Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

‘Mừng hụt’ vì tưởng 1-7 tới sẽ mở cửa thị trường du lịch quốc tế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

‘Mừng hụt’ vì tưởng 1-7 tới sẽ mở cửa thị trường du lịch quốc tế

Đào Loan

(TBKTSG Online) – Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 79/NQ-CP về cấp e-visa cho công dân 80 nước. Nghị quyết có hiệu lực vào ngày 1-7 tới. Nhiều doanh nghiệp đã "mừng hụt" vì cho rằng, đây sẽ là thời điểm Việt Nam cấp lại visa cho người nước ngoài và mở cửa thị trường du lịch quốc tế.

Tải Nghị quyết 79/NQ-CP về việc cấp thị thực điện tử (e-visa) tại đây

Tải Nghị quyết 80/NQ-CP về visa cho khách quốc tế đến Phú Quốc tại đây

'Mừng hụt' vì tưởng 1-7 tới sẽ mở cửa thị trường du lịch quốc tế
Du khách nước ngoài đi tham quan mua sắm tại TPHCM. Ảnh: Đào Loan

Từ các chính sách mới về thị thực

Từ tối qua (26-5) đến nay, nhiều doanh nghiệp du lịch đã bày tỏ niềm vui khi nhiều tờ báo đăng tải thông tin Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 79/NQ-CP, xác định danh sách 80 nước có công dân được cấp e-visa và xác định danh sách 37 cửa khẩu quốc tế đường hàng không, đường bộ và đường biển cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng loại visa này.

Nhiều người còn cho rằng việc chính phủ ban hành nghị quyết nói trên, có hiệu lực vào ngày 1-7 có nghĩa là vào thời điểm đó, Việt Nam sẽ cấp lại visa cho khách nước ngoài và mở cửa thị trường du lịch quốc tế sau thời gian tạm ngưng để ngăn dịch Covid-19.

Một số trang web du lịch quốc tế cũng có sự hiểu lầm tương tự, cho rằng Việt Nam sẽ đón khách quốc tế trở lại vào tháng 7 tới.

"Ngay cả người của TripAdvisor cũng hỏi chúng tôi về thông tin này", ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Indochina Unique Tourist nói. TripAdvisor là trang web nổi tiếng chuyên cung cấp các đánh giá về du lịch.

Tuy nhiên, trao đổi với TBKTSG Online, nguồn tin từ Tổng cục Du lịch cho biết, ngày 1-7-2020 chỉ là thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết 79/NQ-CP, không liên quan đến việc Việt Nam đón khách quốc tế trở lại.

Theo đó, vào ngày 25-5, chính phủ ban hành hai nghị quyết liên quan đến vấn đề visa, gồm Nghị quyết 79/NQ-CP về e-visa và Nghị quyết 80/NQ-CP về visa cho khách quốc tế nhập cảnh vào Phú Quốc.

Việc cấp e-visa đã được thực hiện từ trước nhưng chỉ là thí điểm vì khi đó Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (năm 2014) không có nội dung về e-visa.

Sau đó, quy định về e-visa được bổ sung trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (cuối năm 2019) nên chính phủ mới ra Nghị quyết 79/NQ-CP về việc cấp e-visa cho công dân 80 nước.

Nghị quyết này chỉ mới ở chỗ số lượng các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh bằng e-visa mở rộng hơn trước. Thời điểm đón khách quốc tế trở lại hiện vẫn đang được tính toán.

Khi nào Việt Nam đón khách quốc tế trở lại?

Trao đổi với TBKTSG Online về thời điểm mở cửa thị trường du lịch quốc tế, một quan chức của Tổng cục Du lịch cho rằng, hiện cơ quan này đang tính toán để đề xuất với Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng đã giao các bộ ngành tham mưu thời điểm mở lại thị trường du lịch quốc tế với tiêu chí, vừa có thể phòng chống dịch vừa phát triển được ngành du lịch, dịch vụ.

Quan điểm của ngành du lịch là sẽ mở cửa từ từ và sẽ có những tiêu chí cụ thể nhằm đảm bảo sức khỏe cho du lịch, người phục vụ du lịch và cộng đồng.

Sau thời gian dài phải đóng cửa vì đại dịch, giới kinh doanh du lịch, hàng không đang nỗ lực vực dậy thị trường nội địa và hy vọng sớm được phép mở lại thị trường quốc tế để hồi phục.

"Mong có được thị trường quốc tế. Dù nội địa có kích cầu thì cũng chỉ đáp ứng được phần nào, nếu thị trường quốc tế vẫn chưa mở, tàu bay vẫn còn nằm đất", ông Đinh Việt Phương, Phó tổng giám đốc VietJet Air nói trong hội thảo "Giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19" diễn ra vào tuần trước.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng cho rằng nên cân nhắc mở cửa trở lại với một số thị trường đã yên ổn hơn. Trong đó có Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Đài Loan… Thậm chí, một số tỉnh đã an toàn của Trung Quốc cũng có thể xem xét để mở cửa. Việc mở cửa phải đi đôi với thực hiện nghiêm túc quy định bảo đảm phòng dịch.

Khi mở cửa, Việt Nam cần truyền tải mạnh thông điệp điểm đến an toàn để thu hút du khách. Chiến dịch truyền thông cũng nên hướng đến việc đem lại sự ngạc nhiên, thích thú nhằm kích thích khách nước ngoài đến trải nghiệm.

"Sau đại dịch, thay vì quảng bá Vietnam Now (Việt Nam hiện tại) thì nên quảng bá Wow Vietnam, trong đó có sự ngạc nhiên, trầm trồ về bãi biển, ẩm thực, văn hóa… Điều này sẽ đem lại ấn tượng mạnh mẽ hơn với du khách", ông Phạm Hà, CEO của Luxury Travel Group nói.

Mời đọc thêm:

Cơ hội cho du lịch Việt Nam 'tái xuất' trên thị trường quốc tế?

Du lịch và hàng không muốn kéo dài thời gian nghỉ hè để hồi phục hậu Covid-19

Du lịch tái khởi động trong thận trọng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới