Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mua sắm công: Chê sản phẩm Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mua sắm công: Chê sản phẩm Việt Nam

Văn Nam

Mua sắm công: Chê sản phẩm Việt Nam
Sản phẩm công tơ điện trưng bày tại triển lãm về máy móc thiết bị sản xuất trong nước.  Ảnh: Văn Nam 

(TBKTSG Online) – Nhiều hồ sơ mời thầu vẫn đặt điều kiện ưu tiên hàng nhập ngoại, loại bỏ hàng sản xuất trong nước ngay cả khi sản phẩm này đã được Bộ Công Thương phê duyệt nằm trong danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được.

Thực tế nay được ông Huỳnh Đắc Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch thuộc Bộ Công Thương nêu ra tại hội thảo đánh giá kết quả 5 năm thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sử dụng máy móc, thiết bị trong nước sản xuất trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư công tổ chức tại TPHCM hôm nay (16-7) của Bộ Công Thương.  

Cũng trong sáng nay, Bộ Công Thương công bố danh mục 215 sản phẩm máy móc thiết bị do 600 doanh nghiệp trong nước sản xuất. Trước đó, năm 2010 bộ này từng công bố danh mục 95 sản phẩm do trong nước sản xuất.

Phát biểu tại hội thảo sáng nay, ông Huỳnh Đắc Thắng cho biết trên thực tế, có những sản phẩm trong nước sản xuất được nhưng khi chủ đầu tư tổ chức đấu thầu rộng rãi thì trong hồ sơ mời thầu lại yêu cầu “hàng hóa phải có xuất xứ từ các nước phát triển như G7, xuất xứ từ Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan hoặc sản phẩm phải nhập khẩu đồng bộ, nguyên chiếc” nên vô tình đã cản trở sự tham gia của các nhà sản xuất trong nước.

Nghịch lý này chưa được quy định rõ trong Chỉ thị 494/CT-TTg năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sử dụng máy móc, thiết bị trong nước sản xuất được.

Ông Thắng cho biết đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan ban hành các văn bản hướng dẫn trong lĩnh vực đấu thầu sớm nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ sửa chỉ thị 494 theo hướng các gói thầu mua sắm hàng hóa áp dụng hình thức đầu thầu rộng rãi trong nước, trong hồ sơ mời thầu không được quy định cụ thể về xuất xứ hàng hóa, không được đưa yêu cầu hàng hóa phải nhập khẩu đồng bộ nhằm tránh hạn chế sự tham gia của các nhà thầu là các nhà sản xuất trong nước, giúp thúc đẩy sản xuất trong nước.

Theo ông Trần Thành Trọng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai có nhà máy sản xuất máy phát điện tại Bình Dương lại than phiền rằng: tâm lý sính ngoại tại các gói thầu của dự án sử dụng vốn ngân sách còn rất phổ biến. Có thể thấy khoảng 95% các gói thầu xây dựng vốn nhà nước có liên quan đến máy phát điện đều đặt điều kiện “sản phẩm phải nhập khẩu đồng bộ” hoặc yêu cầu có xuất xứ từ các nước G7, thậm chí cho nhập từ Trung Quốc khiến các nhà sản xuất Việt Nam “bó tay” ngay từ đầu cho dù xét về tiêu chuẩn chất lượng nhiều nhà sản xuất trong nước đều có thể đáp ứng.

Theo ông Trọng, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về tăng cường sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu từ cách đây 5 năm, thế nhưng các chủ đầu tư không tuân theo chỉ thị này cũng chẳng sao, chưa thấy có ai bị chế tài nên vẫn còn tâm lý “chuộng máy móc thiết bị nhập khẩu”.

Xem thêm:

>> Máy móc Trung Quốc vẫn tràn vào Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới