Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Muốn bền vững, phải tập trung cho thị trường nội địa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Muốn bền vững, phải tập trung cho thị trường nội địa

Nguyễn Đình Bích

Muốn phát triển thương mại bền vững trong 10 năm tới, Việt Nam cần tập trung cho thị trường nội địa nhiều hơn nữa. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Cho dù Việt Nam đã gặt hái được không ít những thành tựu trong lĩnh vực xuất khẩu, nhưng đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước mới là điểm nhấn trong việc chuyển hướng chiến lược phát triển thương mại của Việt Nam trong thập kỷ tới.

Mở đầu thập niên 2000-2010, bên cạnh việc ấn định mục tiêu “nhịp độ tăng xuất khẩu gấp trên hai lần nhịp độ tăng GDP”, các nhà hoạch định chiến lược phát triển đã khẳng định đường lối “phát triển mạnh thương mại, nâng cao năng lực và hiệu quả để mở rộng thị trường trong nước và hội nhập quốc tế có hiệu quả”. Điều này có nghĩa là, mở rộng thị trường trong nước không chỉ được đẩy lên nhiệm vụ hàng đầu, mà còn đặt ra một hướng đi mới là nâng cao hiệu quả trong phát triển thương mại.

Chiến lược “chạy bằng hai chân” thay vì “một chân”

Chiến lược này chắc chắn đã rút ra được bài học đắt giá từ thập kỷ trước đó (1991-2000) là do quá chú trọng vào thị trường xuất khẩu, không quan tâm đúng mức thị trường trong nước, cho nên xuất khẩu tăng nhanh, trong khi thương mại nội địa tụt dốc nhanh chóng. Ở đây xin được nhắc lại một vài con số để thấy rõ thực trạng thương mại của thập kỷ trước.

Trong 10 năm của thập niên 1991-2000, với tổng kim ngạch xuất khẩu là 51,8 tỉ đô la Mỹ, chúng ta đã thực hiện vượt mức mục tiêu đặt ra tới 40,1% (theo phương án thấp nhưng lại là khá cao vào thời điểm xây dựng chiến lược) và tới 15,2% (theo phương án cao, được đánh giá là khó thành hiện thực vào lúc ấy). Trong đó, một nửa thời gian đầu nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu chỉ mới đạt 17,8%/năm, cho nên mới thực hiện được một phần ba chỉ tiêu kim ngạch, nhưng trong nửa thời gian còn lại, “đoàn tàu xuất khẩu” tăng tốc đến 21,6%/năm, nhờ đó đã hoàn thành hai phần ba còn lại.

Trong khi xuất khẩu ngày càng tăng trưởng nhanh như vậy, thị trường trong nước lại “rơi tự do” ngay sau một nửa chặng đường phát triển bùng nổ. Nếu như tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (sau đây viết tắt là thị trường trong nước) trong năm năm 1991-1995 đạt nhịp độ tăng 31,4%/năm, thì năm năm tiếp theo (1996-2000) chỉ còn tăng 2,4%/năm.

Chính diễn biến trái ngược nhau như vậy đã khiến tỷ trọng của thị trường trong nước từ 59,5% vào năm 1991 giảm mạnh chỉ còn 47,6% vào năm 2000, trong khi tỷ trọng xuất khẩu từ 40,5% tăng lên 52,4%.

Như vậy, chỉ sau một thập kỷ, thị trường trong nước đã không chỉ đánh mất vai trò nguồn động lực số một cho phát triển kinh tế, mà bản thân sự phát triển của nó cũng đã ở mức báo động.

Bên cạnh đó, với việc quá phụ thuộc vào thị trường bên ngoài để phát triển, nền kinh tế sẽ phải đối mặt với không ít nguy cơ từ bên ngoài. Trong khi đó, nếu chăm lo phát triển thị trường trong nước thì chúng ta có thể phát triển bền vững.

Thực tế cho đến thời điểm này cũng cho thấy, tư tưởng chiến lược phát triển mạnh thị trường trong nước ngay từ đầu thập kỷ là hoàn toàn đúng đắn. Bởi lẽ, trong thập kỷ trước, chúng ta đã phải đối mặt với việc mất hầu như toàn bộ thị trường xuất khẩu truyền thống do sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Sau đó chỉ sáu năm, Việt Nam lại phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực khiến xuất khẩu “rơi tự do”.

Còn trong thập kỷ hiện tại, những bài học lịch sử đó lại tái diễn với cuộc suy thoái kinh tế chu kỳ và cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới tồi tệ nhất trong hơn 70 năm qua, hiện vẫn chưa chấm dứt. Trong những cuộc chao đảo đó, xuất khẩu của Việt Nam đều giảm rất mạnh.

Mới thực hiện được “một nửa” mục tiêu?

Năm 2009 xuất khẩu nước ta giảm mạnh do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng nhờ thị trường trong nước mà tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng ít hơn. Từ thực tế này có thể khẳng định, chiến lược phát triển thương mại trong 10 năm tới nên tập trung vào thị trường trong nước.

Các số liệu thống kê cho thấy trong khi xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ trong bốn năm 2006-2009 chỉ tăng bình quân 14,3%/năm (bình quân chín năm 2001-2009 tăng 15,5%), thì ngược lại, thị trường trong nước bốn năm gần đây tăng đến 21,8%/năm và bình quân chín năm cũng tăng vượt trội 17,6%/năm. Nhờ đó, năm 2009, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đã đạt gần 67 tỉ đô la Mỹ, cao hơn đáng kể so với 62,9 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu.

Tuy vậy, thị trường trong nước hiện vẫn còn những bất cập rất lớn. Trước hết, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân đầu người là 774 đô la Mỹ vào năm 2009, còn GDP bình quân đầu người là 1.064 đô la Mỹ, thì tỷ trọng của bán lẻ hàng hóa và dịch vụ so với GDP đã lên tới 72,8%. Điều này có nghĩa là, cho dù thu nhập đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, nhưng người dân Việt Nam nói chung vẫn chưa thoát khỏi tình trạng “dốc túi” để chi cho cái ăn và cái mặc hàng ngày. Nếu như số liệu thống kê phản ánh đúng tình hình thực tế, thì tiềm năng còn có thể khai thác của thị trường trong nước có lẽ không còn bao nhiêu.

Tiếp theo, lạm phát (tính theo giá tiêu dùng) cao ngất ngưởng trong nhiều năm qua của Việt Nam vẫn là căn bệnh hết sức đáng ngại. Các số liệu thống kê do ADB vừa công bố cho thấy, nếu như giá tiêu dùng của Việt Nam năm 2005 tăng cao gấp 2,45 lần so với mức tăng bình quân của toàn châu Á, thì con số này năm 2009 vừa qua đã tăng lên 4,49 lần. Hẳn nhiên, lạm phát cao là yếu tố quan trọng khiến cho “rổ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng” tăng “ảo” rất nhiều trong những năm gần đây và điều này cũng đồng nghĩa với sức mua của dân cư Việt Nam hiện có lẽ đã được khai thác gần như tới mức tối đa.

Vấn đề đáng lo hơn, dù Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật trong công cuộc xóa đói giảm nghèo được thế giới đánh giá rất cao, nhưng khoảng cách về thu nhập và chi tiêu giữa các vùng và giữa hai khu vực đô thị và nông thôn vẫn là những rào cản đối với sự phát triển của thị trường trong nước.

Cụ thể, các số liệu thống kê của Việt Nam cho tới thời điểm này cho thấy, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng bình quân đầu người của năm đô thị lớn nhất nước cao gấp 2,34 lần so với bình quân chung của cả nước và của khu vực Đông Nam bộ cũng cao gấp 2,24 lần. Trong khi đó, con số này ở khu vực Tây Bắc chỉ đạt 33,7% mức bình quân chung và của hai khu vực Đông Bắc và Bắc Trung bộ cũng chỉ bằng 37,2% và 45,1%, riêng khu vực Tây Nguyên tuy khá hơn nhiều, nhưng cũng chỉ là 62,6%.

Tóm lại, tuy thị trường trong nước tăng trưởng rất mạnh về lượng trong những năm gần đây, mà nhờ đó nền kinh tế vẫn đạt được nhịp độ phát triển khả quan khi xuất khẩu suy giảm, nhưng tính chung lại, hệ số giữa nhịp độ tăng trưởng chung của hai thị trường xuất khẩu và trong nước với tăng trưởng kinh tế chín năm vừa qua (2001-2009) là 2,27 lần, giảm không đáng kể so với 2,37 lần của thập niên trước (1991-2000). Điều này có nghĩa là, hiệu quả thúc đẩy kinh tế phát triển của thương mại cho đến nay vẫn chưa có sự chuyển biến rõ nét.

Do vậy, không chỉ phát triển mạnh thương mại, trong đó mở rộng thị trường trong nước tiếp tục được đặt lên vị trí đầu tiên, mà hơn thế, tư tưởng chiến lược nâng cao hiệu quả thúc đẩy kinh tế phát triển của thương mại vẫn còn nguyên giá trị cho chiến lược phát triển lĩnh vực này trong thập kỷ tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới