Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mức độ vi phạm bản quyền phần mềm sẽ giảm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mức độ vi phạm bản quyền phần mềm sẽ giảm

Thanh tra về bản quyền phần mềm tại Công ty Phụ tùng xe máy và ô-tô Goshi Thăng Long. Ảnh: Vân Oanh.

(TBVTSG) – Bản công bố của Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp mới đây cho thấy tình hình vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam đang giảm nhanh. Cùng lúc đó, việc Chính phủ chuẩn bị áp dụng nhiều biện pháp “mạnh tay” cũng sẽ “hứa hẹn” tỷ lệ này sẽ còn giảm nhiều hơn nữa trong thời gian tới…  

Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành văn bản quy định các điều kiện cấu thành tội phạm hình sự trong trường hợp vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và Pháp lệnh sửa đổi về việc xử lý vi phạm hành chính về vi phạm bản quyền. Pháp lệnh mới này sẽ có hiệu lực từ tháng Tám tới và sẽ tăng mức phạt tối đa về vi phạm bản quyền lên tới 500 triệu đồng.

Tăng mức phạt sẽ giảm mức vi phạm

Nhằm tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng cho việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền phần mềm, mới đây, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Công thương đã ban hành Thông tư liên tịch (số 01/2008/ TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BCT ngày 29-2-2008) hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Theo đó, người có hành vi xâm phạm quyền tác giả hoặc quyền liên quan theo điều 28 hoặc điều 35 của Luật Sở hữu trí tuệ sẽ bị xem là gây hậu quả nghiêm trọng. Nếu xâm phạm với quy mô và mục đích thương mại, hoặc hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên có thể bị xử lý hình sự (theo khoản 1 điều 131 Bộ luật Hình sự) nếu có đủ các yếu tố khác cấu thành tội phạm. Theo đó, trong thời gian tới những hành vi vi phạm bản quyền phần mềm sẽ có thể bị xử lý tại tòa án.

Các chuyên gia về sở hữu trí tuệ cho rằng việc tăng mức phạt vi phạm bản quyền phần mềm lên tới nửa tỷ đồng và có thể phạt tù có tác dụng nâng cao tính răn đe. Ông Đào Anh Tuấn, đại diện Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp tại Việt Nam, bình luận rằng những quy định pháp luật mới này của Chính phủ Việt Nam chắc chắn sẽ tác động lớn tới ý thức của người dùng phần mềm. Bởi, trước đây người vi phạm bản quyền phần mềm chỉ bị phạt hành chính cao nhất cũng chỉ 100 triệu đồng.

Các chuyên gia phần mềm cho rằng biện pháp mạnh tay này của nhà nước sẽ tích cực góp phần làm giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm trong thời gian tới nhanh hơn nữa. Những quy định pháp luật mới của chính phủ là một bước quan trọng trong việc thiết lập khung pháp lý nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan thực thi pháp luật xử lý các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hữu hiệu hơn.

Ông Tarun Sawney, Giám đốc Bộ phận chống vi phạm bản quyền phần mềm của Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp châu Á, nói : “Nếu Chính phủ Việt Nam tiếp tục nỗ lực nâng cao quyền sở hữu trí tuệ, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm chắc chắn sẽ giảm trong những năm tới.”

Mức vi phạm đã giảm 3%

Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp và công ty nghiên cứu thị trường IDC ngày 28-5 vừa qua đã công bố kết quả điều tra về tỷ lệ vi phạm bản quyền trên thế giới trong năm 2007. Ông Roland Chan, Giám đốc marketing của Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp châu Á, cho biết tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính cá nhân tại hầu hết các quốc gia đang có xu hướng giảm. So với năm trước, tỷ lệ này tại Việt Nam đã giảm 3%, từ 88% còn 85%, mức giảm nhiều nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Điều này chứng tỏ, các nỗ lực chống xâm phạm bản quyền của chính phủ đã đạt được những hiệu quả nhất định.

Ông Tarun Sawney cho biết: “Tốc độ giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam nhanh thứ hai châu Á, sau Trung Quốc.”

Theo bản công bố này, mặc dù trên thế giới cũng như ở Việt Nam, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm đang giảm nhưng mức độ thiệt hại lại gấp đôi năm trước. Do sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường máy tính cá nhân và sự biến động của thị trường tiền tệ, năm 2007 tổng giá trị phần mềm mà người Việt Nam sử dụng là khoảng 234 triệu đô-la Mỹ, nhưng chỉ có khoảng 34 triệu đô-la là các phần mềm có bản quyền.

Tăng cường thanh tra tại các doanh nghiệp

Thời gian tới, cơ quan thanh tra sẽ đẩy mạnh việc thanh tra vi phạm bản quyền phần mềm tại các doanh nghiệp. Ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, cho biết : “Lực lượng thanh tra quyết tâm theo dõi sát sao các doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ, trong hay ngoài nước. Việc sử dụng và phân phối bản sao các phần mềm bất hợp pháp trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khiến họ phải đối mặt với các chế tài nghiêm khắc theo quy định mới của pháp luật”.

Nằm trong kế hoạch tăng cường thanh tra tại các doanh nghiệp, đoàn thanh tra liên ngành do Thanh tra Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch chủ trì đã tiến hành kiểm tra đột xuất một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM từ ngày 27 đến 30-5 vừa qua. Đây là đợt thanh tra đầu tiên được thực hiện trong năm nay, khởi đầu cho một chuỗi các hoạt động thanh tra trong lĩnh vực phần mềm của Chính phủ.

Ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng đoàn thanh tra, cho biết : “Đợt này đã kiểm tra gần 200 máy tính tại bốn công ty. Ước tính số lượng phần mềm vi phạm bản quyền lên tới hàng tỷ đồng. Lực lượng thanh tra sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị để làm rõ vụ việc và xử lý theo quy định của pháp luật.”

Cuộc thanh tra này được thực hiện đối với Công ty Apave Vietnam & Southeast Asia, Công ty liên doanh Goshi Thăng Long, Công ty Đầu tư và Phát triển công nghệ Nguyễn Hoàng và Công ty Thương mại cổ phần Nguyễn Kim.

Tại những nơi này, đoàn thanh tra đều phát hiện những lỗi tương tự nhau như hàng chục máy tính có cài đặt các phần mềm thông dụng chưa có bản quyền như bộ gõ Vietkey, Microsoft Windows XP, Microsoft Office và các phần mềm chuyên dụng như Auto CAD, ACD See, Lạc Việt từ điển…

Theo nhận định của một chuyên gia sở hữu trí tuệ, khi chế tài xử phạt được nâng cao và hoạt động thanh tra được làm mạnh, thời gian tới, sẽ có nhiều doanh nghiệp phải bỏ tiền mua bản quyền phần mềm để sử dụng. Còn ông Tarun nhận định : “Kết quả công bố của Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp cho thấy Việt Nam đang đi đúng hướng. Nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm trong cuộc chiến chống lại tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm. Bởi mức vi phạm này tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện là 55%”.  

VÂN LY

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới