Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mua sắm kết hợp giải trí online đang trở thành xu hướng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mua sắm kết hợp giải trí online đang trở thành xu hướng

Vũ Yến

(KTSG Online) – Dịch bệnh Covid-19 kéo dài, việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội tại nhà khiến người tiêu dùng bắt đầu chuyển sang các nền tảng trực tuyến để vừa đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày vừa phục vụ mục đích tương tác và giải trí. Điều này kéo theo shoppertainment – mua sắm kết hợp giải trí được lựa chọn nhiều, trở thành một trong những xu hướng.

Mua sắm kết hợp giải trí online đang trở thành xu hướng
Chương trình giải trí thu hút khách truy cập mua hàng của một sàn thương mại điện tử.

Và xu hướng shoppertainment – mua sắm kết hợp giải trí được thể hiện một cách rõ nét tại các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada và Tiki. Khi các sàn này biết được rằng việc "đốt tiền" vào giảm giá đơn thuần chưa đủ để giữ chân khách hàng.

Chuyển hướng chiến lược marketing

Shoppertainment được khởi xướng lần đầu tiên bởi sàn thương mại điện tử Alibaba khoảng 10 năm trước thông qua lễ hội mua sắm trực tuyến ngày Độc thân (Single Day) 11-11 với hàng loạt chương trình như lễ hội đếm ngược, trình diễn âm nhạc – thời trang, trò chơi tương tác trực tiếp… Hiệu quả của hình thức này đó là đưa Single Day trở thành một trong những ngày mua sắm, đứng ngang hàng với Black Friday, Cyber Monday… của các nước phương Tây.

Tại Việt Nam, bắt đầu từ năm 2018, một số doanh nghiệp sau một thời gian khá dài tập trung vào các chiến dịch giảm giá, khuyến mại thì đã bắt đầu chuyển hướng sang chiến lược marketing thiên về giải trí, gia tăng trải nghiệm vui vẻ cho khách hàng.

Chiến lược này giúp doanh nghiệp tăng doanh thu nhờ lôi cuốn được một phần không nhỏ khách hàng mua sắm thụ động khi tương tác với các trò chơi, bên cạnh nhóm khách hàng chủ động vừa mua sắm vừa giải trí trên sàn.

Lazada có lẽ là doanh nghiệp tiên phong với sự chuyển hướng này.

Bà Lưu Thị Hạnh, Giám đốc Truyền thông, Lazada Việt Nam cho biết, ngày nay nhiều người tìm đến thương mại điện tử không chỉ để mua sắm mà còn để giải trí, trải nghiệm và thư giãn.

Nắm bắt được nhu cầu này, Lazada đã tiên phong triển khai mô hình shoppertainment – mua sắm kết hợp giải trí tại Việt Nam nhằm đáp ứng và nâng cao trải nghiệm của người dùng.

Theo đó, người dùng sẽ không chỉ vào ứng dụng để mua sắm mà còn dành nhiều thời gian trải nghiệm các hoạt động hơn nữa trên ứng dụng Lazada như chơi game, xem livestream, tương tác với người nổi tiếng, đồng thời vẫn có thể mua sắm, săn ưu đãi và bỏ hàng vào giỏ cùng lúc.

Cụ thể, trên nền tảng Lazada, người dùng có thể trải nghiệm các hoạt động mua sắm kết hợp giải trí thông qua kho trò chơi LazGame và các chương trình livestreaming trên kênh LazLive với công nghệ độc đáo.

Sự ưa thích của người tiêu dùng được thể hiện bằng các con số như, trong năm 2020, số lượt khách hàng thường xuyên tương tác với LazGame tăng hơn 4 lần, thời lượng chơi LazGame trung bình mỗi ngày là 15 phút. Số lượt khách hàng thu thập xu LazCoin tăng hơn 3 lần, trong đó số lượng xu mỗi khách hàng thu thập cũng cao hơn 4 lần. Đặc biệt, trong Lễ hội mua sắm Siêu Sale Cuối Năm 12.12.2020, đã có hơn 2 triệu khách hàng đã dành hơn 4.200 giờ chơi LazGame trên ứng dụng Lazada Việt Nam và thu về số lượng quà tặng có tổng giá trị hơn 3 tỷ đồng.

Cũng theo bà Hạnh, trong năm 2020 vừa qua, khi cả nước phải giãn cách xã hội do tình hình dịch bệnh, nhận thấy nhu cầu mua sắm, giải trí của người tiêu dùng tăng cao, Lazada đã đẩy mạnh đầu tư với số tập livestream tăng hơn 10 lần. Từ đó thu được nhiều kết quả ấn tượng như: Số lượt xem livestream hàng ngày trên ứng dụng Lazada tăng gần 25 lần. Trong đó, đại nhạc hội trước các Lễ hội mua sắm thu hút đến 15 triệu lượt xem. Số lượng đơn hàng thành công thông qua kênh LazLive tăng 45 lần, doanh thu bán hàng qua kênh LazLive cũng tăng hơn 18 lần.

Trong Lễ hội mua sắm Siêu Sale Cuối Năm 12.12.2020, lần đầu tiên ông James Dong – Tổng Giám Đốc Lazada Việt Nam tham gia Siêu Hội Chém Giá trên LazLive (kênh livestream của Lazada) trong 30 phút, và đã ghi nhận các thành tích kỷ lục khi thu hút số người xem cùng lúc cao gấp 5 lần cũng như đạt doanh thu cao gấp 13 lần các tập Chém Giá ngày thường.

Dịp 11-11-2020, Shopee cũng ghi nhận hơn 20 triệu giờ xem trên Shopee Live và hơn 2,5 tỉ lượt tham gia các trò chơi trên ứng dụng, cho thấy người tiêu dùng ngày càng yêu thích các chương trình giải trí có kèm quà tặng.

Song song đó, Shopee đã hợp tác với thương hiệu POND'S để tích hợp giải pháp công nghệ làm đẹp được hỗ trợ bởi AI, Skin Advisor Live vào trải nghiệm mua sắm trực tuyến. Điều này cho phép người mua hàng trải nghiệm quá trình phân tích chăm sóc da được cá nhân hóa trực tuyến miễn phí và đưa ra quyết định mua hàng sáng suốt hơn. POND’s cũng tận dụng những công cụ tương tác sẵn có của Shopee như hình thức livestream để tương tác với khách hàng mục tiêu của thương hiệu này.

Không quá rầm rộ, nhưng một đại diện của sàn thương mại điện tử Tiki cho biết, phát triển ứng dụng Tiki trở thành một nền tảng tích hợp đa trải nghiệm là một trong những chiến lược dài hạn mà Tiki đang nghiêm túc đầu tư về cả mặt công nghệ, nhân lực lẫn ngân sách.

Theo đó, người tiêu dùng khi lên Tiki ngoài mua sắm có thể “dạo chơi” window shopping, tham gia các hoạt động giải trí với nhiều game thú vị như Game Săn Thưởng, Game “10s On Top” từ nền tảng livestream TikiLIVE; Game Góp Vàng Nuôi Gióng, theo dõi các show và nội dung review sản phẩm với TikiLIVE.

Theo vị đại diện này, tính năng social commerce (thương mại mạng xã hội) với Tiki Lướt đã giúp nhà bán hàng trên Tiki chủ động chia sẻ, đăng tải các nội dung về sản phẩm, ưu đãi, từ đó khách hàng có thể “lướt” để theo dõi thông tin, trao đổi với nhà bán, đồng thời thực hiện mua sắm sản phẩm một cách dễ dàng.

Shoppertainment đang phát triển ở Việt Nam

Là khách hàng thường xuyên mua sắm các vật dụng trong gia đình trên Lazada, Shopee, Tiki chị Thu Huệ, quận Tân Bình, TPHCM cho biết, việc tham gia các trò chơi, xem livestream bán hàng đã cho chị thêm những trải nghiệm dễ chịu sau những giờ làm việc, chăm con căng thẳng. Một điều kích thích chị tham gia các trò chơi đó là săn, tích được phiếu giảm giá để mua sắm.

"Đối với chị em phụ nữ chúng tôi có khi giảm được năm, mười ngàn khi mua một món đồ cũng vui rồi. Mà tôi lại thường mua nhiều món, nên tính ra cũng giảm được kha khá", chị Thu Huệ cho biết.

Theo chuyên gia marketing Hoàng Tùng hình thức mua sắm kết hợp giải trí như livestream, tương tác với KOL (người nổi tiếng trên môi trường online) thực tế đã được nhiều doanh nghiệp triển khai từ lâu và có nhiều chuỗi thời trang Việt Nam đi lên từ livestream và bán hàng trên Facebook trước khi phát triển thành những chuỗi khá mạnh như bây giờ…

Theo ông Tùng hình thức livestream bán hàng tương tác với các KOL trên các sàn thương mại điện tử có một điểm tối ưu đó là tệp khách hàng trên các sàn thương mại điện tử có khả năng sẵn sàng mua cao hơn rất nhiều so với trên nên tảng Facebook. Ngoài ra, những quy trình còn lại như giao vận, tư vấn trên sàn thương mại điện tử cũng được gói gọn lại và tối ưu hơn cho doanh nghiệp kinh doanh rất nhiều…

Vì vậy, hình thức livestream bán hàng trên các sàn thương mại điện tử cùng các KOL đã và đang phát triển rất mạnh. Ở Trung Quốc có những ngôi sao livestream bán hàng, có thể bán với doanh số hàng triệu đô la Mỹ qua livestream. Và ngay cả các CEO nổi tiếng cũng không ngại ngần tận dụng hình thức này, vừa để bán hàng, vừa để tiếp cận gần gũi hơn với khách hàng. Như Jack Ma từng livestream bán hàng. Hoặc kể cả những người Nông dân cũng bán hàng livestream, bán nông sản trực tiếp từ khu vườn, mảnh ruộng cho khách hàng trên các sàn thương mại điện tử.

Tại Việt Nam, trong thời điểm dịch bệnh xảy ra cũng đã có một số CEO của các công ty lớn đứng ra livestream trực tiếp bán hàng. Điều này giúp cho thương hiệu và khách hàng cảm thấy thực sự gần gũi hơn và cũng là một hướng tiếp cận mới, rất hiệu quả của doanh nghiệp đến khách hàng

Đây là xu hướng của tương lai khi sự tương tác trở nên nhanh hơn, trực tiếp hơn và kích thích hành vi mua hàng tốt hơn rất nhiều, ông Hoàng Tùng nhấn mạnh.

Bà Lưu Thị Hạnh từ Lazada thì cho rằng, trong bối cảnh bùng nổ thương mại điện tử, shoppertainment – mua sắm kết hợp giải trí sẽ trở thành "át chủ bài" của các nền tảng thương mại và theo bà, Lazada sẽ tiếp tục đầu tư và mở rộng chiến lược này nhằm không ngừng nâng cao trải nghiệm người dùng, đồng hành cùng các thương hiệu và nhà bán hàng phát triển.

Theo thống kê của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020 với mức tăng 18%, quy mô thị trường đạt 11,8 tỷ đô la Mỹ, ước đạt 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Dự kiến đến năm 2025, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ còn tăng trưởng mạnh, đạt mức 35 tỷ đô la Mỹ.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới