Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mục đích chính của các phương án bán lẻ điện mới là gì?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mục đích chính của các phương án bán lẻ điện mới là gì?

TS. Võ Đình Trí (*)

 

Mục đích chính của các phương án bán lẻ điện mới là gì?
Việc minh bạch giá điện là điều cần phải làm ngay. Ảnh: THÀNH HOA

(TBKTSG) – Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về các phương án giá bán lẻ điện tiêu dùng để trình Chính phủ. Điểm mới trong các đề xuất này là ngoài quyền lựa chọn một giá cố định trong phương án 2A và 2B, còn có việc chuyển từ 6 bậc xuống 5 bậc trong cả ba phương án. Cũng như các chính sách có tác động trực tiếp đến túi tiền của số đông người dân, dư luận lại nổi sóng mà trong đó đáng chú ý nhất là về phương án một giá cố định.

Nhiều đề xuất bãi bỏ phương án bán điện một giá

Cách tính theo phương án một giá cố định với mức giá như đề xuất là không thể chấp nhận được cho hầu hết các hộ gia đình, mà chỉ phù hợp với những hộ có mức tiêu thụ cao, từ mức 800 kWh/tháng trở lên. Trong khi đó, cả ba phương án theo 5 bậc cũng không nhằm mục đích tăng giá điện với phần lớn số hộ gia đình hiện nay.

Theo Bộ Công Thương, đề xuất một giá mới (tăng 145% hoặc 155% so với giá bán lẻ bình quân) nhằm khắc phục một phần nhược điểm của biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt hiện hành là chi phí tiền điện tăng đột biến cho những hộ tiêu thụ nhiều và đề xuất một giá bằng giá bán lẻ bình quân sẽ tăng thêm gánh nặng ngân sách. Như vậy không lẽ đề xuất phương án giá điện bán lẻ lần này là chỉ dành cho khoảng 2% khách hàng là những hộ gia đình có lượng tiêu thụ điện nhiều?

Trong khi về nguyên tắc giá bán lẻ bình quân đã được tính từ trung bình của giá và lượng tiêu thụ ở các bậc giá, thì giá bán lẻ bình quân hiện nay được tính như thế nào? Quan trọng hơn, tỷ trọng của các loại chi phí trong giá bán lẻ bình quân là bao nhiêu? Đây mới là vấn đề mà người tiêu dùng cần câu trả lời minh bạch từ ngành điện cũng như cơ quan quản lý là Bộ Công Thương.

Chỉ có lợi cho người tiêu thụ nhiều

Cách tính theo phương án một giá cố định với mức giá như đề xuất là không thể chấp nhận được cho hầu hết các hộ gia đình, mà chỉ phù hợp với những hộ có mức tiêu thụ cao, từ mức 800 kWh/tháng trở lên. Trong khi đó, cả ba phương án theo 5 bậc cũng không nhằm mục đích tăng giá điện với phần lớn số hộ gia đình hiện nay.

Theo Bộ Công Thương, có đến 98,2% số hộ có mức sử dụng điện dưới 700 kWh/tháng nên với ba phương án mới đề xuất, cách tính 5 bậc không khác biệt nhiều với 6 bậc như hiện nay như biểu đồ bên dưới. Có một điểm cần lưu ý là ở mức tiêu thụ trong khoảng 250-325 kWh/tháng thì tiền điện theo các phương án mới đều cao hơn hiện hành. Tuy vậy, cũng có đến 73,4% số hộ sử dụng điện dưới 200 kWh/tháng nên số lượng hộ gia đình phải trả tiền điện cao hơn nếu các phương án mới được chấp thuận cũng không nhiều, và số tiền tăng thêm cũng không đáng kể vì chỉ khoảng 1%.

Cần minh bạch giá điện

Mặc dù hiện nay Việt Nam chưa có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, nhưng việc minh bạch giá điện là điều cần phải làm ngay. Thứ nhất, cần minh bạch các chi phí để tính ra được giá điện bình quân hiện nay là 1.864,44 đồng/kWh. Từ các chi phí cấu thành này, có thể biết được tỷ trọng của các loại chi phí đã hợp lý chưa, loại chi phí nào có thể cố định, loại chi phí nào có thể điều chỉnh, có thể tiết giảm các loại chi phí nào.

Ở rất nhiều nước, giá các loại dịch vụ thiết yếu như điện, nước, xăng dầu luôn được minh bạch chi tiết các cấu phần chi phí. Ví dụ, giá điện sẽ gồm các loại chi phí như sau: chi phí sản xuất (sản xuất hoặc mua lại), chi phí truyền tải, chi phí bán hàng và lợi nhuận, thuế và phí. Chẳng hạn như ở Pháp, người dân có thể vào trang web của cơ quan điều phối năng lượng (Commission de Régulation de l’Energie – CRE) để biết được tỷ trọng của các loại chi phí như sau: 28% cho truyền tải, 29% cho sản xuất, 7% cho bán hàng, 2% cho lợi nhuận, và 35% cho thuế và phí.

Hóa đơn tiền điện của một hộ gia đình ở Pháp bao gồm một phần phí thuê bao cố định, phần trả theo lượng tiêu thụ, và một phần thuế và phí. Người tiêu dùng được quyền lựa chọn trong hàng chục nhà cung cấp tùy theo nhu cầu của mình. Có nhà cung cấp phí cố định thì cao nhưng giá theo kWh lại thấp hơn đối thủ. Có nhà cung cấp cho lựa chọn giá điện cố định hay biến động theo giá sản xuất. Nhưng quan trọng hơn hết, người tiêu dùng có thể đổi nhà cung cấp bất kỳ lúc nào, nhà cung cấp mới sẽ thay khách hàng hủy hợp đồng cũ rất nhanh chóng và tiện lợi.

Trở lại với đề xuất của Bộ Công Thương, giữ phương án giá điện theo bậc là hoàn toàn phù hợp trong việc điều chỉnh hành vi tiêu dùng điện cũng như tái phân phối thu nhập trong xã hội. Cả ba phương án mới theo 5 bậc làm tăng chi phí tiền điện của một bộ phận khách hàng có mức tiêu thụ trong khoảng 250-325 kWh/tháng nhưng không đáng kể. Cùng với đó, ba phương án này cũng không giúp nhóm khách hàng còn lại giảm được bao nhiêu.

Thực sự người viết không biết mục đích chính của Bộ Công Thương trong việc đề xuất phương án giá điện bán lẻ mới là gì. Không lẽ chỉ vì muốn có lợi cho một nhóm khách hàng có lượng tiêu thụ trên 800 kWh/tháng? Còn nếu đưa ra phương án điện một giá thật cao rồi điều chỉnh thấp lại chút để dễ được thông qua thì cần phải minh bạch giá điện. Thay vì loay hoay tìm điểm cân bằng giá, Bộ Công Thương, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nên tiếp tục thúc đẩy các giải pháp khuyến khích tiết kiệm điện, tiết kiệm các chi phí tối đa có thể, sớm có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, và có khung giá điện theo giờ thấp điểm, cao điểm. 

(*) Giảng viên trường Đại học Kinh tế TPHCM và IPAG Business School Paris, thành viên Tổ chức AVSE Global

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới