Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Muốn bỏ thị thực hay muốn thu phí visa?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Muốn bỏ thị thực hay muốn thu phí visa?

Khánh Nghi

(TBKTSG) – Tổng cục Du lịch đang lấy ý kiến về dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Du lịch 2017 trước khi trình Chính phủ. Theo đó, ngành du lịch sẽ có quỹ hỗ trợ phát triển du lịch với vốn điều lệ lên đến 300 tỉ đồng. Số vốn này do ngân sách nhà nước cấp trong ba năm đầu (sau đó, quỹ sẽ bổ sung vốn bằng các nguồn khác). Nguồn vốn cho quỹ được dự thảo sẽ đến từ 10% tổng số thu ngân sách hàng năm từ phí visa và các giấy tờ có liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài.

Muốn bỏ thị thực hay muốn thu phí visa?
Du khách quốc tế tại TPHCM – Ảnh: Bảo Uyên.

Theo Hội đồng Tư vấn du lịch thì so với các điểm đến trong khu vực, Việt Nam là điểm đến kém cởi mở về chính sách thị thực. Do vậy, thời gian qua, Hội đồng Tư vấn du lịch cùng cơ quan quản lý và Hiệp hội Du lịch đã nhiều lần đề nghị Chính phủ nới lỏng chính sách nhập cảnh, miễn thị thực thêm cho nhiều thị trường tiềm năng so với chỉ miễn thị thực cho du khách từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ như hiện nay; tăng số ngày miễn thị thực lên 30 ngày. Tổng cục Du lịch còn kiến nghị đối với những thị trường quan trọng như năm nước Tây Âu gồm Anh, Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha thì nên có chính sách miễn thị thực dài hạn thay vì quyết định theo từng năm như hiện nay. Những đề nghị này đều nhắm đến mục đích thu hút du khách đến đông hơn, ở lại lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn.

Như vậy, phải chăng ngành du lịch đã mâu thuẫn với chính mình khi vừa muốn bỏ thị thực lại vừa muốn có nguồn thu từ lệ phí thị thực để gây một phần quỹ?

Cũng theo dự thảo nêu trên, ngoài phí thị thực, một nguồn vốn khác của quỹ sẽ đến từ 5% tổng số thu ngân sách hàng năm từ phí tham quan khu du lịch, điểm du lịch; từ nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện, hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; từ lãi suất ngân hàng của quỹ và các nguồn thu khác.

Thiết nghĩ, thu tiền từ những nguồn như phí tham quan hay đóng góp tự nguyện khó có thể đảm bảo được tính công bằng, sự minh bạch trong điều hành quỹ. Không công bằng ở chỗ, tại sao khu du lịch, điểm du lịch thì phải chuyển một phần số thu từ phí tham quan cho quỹ còn những nơi khác thì không? Và ai đảm bảo những quyết định của những người điều hành quỹ không bị tác động bởi ý kiến của những nhà tài trợ lớn?

Theo Tổng cục Du lịch, năm ngoái, ngành du lịch đạt doanh thu 400.000 tỉ đồng và có thể đạt 500.000 tỉ đồng trong năm nay. Vậy nên chăng, Chính phủ có thể trích một phần thuế thu từ du lịch để tái đầu tư ngành, làm quỹ hỗ trợ phát triển du lịch thay vì phải gom góp từ nhiều nguồn khác?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới