Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mục tiêu phong trào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mục tiêu phong trào

Nguyễn Văn Cường

Chương trình đánh bắt xa bờ được phát động ồ ạt đã phá sản, để lại những món nợ khó đòi cho các ngân hàng. Ảnh: TMB

(TBKTSG) – Phong trào là đợt phát động thực hiện một công việc đáng quan tâm hoặc quan trọng với thời gian tập trung nhất định trong tập thể lớn, nhỏ. Những người có trách nhiệm phải thực hiện các phong trào cho địa phương, quốc gia để tạo sức bật lớn nhằm đạt kết quả tốt làm chuyển biến xã hội nhanh, tránh cách tiến hành chậm chạp dẫn đến hiệu quả kém. Thế nhưng, trong thực tế lại có những việc không nên thực hiện theo kiểu phong trào vì thời gian không đủ để hoàn thành mục tiêu và đòi hỏi phải bỏ nhiều công sức hơn.

Phong trào đánh bắt xa bờ ở miền Trung nhằm phát triển ngành ngư nghiệp ít năm trước đây là một ví dụ. Chương trình dành số vốn hàng ngàn tỉ đồng để hỗ trợ các ngư dân, cuối cùng đã bị phá sản vì hầu hết người vay không phải dân đi biển chuyên nghiệp, chưa trải qua quá trình tích lũy kinh nghiệm tay nghề…

Phong trào lập trang trại được triển khai ồ ạt thời gian qua ở một số tỉnh ĐBSCL cũng có kết quả tương tự vì cán bộ chuyên trách thẩm định phương án để tỉnh hỗ trợ vốn chỉ căn cứ vào tiêu chí đơn giản để xem xét qua loa những dự án do người dân “vẽ ra” để tự thực hiện. Hậu quả là không ít người bị thua lỗ nặng, không thể trả nổi nợ vay ngân hàng.

Lại nói đến phong trào làm phim lịch sử. Lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam kéo dài cả mấy ngàn năm. Để thể hiện quá trình giữ nước hào hùng đó bằng điện ảnh, cần phải có một chiến lược lâu dài, có tầm cỡ chứ không phải đợi đến lễ kỷ niệm nào đó mới hối hả, đổ xô thực hiện một cách cập rập dẫn đến kết quả thu được chẳng đáng là bao so với chi phí đầu tư.

Rồi đến việc chống tham nhũng cũng vậy. Dù không được xem là phong trào nhưng việc phòng chống tham nhũng hiện nay lại đang được một số nơi thực hiện theo kiểu cách phong trào, cứ đến các kỳ bầu cử thì lại rộ lên nhưng sau đó thì đâu lại vào đấy.

Cho đến nay, ở các nước phát triển, việc “đánh trống bỏ dùi” là chuyện ít có với các nhà chức trách vì trước khi làm việc gì họ cũng cân nhắc kỹ lưỡng rồi khi thực hiện phải theo dõi, đánh giá từng giai đoạn để uốn nắn cho đạt kết quả mong muốn. Dưới sự giám sát của nhân dân, họ không thể “gióng trống khua chiêng”, tốn công tốn của mà kết quả thì chẳng có bao nhiêu. Vấn đề là họ làm được, lẽ nào chúng ta lại không thể rút kinh nghiệm để làm theo?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới