Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Muốn phát triển ổn định phải có nền tảng vững bền

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Muốn phát triển ổn định phải có nền tảng vững bền

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

(TBKTSG) – Quốc hội dành trọn hai ngày đầu tuần để thảo luận tại hội trường về tình hình phát triển kinh tế – xã hội năm nay và kế hoạch của năm tới. Thế nhưng nổi lên từ các phát biểu của các đại biểu là sự mổ xẻ trách nhiệm của vụ đổ vỡ tập đoàn Vinashin.

Điều này không hề mâu thuẫn bởi những phân tích về trường hợp Vinashin và các vụ việc khác như ngành thép, xi măng khủng hoảng thừa công suất và tình trạng thiếu điện ngay trong mùa mưa… chính là nhằm giải quyết tận gốc rễ những khiếm khuyết của nền kinh tế để từ đó tạo được nền tảng vững bền cho con đường phát triển ổn định của những năm tới.

Một khi chưa làm rõ trách nhiệm để xảy ra một Vinashin với những khoản nợ khổng lồ thì các chính sách, dù được thiết kế tốt đến đâu, cũng sẽ bị méo mó và không đem lại hiệu quả mong muốn.

Năm 2010, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 6,7%. Nhưng đi kèm với thành quả đó lại là những dấu hiệu của bất trắc cho cả nền kinh tế, như lạm phát cao, nhập siêu ngày càng lớn và thâm hụt ngân sách đang trở nên trầm trọng.

Số liệu thống kê cũng cho thấy đóng góp vào tăng trưởng của khu vực doanh nghiệp nhà nước là thấp nhất nhưng mầm mống của những bất ổn nói trên lại xuất phát từ việc sử dụng vốn đầu tư kém hiệu quả của khu vực này, kể cả những khoản vay trong và ngoài nước đang là gánh nặng không chỉ cho ngân sách mà còn cho cả nền kinh tế.

Tình hình này đã được cảnh báo từ sớm, lúc mới hình thành chủ trương thí điểm các tập đoàn kinh tế nhà nước nhưng đã không được chú ý, mô hình tập đoàn cũng chưa được sơ kết, rút kinh nghiệm (xem chuyên mục Sự kiện & Vấn đề trên TBKTSG tuần này – “Lỏng lẻo quản lý tập đoàn”).

Chính vì thế những phát biểu có thể xem là gay gắt của các đại biểu Quốc hội là cần thiết vì nếu không, Quốc hội sẽ không làm tròn vai trò giám sát của mình và suy cho cùng, sau này cũng sẽ phải gánh một phần trách nhiệm trước nhân dân.

Với đại đa số người dân, điều họ cần hiện nay là sự ổn định của cuộc sống để khỏi phải lo toan về đồng tiền mất giá, sức mua đồng lương ngày càng giảm. Đối với doanh nghiệp nói chung, đó là tính ổn định của chính sách để họ yên tâm hoạch định kế hoạch làm ăn.

Chính những trăn trở của các đại biểu Quốc hội cuối cùng cũng nhắm vào một mục đích như thế: tạo ra những nền tảng vững chắc như một cơ chế hữu hiệu, chặt chẽ cho hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước nói riêng và cho đồng vốn đầu tư từ ngân sách nói chung. Nhờ đó toàn bộ nền kinh tế mới được hưởng lợi và phát triển bền vững.

Vì vậy, sự truy xét trách nhiệm cá nhân của những thành viên Chính phủ liên quan cũng chỉ nhằm sau đó, tạo dựng một tinh thần trách nhiệm cao hơn, một sự phân định vai trò rõ ràng hơn và quan trọng hơn cả, là củng cố lòng tin của người dân và các đại biểu Quốc hội đối với sự điều hành của Chính phủ. Nếu không làm như thế, mọi đóng góp vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 cũng chỉ mang tính hình thức.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới