Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Muôn nẻo chiêu sinh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Muôn nẻo chiêu sinh

Hoàng Hà

Muôn nẻo chiêu sinh
Giờ thực tập của sinh viên một trường đại học có trụ sở ở quận 7, TPHCM. Ảnh: THANH TAO.

(TBKTSG) – Chỉ khoảng hơn một tuần nữa là thời hạn nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 và 3 vào các trường đại học và cao đẳng sẽ kết thúc. Các trường ngoài công lập như đang ngồi trên lửa và họ đang xoay đủ cách để tuyển sinh.

Khoa Điện – Điện tử của trường Đại học dân lập Bình Dương năm nay có chỉ tiêu tuyển 200 sinh viên, nhưng đến nay mới có 12 thí sinh đến nộp hồ sơ đăng ký và chỉ có hai thí sinh đóng tiền vào học.

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Bội Khuê, Trưởng khoa, cho biết ông đang rất lo lắng về tình hình tuyển sinh của khoa. Dù vậy, ông hy vọng đến thời hạn cuối cùng, ngày 15-9, các thí sinh sẽ đến và tình hình sẽ khả quan hơn.

Đủ cách chiêu dụ

Ông Khuê không phải là người duy nhất lo lắng về việc tuyển sinh năm nay. Cuộc cạnh tranh trong việc chiêu mộ sinh viên đang ở giai đoạn quyết liệt và chưa bao giờ các trường đại học và cao đẳng ngoài công lập lại có nhiều hình thức chiêu dụ như hiện nay. Ngay từ đầu năm, nhiều trường đã về đến tận các trường trung học phổ thông ở nông thôn để quảng bá và phát đơn đăng ký vào học từ sớm. Nhưng đến nay các trường đều khó hoàn thành chỉ tiêu đúng thời hạn và họ đang tìm đủ mọi cách chiêu dụ sinh viên, từ cấp học bổng, miễn, giảm học phí, tặng máy tính xách tay đến việc hỗ trợ học lên thạc sĩ. Đến như những người “môi giới” cũng nhận được tiền hoa hồng chỉ nhằm mục đích làm sao có thí sinh đến trường đăng ký học.

Nhiều trường đại học thời gian qua hoạt động trong tình trạng thiếu sinh viên, nay, theo kế hoạch, lại đang tiếp tục mở rộng cơ sở vật chất. Những trường này, vừa phải lo gồng gánh với chỉ tiêu của mình, vừa phải lo đối phó với sự cạnh tranh từ những trường mới thành lập. Đại học địa phương cạnh tranh với đại học vùng, đại học vùng cạnh tranh với đại học quốc gia. Các trường ngoài công lập cạnh tranh với nhau. Các trường tại một địa phương cũng đang đua nhau, vì nhiều tỉnh có chừng 3-4 đại học, trong khi tỉnh kế cận cũng có 1-2 trường, đang tạo ra một bức tranh muôn màu về tuyển sinh đại học. Các thí sinh thì có thời gian để dò xét, tìm hiểu trước khi quyết định.

Thu hút đầu vào như trên xem chừng vẫn chưa đủ, các trường còn mạnh mẽ đưa ra những cam kết về đầu ra hết sức ấn tượng để chiêu dụ sinh viên. Trường trung cấp thu hút bằng chiêu “bước vào trung cấp, bước ra đại học”. Trường cao đẳng và đại học thì hứa hẹn các chương trình liên thông, liên kết, kiểu “học ở Việt Nam lấy bằng quốc tế, được cả thế giới công nhận”. Chất lượng đào tạo, môi trường thực hành chuyên nghiệp, đội ngũ giảng viên hàng đầu… cũng luôn là thông điệp quảng cáo của nhà trường.

Phó hiệu trưởng một trường cao đẳng nghề ở TPHCM cho biết trường ông có chỉ tiêu tuyển sinh là 700 nhưng năm nào cũng tuyển lố và bị phạt trừ dần vào chỉ tiêu các năm sau. Sở dĩ trường tuyển được nhiều là vì bên cạnh các lời quảng cáo như học ở Việt Nam lấy bằng quốc tế, hoặc được nhận vào làm việc ở các công ty nước ngoài… trường còn “linh động” trong việc nhận cả những thí sinh “chưa tốt nghiệp trung học phổ thông” hay chỉ có các bằng trường nghề vào học  (trường cho phép những thí sinh này bổ túc bằng cấp sau). “Cho đến lúc này tôi cũng không nắm được liệu có sinh viên nào còn chưa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông không nữa”, vị này thú nhận.

Tất cả những điều trên cho thấy cuộc đua tuyển sinh ở các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập năm học này là vô cùng khốc liệt. Và như một chuyên gia đã nói thủ khoa năm nay của nhiều trường có thể có tổng điểm thi dưới 13.

Áp lực đóng cửa

Hệ đại học chính quy, theo các chuyên gia, chỉ mới đáp ứng được chừng 20% nhu cầu của những người muốn học. Trong số đó, các thí sinh khá giỏi tập trung vào các trường công lập, uy tín. Số lớn nữa chọn các trường ngoài công lập khá uy tín và số còn lại, vốn có học lực yếu, mới tìm đến các trường đại học địa phương, trường cao đẳng nghề, hay trung cấp chuyên nghiệp. Số này được gọi là các trường tốp dưới và cạnh tranh khốc liệt là chính ở phân khúc này.

Mục đích của việc tung ra các chiêu khuyến mãi, ngoài việc thu hút thí sinh, là để quảng bá hình ảnh, thương hiệu của trường. Số học bổng của các trường này đều có điều kiện nên không dễ gì các thí sinh có thể lấy được.

Chuyện nhiều trường tuyển không đủ chỉ tiêu cho các ngành học của mình dẫn đến việc đóng cửa ngành học không phải là chuyện hiếm. Năm học 2010-2011, nhiều trường đại học đã phải đóng của một số ngành học vì ít thí sinh theo học, chẳng hạn như hai ngành điện tử viễn thông và thông tin học của Đại học Đông Đô ở Hà Nội, năm ngành của đại học Lương Thế Vinh ở Nam Định (gồm thú y, cơ khí, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ thực vật và văn hóa du lịch). Đại học Hồng Đức ở Thanh Hóa cũng đóng cửa ba ngành gồm chăn nuôi thú y, nuôi trồng thủy sản và bảo vệ thực vật. Năm học 2011- 2012, trường Đại học Phạm Văn Đồng ở Quảng Ngãi cũng không thể giữ được ngành tài chính – ngân hàng, vì chỉ có một thí sinh. Một tiến sĩ ở Đại học Quốc gia TPHCM cho biết bản thân ông đi giảng dạy ở nhiều trường ngoài công lập và nhận thấy có khoa chỉ có chừng 8-12 sinh viên/khóa theo học, và áp lực khai tử những khoa như thế đang là rất lớn.

Trước tình hình đó, một số trường đại học đang tìm cách để giữ ngành bằng cách chuyển các ngành không tuyển đủ chỉ tiêu sang hình thức cao đẳng, trung cấp, liên thông cũng như liên kết đào tạo với nước ngoài để không phải đóng cửa. Một số trường khác lại “lách” theo hình thức: bán chỉ tiêu cho các cơ sở đào tạo bên ngoài. Giảng viên của một trường đại học ở TPHCM cho biết cơ sở đào tạo nghề của ông đã từ nhiều năm nay “mua chỉ tiêu” đào tạo từ chính trường của mình. Theo hình thức này, trường đại học hưởng 30%, chịu trách nhiệm cấp bằng. Phần đào tạo phó mặc cho trường nghề.

Bài toán về tuyển sinh năm nay vẫn chưa thể giải được. Phó hiệu trưởng một trường ở TPHCM cho biết có thể sẽ phải đề nghị thêm thời gian tuyển sinh nếu trường mình tuyển được quá ít so với chỉ tiêu. Mức điểm sàn 13 điểm là khó thay đổi, vì thế, ông cho biết nhiều trường có ý định kiến nghị áp dụng điều 33 quy chế tuyển sinh (về khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực tuyển sinh) bằng cách nới rộng khoảng cách điểm giữa các khu vực, để có thể có thêm nhiều cơ hội cho thí sinh. “Tôi nghĩ, cần phải để cho các trường linh động hơn trong việc đào tạo theo nhu cầu”, ông này nói.

Thế nhưng, hiện nay, với 8 điểm, một thí sinh khu vực ở vùng sâu vùng xa đã có thể vào trường đại học. Điều này đang đặt ra một bài toán khác nữa về mâu thuẫn giữa tuyển sinh ồ ạt và chất lượng của giáo dục đại học.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới