Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mỹ – Ấn bên bờ vực đối đầu thương mại

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mỹ – Ấn bên bờ vực đối đầu thương mại

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Trong lúc Mỹ đang nỗ lực đàm phán để chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc thì căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Ấn Độ, một nền kinh tế lớn khác đang leo thang, theo hãng tin CNN.

Mỹ - Ấn bên bờ vực đối đầu thương mại
Chiến lược “Mua hàng Mỹ, thuê người Mỹ” của Tổng thống Donald Trump (trái) xung đột với Cuộc vận động “Sản xuất tại Ấn Độ” (Make in India) của Thủ tướng Narendra Modi (phải). Ảnh: reporterlive.com

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross dự định đến Ấn Độ hôm 14-2 để đàm phán giải quyết các bất động thương mại giữa lúc những đám mây đang giăng phủ trên mối quan hệ thương mại trị giá 125 tỉ đô la mỗi năm giữa hai nước. Thế nhưng vào cuối ngày 13-2, ông Ross đột ngột tuyên bố hủy chuyến thăm.

“Chuyến bay của ông ấy (Wilbur Ross) bị hủy do thời tiết xấu và các vấn đề kỹ thuật cũng như các vấn đề hậu cần khác. Bộ trưởng Rorss lấy làm tiếc vì ông không thể đích thân dự Diễn đàn Giám đốc điều hành Ấn-Mỹ và Đối thoại thương mại Ấn-Mỹ ở New Delhi”, người phát ngôn Bộ Thương mại Mỹ nói.

Căng thẳng thương mại giữa New Delhi và Washington leo thang trong những tháng gần đây khi chiến lược “Mua hàng Mỹ, thuê người Mỹ” của Tổng thống Donald Trump xung đột với cuộc vận động “Sản xuất tại Ấn Độ” (Make in India) của Thủ tướng Narendra Modi.

Cân nhắc gạt Ấn Độ khỏi chương trình ưu đãi thuế

Tổng thống Donald Trump liên tục chỉ trích các mức thuế của Ấn Độ áp vào hàng hóa Mỹ, đặc biệt là xe mô tô phân phối lớn của hãng Harley-Davidson. Tháng trước, ông phàn nàn về việc Ấn Độ áp thuế nhập khẩu lên đến 150% đối với rượu whishky của Mỹ.

Ông nói trong một sự kiện ở Nhà Trắng: “Ấn Độ là nước áp thuế nhập khẩu rất cao. Nước này áp rất nhiều thuế đối với chúng ta”.

Chính quyền Mỹ giờ đây có lẽ đang chuẩn bị gây sức ép thương mại đối với Ấn Độ. Các quan chức Mỹ đang cân nhắc loại bỏ Ấn Độ khỏi Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), vốn cho phép nước này xuất khẩu 2.000 mặt hàng như nữ trang, linh kiện ô tô, động cơ điện trị giá 5,6 tỉ đô la/năm sang Mỹ với mức thuế 0%.

Chương trình GSP giúp 121 nền kinh tế đang phát triển trên thế giới dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng Mỹ. Theo dữ liệu của chính phủ Mỹ, Ấn Độ là nước được hưởng lợi lớn nhất trong chương trình này vào năm 2017.

Năm ngoái, Washington thông báo sẽ đánh giá lại chương trình GSP dành cho Ấn Độ sau khi nhận được các khiếu nại của các nông dân nuôi bò sữa và các nhà sản xuất thiết bị y tế Mỹ nói rằng các mức thuế nhập khẩu cao của Ấn Độ gây tổn thương cho hoạt động xuất khẩu của họ.

Một trong những mục tiêu của Tổng thống Donald Trump là cắt giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với các đối tác thương mại lớn. Năm ngoái, Ấn Độ xuất khẩu hàng hóa trị giá hơn 50 tỉ đô la sang Mỹ và nhập khẩu hàng hóa Mỹ với trị giá khoảng 30 tỉ đô la. Trong khi đó, Thủ tướng Narendra Modi đang nỗ lực thu hút thêm các nhà sản xuất nước ngoài đến Ấn Độ.

Bất kỳ động thái của Mỹ nhằm hạn chế hàng hóa Ấn Độ tiếp cận thị trường Mỹ có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài e dè đầu tư vào Ấn Độ.

Nếu Mỹ loại bỏ chương trình GSP dành cho Ấn Độ, sức hấp dẫn của Ấn Độ như là một trung tâm sản xuất của thế giới sẽ suy giảm. Jason Yek, nhà phân tích ở công ty nghiên cứu Fitch Solutions nhận định: “Động thái này có thể gây khó khăn cho dòng chảy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Ấn Độ trong những năm tới”.

Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ từ chối bình luận về kế hoạch loại bỏ Ấn Độ khỏi chương trình GSP.

Rajat Kathuria, Giám đốc Hội đồng nghiên cứu quan hệ kinh tế quốc tế, một tổ chức tư vấn ở Ấn Độ, nói: “Tôi cho rằng kế hoạch này có thể hiểu như là một phần của chiến lược đàm phán của Mỹ. Bạn cần gây áp lực trước khi tiến vào các cuộc đàm phán thực sự”.

Ông Kathuria cho rằng chính phủ Mỹ có thể cơ sở để gạt Ấn Độ khỏi chương trình GSP vì nước này giờ đây đang là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

“Chúng tôi đã phát triển vượt qua ngưỡng nền kinh tế đang phát triển vốn là điều kiện để chúng tôi tiếp cận chương trình đó. Tôi nghĩ đã có những dấu hiệu cho thấy chúng tôi không đủ điều kiện để được hưởng chương trình đó nữa”.

Chương trình GSP không là nguồn cơn duy nhất dẫn đến căng thẳng thương mại Mỹ-Ấn Độ. Ấn Độ là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề trước quyết định nâng mức áp thuế nhập khẩu với các mặt hàng thép và nhôm lần lượt lên 25% và 10% của Mỹ vào năm ngoái.

Ấn Độ đã tuyên bố các mức thuế đáp trả vào 240 triệu đô la hàng hóa Mỹ bán sang Ấn Độ mỗi năm nhưng vẫn chưa thực hiện.

Amazon và Walmart cảm nhận sức ép

Căng thẳng thương mại Mỹ-Ấn càng gia tăng sau khi vào hồi đầu tháng này, Ấn Độ chính thức áp dụng các quy định cấm các nền tảng thương mại điện tử thuộc sở hữu nước ngoài tại Ấn Độ (chẳng hạn như Amazon India của Amazon, hay Flipkart của Walmart ) cấm bán các nhãn hàng riêng, các sản phẩm của các công ty liên kết hoặc độc quyền bán hàng của bất cứ công ty nào. Ngoài ra, các nền tảng này còn bị cấm tung ra các chương trình giảm giá đặc biệt hoặc dành ưu đãi cho bất kỳ nhà cung cấp nào.

Các hạn chế áp đặt cho Amazon và Walmart có thể là một điểm xung đột lớn nữa trong các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước.

New Delhi áp dụng các quy định trên với mục đích ngăn chặn các ông lớn bán lẻ toàn cầu như Amazon và Walmart sử dụng tiềm lực tài chính dồi dào và quy mô kinh doanh khổng lồ để giảm giá bán ở Ấn Độ, loại bỏ sự cạnh tranh của các đối thủ địa phương.

Amazon đã cam kết đầu tư hơn 5 tỉ đô la vào Amazon India, trong khi đó, Walmart đã bỏ ra 16 tỉ đô la vào năm ngoái để nắm quyền kiểm soát Flipkart, công ty thương mại điện tử lớn nhất Ấn Độ. Cả hai công ty đề xuất cho họ thêm thời gian để tuân thủ các quy định mới về thương mại điện tử nhưng chính phủ Ấn Độ không chấp nhận vì đang chịu sức ép lớn của các công ty bán lẻ trong nước.

Các tổ chức thúc đẩy hợp tác thương mại Mỹ-Ấn đã kịch liệt chỉ trích các quy định hạn chế thương mại điện tử. Diễn đàn Đối tác chiến lược Mỹ-Ấn gọi các quy định này là bước đi thụt lùi, gây ảnh hưởng tiêu cực cho sự tăng trưởng bán lẻ trực tuyến ở Ấn Độ.

Chính phủ Ấn Độ còn lên kế hoạch yêu cầu các công ty như Facebook và Google phải lưu trữ dữ liệu người dùng Ấn Độ tại nước này.

Dù căng thẳng giữa New Delhi và Washington tiếp tục dâng cao, Mỹ có thể ngại khơi mào một cuộc chiến thương mại khác khi đang chật vật giải quyết cuộc xung đột thương mại với Bắc Kinh.

Ông Kathuria nói: “Tôi không cho rằng Mỹ sẽ leo thang tình hình đến cao trào như đã làm với Trung Quốc vì Mỹ cần Ấn Độ với vai trò là một đồng minh và đối tác”.

Song với Tổng thống Donald Trump, điều gì cũng có thể xảy ra. Ông đã buộc Canada và Mexico, hai nước đồng minh và láng giềng thân cận phải tái đàm phán Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Ông cũng đang gây sức ép để buộc Liên minh châu Âu (EU) giảm thuế đối với hàng hóa Mỹ bằng cách đe dọa áp thuế nhập khẩu 25% nhằm vào ô tô và linh kiện ô tô nhập khẩu từ châu Âu.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới