Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mục tiêu kép phải đi đôi với chiến lược tiêm vaccine

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mục tiêu kép phải đi đôi với chiến lược tiêm vaccine

Tấn Đức

Mục tiêu kép phải đi đôi với chiến lược tiêm vaccine(KTSG) – Việt Nam đã luôn kiên trì với mục tiêu kép là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế suốt hơn một năm nay, và đã đạt được sự thành công nhất định. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch thứ tư này với những diễn biến phức tạp và khó lường hơn hẳn các đợt dịch trước, bất kể mọi nỗ lực phòng ngừa nhằm ngăn chặn nguy cơ nguồn lây nhiễm xâm nhập qua biên giới, phần nào cho thấy khả năng duy trì được thành quả như trong suốt một năm qua ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Việc một số khu công nghiệp bị dịch bệnh xâm nhập, buộc phải đóng cửa để chống dịch, là diễn biến rất đáng lo ngại cho mục tiêu kinh tế của Việt Nam. Bởi lẽ, nếu diễn biến này trở nên xấu hơn, dẫn đến buộc phải phong tỏa nhiều khu công nghiệp hơn, trong khi các thị trường nhập khẩu chủ chốt của Việt Nam là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) lại đang có nhu cầu nhập khẩu cao trở lại nhờ hiệu quả của chiến dịch tiêm chủng, thì chẳng những chúng ta không thể đáp ứng kịp thời các đơn đặt hàng mà có thể còn mất luôn cả những khách hàng quan trọng này.

Có thể nói, Việt Nam không thể có được sự chắc chắn cho thành công của mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, nếu không có sự trợ giúp của vaccin. Nhưng việc tìm đủ nguồn vaccin để tiêm phòng cho phần lớn dân số thì có lẽ phải mất gần một năm nữa.

Trong điều kiện nguồn cung vaccin còn hạn chế như hiện nay, việc thiết kế một chiến lược tiêm chủng ưu tiên mới để hỗ trợ cho việc thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ là vấn đề cần được nghiên cứu.

Theo hướng này, bên cạnh những người làm ở tuyến đầu phòng chống dịch, lực lượng quân đội… cần xem xét tiêm chủng trước cho công nhân trong các khu công nghiệp với thứ tự ưu tiên tùy vào mức độ rủi ro.

Nhóm thứ hai cần xem xét là cư dân sống ở các khu đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng và Đà Nẵng – vốn là những trung tâm kinh tế lớn và cũng là cửa ngõ xuất nhập khẩu của cả nước. Tất nhiên cũng cần xác lập thứ tự ưu tiên, chẳng hạn như người lớn tuổi, người mắc bệnh mãn tính thì phải được tiêm ngừa trước.

Nhóm thứ ba là nhân viên làm việc trong ngành du lịch, nhất là ở những khu vực trọng điểm du lịch của Việt Nam.

Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu thêm các giải pháp để đẩy nhanh tốc độ cung ứng vaccin vào Việt Nam. Hiện nay, Bộ Y tế là cơ quan đầu mối tìm nguồn cung cấp vaccin cho cả nước. Ngoài Bộ Y tế, Chính phủ cũng nên xem xét cho phép một số địa phương trọng điểm được chủ động đàm phán để mua vaccin cho địa phương mình. Ngoài ra, cũng cần xem xét cho phép một số doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn được tìm nguồn nhập khẩu vaccin để tiêm ngừa cho công nhân của họ nhằm giúp đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cũng như giảm bớt gánh nặng ngân sách cho Chính phủ.

Một khi tất cả công nhân trong các khu công nghiệp, cư dân ở các đô thị được tiêm đủ vaccin, thì cơ hội để Việt Nam kiểm soát được dịch Covid-19 sẽ cao hơn và khi ấy Việt Nam có thể tính đến chuyện mở cửa biên giới cho hoạt động du lịch quốc tế. Trong bối cảnh hiện nay, quốc gia nào sớm kiểm soát được dịch bệnh để mở cửa thì sẽ có cơ hội rất lớn để phát triển kinh tế. Đây cũng là thời cơ mà chúng ta phải nỗ lực để nắm bắt cho bằng được.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới