Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Muôn nẻo làm bạn cùng con

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Muôn nẻo làm bạn cùng con

Thanh Hương

Muôn nẻo làm bạn cùng con
Tuổi mới lớn đẹp và mong manh như những khối thủy tinh dễ vỡ!. Ảnh: Thanh Tao.

(TBKTSG) – Ghi từ cuộc thảo luận bàn tròn “Làm bạn với con, được không?” do TBKTSG tổ chức ngày 27-11-2011 dành cho bạn đọc.

Chới với trước thế giới tuổi teen!

Một người mẹ có con trai mới 13 tuổi nhưng đã có bạn gái và đã… làm “chuyện người lớn”. Người mẹ chỉ biết khuyên răn chứ không cấm cản được nữa. Một người cha không thể thuyết phục con gái mình đừng đặt nick trên mạng xã hội là “pinkycat” vì những cái tên như vậy có thể gây hiểu lầm là “cave”. Một cặp vợ chồng đã quyết định… đặt vòng cho con gái 16 tuổi trước khi đi du học vì không muốn phải lo lắng giải quyết những chuyện ngoài ý muốn, dẫu đó là một quyết định khó khăn, đau đớn…

Internet, truyền thông, xu hướng tự do tình dục… bùng nổ từ thập niên 1990 đã khiến những đứa trẻ sinh ra vào thời điểm này giờ đây đang đến tuổi dậy thì trở nên quá cách biệt đối với cha mẹ chúng, những người thuộc thế hệ 6x, 7x. Tuổi thơ của những bậc phụ huynh này trải qua thời kỳ đất nước khó khăn, vốn khá bình dị và “lành mạnh”, đầy ý chí và tinh thần vượt khó. Giờ đây họ hoang mang và thậm chí hoảng sợ, chới với trước những gì con trẻ đang tiếp cận và hành xử cũng là điều dễ hiểu.

Không thể răn đe hay giáo huấn vì những điều đó “xưa rồi Diễm”. Không thể dùng kỹ thuật máy móc để kiểm soát vì bọn trẻ còn “kỹ thuật” hơn, tinh vi hơn. Những bậc cha mẹ thông minh và lo xa đã rất khôn ngoan biết rằng không thể hiểu trẻ chỉ bằng kinh nghiệm cá nhân của họ, càng không thể dạy chúng theo cái cách họ được dạy từ nhỏ. Họ biết rằng cần phải “làm bạn” với con, may ra sẽ hiểu được chúng, biết chúng đang làm gì, đang nghĩ gì, và nhờ đó mà có thể “điều chỉnh” chúng kịp thời.

Tuổi… thủy tinh dễ vỡ

Một người mẹ đem cả thời tuổi trẻ chia sẻ cùng con, để đổi lại niềm tin của đứa trẻ, để nó cũng sẻ chia lại thế giới của mình. Chị khôn ngoan đồng tình với con trước, rồi thỉnh thoảng chen vào những suy nghĩ của mình để “định hướng” cho con. Khéo léo là vậy, thỉnh thoảng chị vẫn nhận lại những phản ứng gay gắt của con vì “giáo huấn” quá lời. “Làm sao để biết thỏa hiệp với con trẻ ở mức độ nào thì vừa?”, người mẹ ấy than thở. Những người cha, người mẹ ưu tư ấy đi bên cạnh con mình e dè thận trọng như bên cạnh những khối thủy tinh dễ vỡ.

Mà đôi khi có đổ vỡ thật. Ấy là khi cha mẹ đã lo lắng thái quá. Đi đâu cũng hỏi. Bạn nào tới nhà cũng kiểm tra “lý lịch trích ngang”. Hay nghe con kể chuyện ở trường rồi “méc” lại với cô giáo và yêu cầu can thiệp… Đôi khi mục tiêu là để “kiểm soát”, để “điều chỉnh” trẻ lộ liễu quá, làm mất đi bản chất “tình bạn” vốn có, và ở đó không còn sự tin cậy của tình bạn. Trẻ sẽ thấy sợ, thấy bối rối khi đối diện và chia sẻ với cha mẹ, và nặng hơn, là sẽ nói dối cho yên chuyện. Làm bạn khó lắm đấy, nó phải là một điều tự nhiên, và nó phải có sự thấu hiểu và thấu cảm thực sự.

Những ông bố, bà mẹ nhạy cảm tuyệt vời ấy không bỏ cuộc, họ tìm con đường chinh phục trái tim con cái họ. Họ sẵn lòng ngồi chơi game cùng con, chỉ để tìm sự đồng cảm với trẻ. Chỉ chơi cùng nhau vài tiếng, cô cậu teen sẵn lòng chia sẻ tất cả, tại sao con thích cái này, ghét cái kia, một ông bố khẳng định thế. Một người cha khác, trong công việc uy nghi là thế, cũng chịu khó đi mua sắm, đi xem phim cùng con gái, rồi nhè nhẹ hỏi con chuyện học hành, chuyện bạn bè. Họ không e ngại xin lỗi con mỗi khi nói sai, không ngại nhờ con chỉ dẫn những kỹ thuật mà bọn trẻ giỏi hơn, không ngại dành tặng cho con mình cái vỗ vai động viên y như một người bạn đã trưởng thành. Và nhất là, họ dứt khoát dành cho con sự ưu tiên tuyệt đối. Ví dụ như, không thể có chuyện vắng mặt trong buổi lễ tốt nghiệp của con vì bất cứ lý do gì.

Phần thưởng của tình bạn ấy thật cảm động. Một cô gái trẻ nói, “con tự hào vì ba con đọc “Sát thủ đầu mưng mủ” xong thì nhẹ nhàng nói, ba thấy sách cũng chẳng có gì đáng ngại, chỉ để cho vui thôi, các con không để nó ảnh hưởng đến ngôn ngữ và ứng xử của mình là được”. Một ông bố xúc động kể, tôi thích nghe Phạm Duy, một lần nghe tới bài “Nghìn trùng xa cách”, cháu nói, “trả hết cả “đôi môi gượng cười” lẫn đó bố kìa”. Thế ra, chia sẻ cùng con trẻ thế giới của chúng một cách thật lòng, sẽ đến một ngày được chúng yêu quý, tự hào, và được chúng cảm nhận và cùng chia sẻ những gì tưởng chừng không thuộc về thế hệ chúng, một cách tự nhiên.

Cứ vậy, nâng niu sự đồng cảm trong từng bài hát, từng cuốn sách, từng suy tư, đầy kiên nhẫn, yêu thương và thấu hiểu, những người cha, người mẹ đã dần dần tìm được con đường chia sẻ với con những nền tảng giá trị sống, và trở thành chỗ dựa vững vàng đáng tin cậy trong lòng con cái mình, dù chúng có đi bất cứ phương trời nào.

Muộn còn hơn không

Có muộn không nếu ai chưa thể là bạn với con?

Bắt đầu chưa bao giờ là muộn cả. Đó là lời khuyên của nhà tâm lý Lê Thị Minh Tâm.

Hãy bắt đầu bằng sự tin cậy đối với trẻ. Khi bạn kiểm soát trẻ, điều đó chứng tỏ bạn không tin tưởng chúng, và cũng chứng tỏ bạn không tin tưởng vào chính mình, không biết cần làm gì, nên làm gì trong mối quan hệ với trẻ.

Thay vào đó, hãy kiểm soát cảm xúc và suy nghĩ của chính mình, thể hiện qua lời nói. Bạn có hay đưa ra những định kiến, rằng “đàn ông toàn là những thằng đểu”, hay “con thật là yếu đuối, khờ dại”? Và nếu bạn hay nói: “Con phải…” “Con nên…”… hãy suy nghĩ xem bạn có quá trông đợi trẻ sẽ trở thành một con người như bạn muốn hay có áp đặt những suy nghĩ của bạn với trẻ không?

Những định kiến và áp đặt của cha mẹ, sẽ khiến khoảng cách giữa cha mẹ và con cái lớn thêm. Và nghiêm trọng hơn, theo các nhà tâm lý, định kiến theo hướng tiêu cực, sẽ ám ảnh đứa trẻ khi lớn lên, gây thiếu tự tin, dẫn đến những rối loạn tâm lý và nhân cách trong việc nhìn nhận bản thân và xung quanh. Hãy lắng nghe trẻ và hãy bắt đầu bằng những gì trẻ có thể làm được, trân trọng mọi thành quả của chúng, vì chúng không phải là bản sao hay là công cụ thực hiện những mơ ước của cha mẹ.

Hãy bắt đầu bằng tình yêu thương. Mà phải là một tình yêu thương tôn trọng. Không phải là sở hữu, không phải nhào nặn, không phải kiểm soát. Trẻ cần được sống cuộc sống của chúng, như một cái cây cần chăm sóc, vun bón, nhưng cũng cần khoảng trời riêng cho mình để vươn lên.

Vậy ra, làm bạn với con là một nền tảng mà cha mẹ phải xây dựng từ khi con còn rất bé, và từ những điều nhỏ nhặt. Làm bạn với con cần thời gian dành cho sẻ chia và thấu cảm. Làm bạn với con là luôn luôn điều chỉnh mình, ở đó chính cha mẹ cũng học cách nhìn cuộc sống bao dung hơn, tin cậy hơn. Bạn đã bắt đầu chưa, muộn vẫn còn hơn không.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới