Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mục tiêu đúng, cách làm chưa được

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mục tiêu đúng, cách làm chưa được

Ngọc Lan

Một showroom bán xe nhập khẩu – Ảnh: VTC

(TBKTSG) – Thị trường ô tô đang sôi lên vì Thông tư 20 của Bộ Công Thương quy định các thủ tục nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Hôm 24-5, các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô đã có cuộc họp bàn biện pháp ứng phó với Thông tư 20. Liệu thông tư này có đạt được mục tiêu hạn chế nhập khẩu ô tô không?

>> Nhiều showroom ô tô nhập khẩu lo ngại phải đóng cửa

Lý do nào dẫn đến việc Thông tư 20 bất ngờ ra đời hôm 12-5 và được áp dụng sau 45 ngày? Bộ Công Thương cho rằng việc tăng trưởng quá nóng về lượng và giá trị của ô tô nhập khẩu sau bốn tháng đầu năm, trong lúc tình hình nhập siêu đang diễn biến phức tạp, là nguyên nhân chính. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, bốn tháng đầu năm lượng ô tô nhập khẩu mỗi tháng tăng từ 50-80% về lượng và 40-90% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến hết tháng 4, đã có 21.400 ô tô được nhập về Việt Nam, trị giá 392 triệu đô la Mỹ (trên tổng kim ngạch nhập khẩu hơn 31 tỉ đô la Mỹ). 40% trong số này là của các nhà nhập khẩu tự do, nằm ngoài các liên doanh lắp ráp và các nhà nhập khẩu chính thức. Như vậy quyết định của Bộ Công Thương bước đầu tác động trực tiếp đến thị phần kinh doanh của 5.000 salon nhập khẩu tự do hiện có trên thị trường. Loại giấy tờ ủy quyền được hợp pháp hóa lãnh sự được xem là ngoài tầm với của các doanh nghiệp này.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên nói rằng: Thông tư 20 là một trong những chính sách điều hành xuất nhập khẩu nhằm bảo vệ người tiêu dùng, không vi phạm các cam kết quốc tế.

Nhiều chuyên gia kinh tế khi được TBKTSG tham khảo ý kiến đều cho rằng việc siết nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ, không thiết yếu, trong đó có ô tô nhập khẩu nguyên chiếc là cần thiết, nhất là trong điều kiện nền kinh tế đang phải “thắt lưng buộc bụng” để chống lạm phát như hiện nay. Hơn nữa, bất kỳ một quyết định, chính sách nào ra đời đều không thể hài lòng tất cả đối tượng liên quan. Các nhà điều hành chính sách phải quyết định trên cơ sở ưu tiên lợi ích chung.

Song, cái “giấy phép con” mà Thông tư 20 yêu cầu, hay nói khác đi là biện pháp ngăn chặn hành chính của Bộ Công Thương bị giới kinh doanh nhập khẩu và nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá là “quyết định giật cục”. Theo đó, nếu muốn quản được đại lý tự do, ngay từ khi cấp giấy phép kinh doanh, sở kế hoạch và đầu tư phải đặt ra yêu cầu có loại giấy phép ủy quyền nhập khẩu, thay vì các doanh nghiệp này đã hoạt động nhiều năm, nay lại đòi thêm giấy phép.

Vẫn xét về lý, các doanh nghiệp nhập khẩu tự do cần được đối xử bình đẳng như các doanh nghiệp khác (liên doanh, nhập khẩu chính thức) trong cùng ngành nghề theo Nghị định số 12/2006 hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Thương mại về mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý, mua bán với nước ngoài. Trong khi Thông tư 20 thực tế đã làm lợi cho các nhà nhập khẩu chính thức, các nhà sản xuất và các liên doanh, lắp ráp trong nước (thành viên của VAMA), đối tượng chi phối chính thị trường ô tô trong nước (60% thị phần).

Ông Dư Quốc Thịnh, Tổng thư ký Hiệp hội Kỹ sư ô tô Việt Nam, nói với TBKTSG rằng: Việc yêu cầu các giấy phép con không siết lại được thị trường ô tô vì thị trường phải do cung-cầu quyết định. Các nhà nhập khẩu tự do hiện chiếm 40% thị phần. Nếu không có giấy phép, 40% thị phần của họ sẽ không mất đi mà chuyển qua các nhà nhập khẩu khác dưới danh nghĩa nhà nhập khẩu chính hãng.

“Như vậy là siết chỗ nọ lại phình chỗ kia. Và nếu không cẩn thận cái giấy phép nhập khẩu, ủy quyền từ chính hãng sẽ khiến các nhà sản xuất, liên doanh trong nước chuyển hướng nhập khẩu nhiều hơn là sản xuất, có thể ảnh hưởng nặng hơn đến thị trường ô tô ở Việt Nam”, ông Thịnh nói. Điều này đã từng xảy ra đối với các liên doanh sản xuất điện tử ở Việt Nam thời gian qua như Sony Việt Nam, Hanel.

Vẫn ông Thịnh cho rằng chính sách không cân nhắc đầy đủ có thể làm biến dạng thêm thị trường ô tô trong nước vì bài toán đầu tư sản xuất vừa yêu cầu doanh nghiệp dài vốn, đầu tư lâu. Trong khi đó, bài toán kinh doanh nhập khẩu quay vòng vốn nhanh, tỷ suất sinh lời cao nhiều lần so với đầu tư sản xuất mà Thông tư 20 vô tình mở ra như một gợi ý.

Sau khi có Thông tư 20, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ô tô tự do không dám nhận đơn hàng mới vì lo không đáp ứng được quy định của bộ khi mà từ nay đến lúc Thông tư 20 có hiệu lực (26-6) không còn nhiều.

Chủ một doanh nghiệp có phòng trưng bày ô tô trên đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp, TPHCM chuyên nhập khẩu các dòng xe từ thị trường Hàn Quốc như Kia, Hyundai, và Daewoo, cho biết công ty ông đang phát triển với đơn đặt hàng rất đều đặn hơn 20 xe/tháng. Giờ đây công ty phải ngưng lại hết vì không thể đưa hàng về trước ngày 26-6 bởi thông thường thời gian nhập một lô hàng ít nhất là 45 ngày, đôi khi có thể 2-3 tháng.

Thực ra, các quy định kiểu như Thông tư 20 nhiều nước khác cũng đã làm, thậm chí điều kiện kinh doanh còn khó khăn hơn. Tuy nhiên, điều này phải được quy định ngay từ khi doanh nghiệp xin giấy phép kinh doanh chứ không phải quy định một cách đột ngột, không dự báo trước được như vậy.

Q.H

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới