, chính xác và ngăn chặn những vấn đề tiêu cực có thể xảy ra?

– Vấn đề bảo mật, chứng thư số, chữ kỹ số được hướng dẫn chi tiết trong thông tư 17. Khó khăn nhất hiện tại là nhận thức của các chủ đầu tư phải thay đổi, dẫn đến thay đổi lề lối làm việc vì hình thức đấu thầu mới được lợi chung lại có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi cá nhân của các chủ thầu, vì các bên dự thầu không cần gặp trực tiếp bên mời thầu nữa.

Làm thế nào để dự án này sau thí điểm sẽ được triển khai rộng để tránh tình trạng “chết yểu”, thưa ông?

– Ngay trong quá trình thí điểm ở 3 đơn vị, chúng tôi đã đặt ra yêu cầu phải thực hiện bao nhiêu gói, lĩnh vực gì và thời gian thực hiện. Mục tiêu phòng chống tham nhũng, công khai, minh bạch trong mua sắm công là không thay đổi nên chắc chắn sẽ triển khai rộng hơn. Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt nam và một số tổ chức nước ngoài rất quan tâm đến vấn đề này.

Một số gói thầu mà quốc tế cho vay vốn đặt đấu thầu điện tử như một điều kiện hàng đầu, nên chúng tôi phải làm. Hàn Quốc là quốc gia đi tiên phong trong việc này và mỗi năm họ tiết kiệm được chi phí từ công việc đấu thầu tới 4 tỉ đô la Mỹ.

Hôm 9-7, Ban quản lý dự án ứng dụng thương mại điện tử trong mua sắm Chính phủ đã thử nghiệm đấu thầu gói cung cấp máy chiếu trị giá khoảng 61 triệu đồng. Đã có 14 nhà cung cấp tham gia dự thầu qua mạng và Công ty Đức Minh trúng thầu. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt kế hoạch thời gian tới sẽ có 11 gói thầu của ba đơn vị tham gia thí điểm được thực hiện. Việc đấu thầu này trước mắt cũng sẽ chỉ thực hiện đối với các gói nhỏ, dự án trong nước, chưa đấu thầu quốc tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới