Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Muốn tư duy đổi mới, phải nhìn thẳng vào sự thật

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Muốn tư duy đổi mới, phải nhìn thẳng vào sự thật

Trần Thượng Tuấn

Sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM trao đổi bài vở trước khi lên giảng đường. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Phát biểu bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 12 (28-3), Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhấn mạnh ngoài tiêu chuẩn đức – tài, phải bầu vào Trung ương những người có tư duy đổi mới.

Điều đó phù hợp với mong muốn của dân và đội ngũ đảng viên đông đảo. Vì ủy viên Trung ương Đảng là những người lãnh đạo cao cấp nên tư duy mới trước tiên phải được thể hiện trong những quan điểm mới về những vấn đề hệ trọng liên quan đến vận mệnh của đất nước, của địa phương.

Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề bầu vào Trung ương những người có đức – tài và có tư duy đổi mới được đặt ra. Thế nhưng nếu đặt câu hỏi đối với từng ủy viên Trung ương Đảng là trong nhiệm kỳ qua tư duy của đồng chí có gì mới, thì chắc nhiều người không dễ trả lời.

Đổi mới tư duy phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội là bản chất của người cách mạng, nên chỉ có thể có ở những người dám nhìn thẳng vào sự thật, thật sự muốn đổi mới xuất phát từ ý thức đặt lợi ích của dân tộc lên trên lợi ích nhỏ hẹp của cá nhân hay nhóm nhỏ nào đấy, bất kể dưới danh nghĩa gì.

Vì “Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của dân tộc”, nên tư duy đổi mới trước tiên là có quan điểm sát thực tiễn của đất nước, kiên trì và nhất quán trong việc thể hiện quan điểm lấy lòng dân làm ý Đảng, chứ không phải áp đặt điều trái ý nguyện của đa số dân chúng.

Trải qua hơn hai mươi năm đổi mới, những biện pháp được áp dụng đã giúp nước ta vượt qua tình thế bên bờ vực khủng hoảng, tiến một bước dài trên con đường phát triển kinh tế với những thành tựu to lớn và nâng cao uy tín của Việt Nam trên thế giới.

Sự đột phá mà Đại hội VI tạo ra bắt nguồn từ sự đổi mới tư duy để vượt qua những giáo điều từng được coi là nguyên lý bất di, bất dịch của chủ nghĩa Mác-Lênin và mô hình chủ nghĩa xã hội, như phủ nhận kinh tế thị trường, xóa bỏ tư hữu tư liệu sản xuất bằng tập thể hóa…

Những thành tựu to lớn đạt được trong thực tế là minh chứng hùng hồn cho chân lý “Đổi mới hay là chết” khi đất nước ở trong tình thế bị dồn đến chân tường.

Tuy nhiên nước ta vẫn là một nước nghèo, ở mức phát triển thấp, nhất là về trình độ quản lý, khoa học và công nghệ cùng không ít vấn đề tồn đọng trong xã hội khó lòng giải quyết được với cơ chế hiện nay. Tiềm năng của phần lớn các biện pháp đã áp dụng hầu như đã được khai thác hết, trong khi tình thế mới trong nước cũng như thế giới đặt nước ta trước bước ngoặt lịch sử – vượt lên những thách thức của thời đại hay cam chịu số phận của một nước chậm phát triển, tụt hậu. Điều đó đòi hỏi ở Đảng lãnh đạo một cuộc đổi mới mạnh mẽ hơn, sâu rộng hơn, toàn diện hơn với đội ngũ những con người thật sự có tư duy đổi mới, trước tiên là trong bộ máy lãnh đạo cao nhất.

Cho đến nay khái niệm “tư duy đổi mới” được đặt ra rất chung chung, mơ hồ, có lẽ vì vậy mà không dễ gì đánh giá ai là người có tư duy đổi mới, ai là người níu kéo tư duy cũ, cản trở sự phát triển của đất nước. Vì vậy phải chăng đã đến lúc cần đặt ra những “tiêu chí của tư duy đổi mới” cụ thể trong từng lĩnh vực được thể hiện trước tiên trong tư tưởng chỉ đạo của Đại hội XI?

Ví như trong lĩnh vực kinh tế, trước đây những người có dũng khí từ bỏ quan điểm quản lý tập trung bao cấp đang thống trị trong bộ máy lãnh đạo để chuyển sang kinh tế thị trường chứ không phải chỉ quanh quẩn với những ý tưởng “cải tiến, điều chỉnh hay sáng kiến tái cấu trúc” trong cái cũ chính là những người thật sự có tư duy đổi mới.

Vậy trong tình hình hiện nay tư duy đổi mới trong kinh tế là gì, có tiếp tục quan điểm xem kinh tế nhà nước chung chung là chủ đạo không; có tiếp tục hình thành ồ ạt các tập đoàn và tổng công ty mà phần lớn là “những người khổng lồ chân đất sét” như vừa qua không; có tiếp tục khai thác ồ ạt tài nguyên khoáng sản vì lợi ích trước mắt, trong khi hô hào phát triển bền vững không?

Trong giáo dục và đào tạo, thuộc hàng quốc sách, cứ kéo dài tình trạng yếu kém, tụt hậu suốt mấy thập niên qua, với những chương trình quá tải, nặng về nhồi nhét kiến thức, rồi vá víu bằng các giải pháp “cải tiến” vụn vặt, cùng các đợt “phát động phong trào”. Như thế có thể xem là đổi mới tư duy không, hay là phải tiến hành một cuộc cải cách sâu rộng, thay đổi về căn bản triết lý giáo dục, đi đôi với việc áp dụng phương pháp dạy và học tiên tiến, mới đáng xem là có tư duy đổi mới?

Trong một nhà nước “của dân, do dân, vì dân” mà có quan chức lại xem thường ý chí của dân thể hiện qua những người đại diện cho mình thì liệu người như vậy có thể có tư duy mới vì lợi ích của dân không? Phải chăng tư duy mới về phát huy dân chủ trước tiên phải thể hiện qua việc từ bỏ áp đặt tư duy và bầu cử mang nặng tính hình thức?…

Một thực tế không thể chối cãi là nhiều vướng mắc kìm hãm sự phát triển kinh tế, hạn chế hiệu quả cuộc đấu tranh phòng chống vấn nạn tham nhũng cũng như cản trở sự phát huy tiềm lực của đất nước thời gian qua đều bắt nguồn từ cơ chế và rộng hơn là từ thể chế còn nhiều bất hợp lý. Điều đó đã được nhiều quan chức các cấp đề cập đến, cũng là điều mà người dân bức xúc và mong chờ sự đổi mới lâu nay.

Vậy về mặt này, người có tư duy đổi mới đáp ứng yêu cầu để bầu vào Trung ương phải là người có dũng khí nhìn thẳng vào sự thật, đấu tranh để thay đổi thể chế đã sản sinh ra những cơ chế lỗi thời cản trở bước phát triển của xã hội. Nhà bác học lỗi lạc Albert Einstein đã có câu nói chí lý: “Chúng ta không thể nào giải quyết những vấn đề bằng chính tư duy mà chúng ta có khi tạo ra vấn đề”.

Tư duy đổi mới còn bao hàm cả việc dũng cảm nhìn nhận những bất hợp lý của những điều mang danh nghĩa mới, nhưng không phù hợp với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, không nhất quán trong lời nói và việc làm. Hiện nay chúng ta đang có cuộc vận động học tập tư tưởng Hồ Chí Minh. Như vậy, tại sao chúng ta không học tập tư tưởng của Bác về tự do, dân chủ, pháp quyền trong Hiến pháp do Bác soạn thảo năm 1946.

Dân đã chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ đất nước. Trước bước ngoặt lịch sử, Đảng chỉ có thể làm tròn sứ mạng mà nhân dân kỳ vọng, lãnh đạo đất nước bứt phá đi lên khi có người đứng đầu cùng những ủy viên Trung ương Đảng thật sự có tư duy đổi mới, mạnh dạn dấn thân vào cuộc sống, dũng cảm đối đầu với những thách thức của thời đại, đưa đất nước vượt lên sánh vai cùng cường quốc năm châu như mong ước của Bác Hồ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới