Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Muốn hợp tác đổi mới công nghệ, phải giải quyết quyền sở hữu trí tuệ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Muốn hợp tác đổi mới công nghệ, phải giải quyết quyền sở hữu trí tuệ

Lê Thị Thiên Hương

(TBKTSG) – Trong bất cứ lĩnh vực nào, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp luôn gắn liền với khả năng đổi mới công nghệ. Vì thế, mỗi doanh nghiệp đều không thể bỏ qua chiến lược đổi mới công nghệ, góp phần gia tăng giá trị tài sản doanh nghiệp. Trong bối cảnh này, phối hợp đổi mới công nghệ (collaborative innovation) là một phương án khá hấp dẫn, nhưng để áp dụng nó thì trước hết phải giải quyết vấn đề quyền sở hữu trí tuệ.

Đi với nhau thì tốt hơn đi một mình

Phối hợp đổi mới công nghệ là một mô hình hợp tác giữa các đơn vị khác nhau, như giữa các doanh nghiệp (ví dụ giữa doanh nghiệp lớn và nhỏ, giữa doanh nghiệp và nhà cung cấp, doanh nghiệp với đối thủ cạnh tranh), giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng, giữa doanh nghiệp với trung tâm nghiên cứu hay trường đại học… hay thậm chí giữa nhiều đối tác từ nhiều lĩnh vực khác nhau, nhằm cùng nhau xây dựng và thực hiện các dự án đổi mới công nghệ.

Những khó khăn và rủi ro nhất định liên quan tới quyền SHTT không nên là yếu tố cản trở kế hoạch hợp tác công nghệ của doanh nghiệp, vì doanh nghiệp hoàn toàn có thể vượt qua nếu như chú trọng xây dựng chiến lược SHTT hợp lý ngay từ sớm.

Phối hợp đổi mới công nghệ có nhiều ưu điểm. Một mặt, nó giúp doanh nghiệp cũng như đối tác của doanh nghiệp nâng cao năng lực đổi mới nhờ vào chia sẻ kiến thức, ý tưởng, kết quả nghiên cứu cũng như cơ hội. Mặt khác, phối hợp đổi mới công nghệ sẽ giúp đạt được những năng lực mới cũng như góp phần giảm giá thành chi phí cho nghiên cứu.

Chính vì thế, từ nhiều năm gần đây, phối hợp đổi mới công nghệ đang dần trở thành một khuynh hướng chủ chốt ở các nước phát triển. Các doanh nghiệp đang dần từ bỏ mô hình đổi mới công nghệ kiểu “đóng” để hướng tới mô hình “mở”, nhằm không bỏ lỡ các cơ hội mới.

Ở châu Âu, một điều tra thực hiện năm 2013 của Big Innovation Centre cho thấy, 97% quan hệ hợp tác của các doanh nghiệp với đối tác bên ngoài là liên quan tới các dự án phối hợp đổi mới công nghệ, trong đó có 69% quan hệ hợp tác dẫn tới đồng sở hữu bằng sáng chế hoặc dạng khác của sở hữu trí tuệ (SHTT).

Hiện nay, các nước công nghiệp phát triển trên thế giới đều có các chính sách hay chương trình đặc biệt khuyến khích phối hợp đổi mới công nghệ, như quỹ Research Partnership Investment Fund của Anh, chương trình Small Business Technology Transfer nhờ vào luật Small Business Innovation Development Act 1982 của Mỹ, Go-Cluster và Forschungscampus của Đức, hay chương trình MAGNET của Israel.

Những quốc gia này cũng nỗ lực xây dựng cơ sở vật chất hỗ trợ các chương trình phối hợp nói trên dưới dạng lò ấp công nghệ (technology business incubator) hay trung tâm phối hợp nghiên cứu.

Ở Việt Nam, rào cản hợp tác là quyền sở hữu trí tuệ

Nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế sáng tạo, Chính phủ Việt Nam cũng nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý trong chuyển giao và đổi mới công nghệ. Gần đây, tuần lễ “Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2020” cũng đã được tổ chức ở Hà Nội để tạo điều kiện cho các đơn vị nghiên cứu, nhà khoa học, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước gặp gỡ để kết nối, hình thành mạng lưới hợp tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, mô hình phối hợp đổi mới công nghệ còn khá mới mẻ và chưa có nhiều ứng dụng trên thực tiễn, ngoại trừ ở một số nhỏ các doanh nghiệp hàng đầu.

Có thể nói, một trong những lý do làm nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn ngần ngại, đó là những khó khăn về mặt pháp lý, cụ thể là trong vấn đề quyền SHTT và việc quản lý kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. Đây không chỉ là vấn đề của các doanh nghiệp trong nước. Một nghiên cứu cho thấy 52% doanh nghiệp nước ngoài cho rằng quyền SHTT là khó khăn hàng đầu khi thực hiện các dự án phối hợp đổi mới công nghệ.

Chính vì thế, để có thể đạt được lợi ích mong muốn từ các dự án phối hợp đổi mới công nghệ và hạn chế các rủi ro có thể xảy ra, doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng xây dựng chiến lược bảo vệ quyền SHTT trong khuôn khổ dự án phối hợp.

Ở giai đoạn thương thảo tiền hợp đồng, doanh nghiệp cần xác định rõ những tài sản SHTT mình đang có (chẳng hạn như bằng sáng chế, chương trình máy tính, bí mật kinh doanh hay dữ liệu) và có thể sẽ chia sẻ với đối tác trong khuôn khổ dự án. Để đảm bảo an toàn cho các tài sản này, một hợp đồng bảo mật giữa các bên cần phải được ký kết trước khi ký hợp đồng phối hợp đổi mới công nghệ.

Giai đoạn thương thảo cũng là lúc để tìm ra tiếng nói chung với đối tác liên quan tới những tài sản trí tuệ chung, tạo ra trong thời gian thực hiện dự án. Các bên cần thống nhất rõ tỉ lệ quyền tài sản của mỗi bên đối với tài sản chung, ví dụ như tỷ lệ tương ứng với phần góp vốn của mỗi bên chẳng hạn. Các quy định liên quan tới quyền hạn của hai bên, tới khả năng chấm dứt hợp đồng, luật áp dụng cũng là những điểm quan trọng không thể bỏ qua.

Nội dung hợp đồng phối hợp đổi mới công nghệ sẽ quyết định tương lai của doanh nghiệp trong dự án, vì thế cần phải bao quát được toàn bộ các tình huống có thể xảy ra và đảm bảo hạn chế ít nhất rủi ro cho doanh nghiệp. Ví dụ như việc đưa vào hợp đồng cam kết của doanh nghiệp chia sẻ cho đối tác “những thông tin cần thiết cho việc thực hiện của dự án” sẽ giúp doanh nghiệp xác định được rõ ràng mức độ chia sẻ thông tin và đảm bảo an toàn cho những tài sản trí tuệ khác.

Tất nhiên, vai trò của mỗi bên, vốn góp vào dự án, cũng như trách nhiệm trong mỗi lĩnh vực cụ thể phải được quy định rõ ràng trong hợp đồng. Mỗi tài sản trí tuệ đưa vào dự án cũng cần được xác định loại hình tài sản phù hợp (bằng sáng chế, bản quyền hay hình thức khác).

Một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu, tất nhiên đó chính là vấn đề tài sản tạo trong thời gian dự án. Chế độ tài sản chung (co-ownership) có ưu điểm là khá an toàn cho lợi ích các bên, nhưng doanh nghiệp lại có thể sẽ bị “đóng khung” trong những quy định liên quan tới việc khai thác các tài sản trí tuệ chung này. Ngược lại, chế độ tài sản riêng (sole ownership) cho mỗi bên tùy vào loại hình hay lĩnh vực của tài sản có ưu thế là dễ dàng khi khai thác, nhưng lại có thể mang nhiều rủi ro hơn.

Đối với những tài sản mới tạo ra này, hợp đồng cũng cần quy định rõ chế độ bảo vệ tài sản trí tuệ, phân chia chi phí duy trì quyền tài sản trí tuệ cũng như những tình huống trong đó một trong các bên đối tác từ bỏ hay nhượng lại quyền tài sản cho bên còn lại. Không chỉ thế, quy định liên quan tới việc bảo vệ tài sản trí tuệ trong trường hợp bị vi phạm quyền SHTT cũng cần được đưa vào hợp đồng.

Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, những tài sản trí tuệ tạo ra trong dự án có thể không thuộc chế độ tài sản chung, nhưng lại cần thiết cho mọi bên đối tác trong việc thực hiện hợp đồng. Trong trường hợp đó, một chế độ li-xăng cho phép sử dụng tài sản trí tuệ này có thể được quy định trong hợp đồng. Doanh nghiệp cũng cần phải dự đoán các tình huống xảy ra sau giai đoạn thực hiện hợp đồng, để đảm bảo không có các cản trở đối với việc khai thác kết quả dự án.

Hiện nay, ở nhiều nước phát triển, các cơ quan chính phủ thường xây dựng các hợp đồng mẫu như hợp đồng bảo mật hay hợp đồng phối hợp đổi mới công nghệ, nhằm tránh các trường hợp doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp phải rủi ro do không có nhiều kinh nghiệm trong việc soạn thảo hợp đồng.

Như đã nói ở trên, mô hình phối hợp cải tiến công nghệ có nhiều ưu điểm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao hàm lượng chất xám cho sản phẩm, khẳng định vị thế trên thị trường. Những khó khăn và rủi ro nhất định liên quan tới quyền SHTT không nên là yếu tố cản trở kế hoạch hợp tác công nghệ của doanh nghiệp, vì doanh nghiệp hoàn toàn có thể vượt qua nếu như chú trọng xây dựng chiến lược SHTT hợp lý ngay từ sớm. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới