Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mỹ: Các định chế tài chính sẽ bị kiểm soát chặt hơn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mỹ: Các định chế tài chính sẽ bị kiểm soát chặt hơn

Thái Bình

Thượng nghị sĩ Chris Dodd và các đồng viện đảng Dân chủ hoan hỉ sau khi phê chuẩn dự luật cải cách tài chính. Ảnh Getty Image

(TBKTSG Online) – Thượng viện Hoa Kỳ sáng nay (thứ Sáu 21-5) đã phê chuẩn dự luật cải cách tài chính, chấm dứt nhiều tháng tranh cãi ầm ĩ về một cuộc cải cách sâu rộng các quy định điều hành thị trường tài chính lớn nhất thế giới kể từ cuộc đại khủng hoảng năm 1930.

Kết quả bỏ phiếu với 59 phiếu thuận và 39 phiếu chống được coi là một thắng lợi của Tổng thống Barack Obama, người ủng hộ việc siết chặt các luật lệ điều hành ngân hàng và thị trường vốn sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2009 làm điêu đứng cả nền kinh tế và tiêu tốn hàng ngàn tỉ đô la cứu nguy của người đóng thuế.

Ngăn chặn khủng hoảng tài chính?

Theo hãng tin Reuters, dự luật mới, mang ký hiệu HR 4173, sẽ kiềm chế ngành ngân hàng và làm giảm lợi nhuận của nó trong nhiều năm sắp tới. Theo hãng tin AP, đạo luật cải cách sẽ đụng chạm đến tất cả các nhà lãnh đạo thị trường Wall Street, những người mua nhà lần đầu, những thương nhân nhiều tham vọng và cả các ngân hàng nhỏ ở nông thôn. Còn theo Tổng thống Obama, đạo luật sẽ gia tăng trách nhiệm của các định chế tài chính nhưng không làm tê liệt thị trường tự do. “Trong năm qua, ngành tài chính đã nhiều lần cố ngăn cản cuộc cải cách này bằng cách tung ra những đoàn vận động hành lang và chi hàng triệu đô la cho quảng cáo. Khi không thể ngăn chặn được dự luật, họ đã cố làm cho nó giảm bớt sức mạnh. Nhưng hôm nay, tôi nghĩ rằng, có thể nói những nỗ lực đó đã thất bại”, ông Obama nói.

Mục tiêu của dự luật cải cách là ngăn ngừa sự tái diễn tình trạng gần sụp đổ các ngân hàng đầu tư cỡ lớn ở Wall Street dẫn tới những biện pháp cứu nguy tốn kém.

Đạo luật đề ra những cách thức mới để giám sát rủi ro trong hệ thống tài chính, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc đóng cửa các công ty tài chính lớn bị thua lỗ; đề ra những luật lệ mới cho việc kinh doanh các sản phẩm chứng khoán phái sinh phức tạp – đầu mối gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế 2008, và thành lập một cơ quan mới bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Đạo luật cũng áp đặt những hạn chế mới lên các ngân hàng lớn nhất, có liên hệ chặt chẽ với nhau, đòi hỏi ngân hàng khi cho vay phải có chứng cớ cho thấy người vay có khả năng thanh toán; nghĩa là người vay tiền phải chứng minh mình có thu nhập ổn định và đủ để thanh toán lãi và vốn vay hàng tháng.

Điểm gây nhiều tranh cãi nhất của dự luật là việc buộc các ngân hàng đầu tư phải tách bộ phận kinh doanh sản phẩm phái sinh CDO và CDS thành những công ty riêng. Điều đó có nghĩa là các ngân hàng đầu tư sẽ không chỉ không được phép đặt cược vào các công cụ phái sinh của mình mà còn không được tạo lập thị trường phái sinh cho khách hàng. Tuy nhiên một số quan chức chính quyền và cơ quan điều hành ngân hàng lo ngại rằng điều khoản này sẽ đẩy các sản phẩm phái sinh ra thị trường tự do không được kiểm soát. Dự kiến, điều khoản này có thể thay đổi hoặc hủy bỏ khi kết hợp với dự luật của Hạ viện.

“Mục đích của chúng tôi không phải là trừng phạt các ngân hàng mà để bảo vệ nền kinh tế và người dân Mỹ khỏi những rối loạn mà chúng ta đã chứng kiến trong vài năm qua”, Tổng thống Obama nói.

Các ngân hàng lớn như JP Morgan Chase, Bank of America và Goldman Sachs dự báo sẽ bị tác động mạnh của dự luật mới.

Bất đồng vẫn kéo dài

Các nghị sĩ đảng Dân chủ, đồng đội của ông Obama, ca ngợi dự luật mới là sự phản ứng có hiệu quả đối với tình trạng lạm dụng trên thị trường tài chính, sự yếu kém trong điều hành và phán đoán sai lầm của người tiêu dùng – những yếu tố đã đẩy nước Mỹ vào cuộc suy thoái kinh tế. Lãnh đạo phe đa số trong Thượng viện, thượng nghị sĩ Harry Reid, nhấn mạnh: “Với Wall Street, dự luật mới nói rằng: Các người không còn có thể liều lĩnh đánh bạc bằng tiền của nhân dân. Thời đại các doanh nghiệp ‘quá lớn đến mức không thể sụp đổ’ (too big to fail) đã là dĩ vãng. Trò chơi đã kết thúc”.

Tuy nhiên, theo các nghị sĩ của đảng Cộng hòa – những người bỏ phiếu chống lại việc phê chuẩn dự luật cải cách này – dự luật mới gia tăng quyền hạn của chính phủ đối với hoạt động của các công ty tài chính tư nhân. Điều đó có nghĩa là vi phạm nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường và sẽ gây ra những hệ quả không mong muốn. Thượng nghị sĩ Judd Gregg (Cộng hòa) nhận định, dự luật của Thượng viện Mỹ “đặt ra những lớp quy định mới chồng lên những lớp quy định cũ và không cần thiết đối với các định chế tài chính chắc chắn sẽ gây cản trở cho việc tiếp cận tín dụng của các gia đình và doanh nghiệp Mỹ”. Nghị sĩ Richard Shelby (Cộng hòa), cho rằng quyết định của Thượng viện Mỹ hôm nay sẽ tác động đến cuộc sống của người Mỹ trong nhiều thập niên sắp tới. “Sự phán xét phải do thị trường đưa ra. Và thị trường không khen ngợi những ý định tốt lành”, ông Shelby nói.

Trong khi đó, ông Tim Ryan, chủ tịch Hiệp hội công nghiệp chứng khoán và thị trường tài chính, nói rằng các nhóm vận động hành lang phản đối dự luật mà Thượng viện vừa phê chuẩn và sẽ tiếp tục làm việc với các nhà lập pháp để ngăn cản nó.

Kết hợp

Dự luật cải cách vừa được Thượng viện phê chuẩn còn phải được kết hợp với một dự luật tương tự đã được Hạ viện Mỹ thông qua hồi tháng 12 năm ngoái rồi văn bản cuối cùng sẽ được trình lên Tổng thống Barack Obama ký ban hành thành luật chính thức. Thượng nghị sĩ Christopher Dodd, chủ tịch Ủy ban Ngân hàng Thượng viện, dự kiến văn bản cuối cùng – kết hợp cả dự luật của Thượng viện và Hạ viện, sẽ được đưa ra biểu quyết tại Thượng viện vào ngày quốc khánh Mỹ, 4-7, năm nay.

Trong khi đó, ngày hôm qua thị trường chứng khoán Mỹ đã có một phiên mất điểm nặng nề. Hôm qua thứ Năm, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 3,6%, một phần do nhà đầu tư lo ngại cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu sẽ cản trở đà phục hồi kinh tế toàn cầu, một phần do sự bất trắc chung quanh dự luật cải cách tài chính của Mỹ. Dân biểu Barney Frank, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Hạ viện Mỹ, thúc giục các nhà làm luật Mỹ phải nhanh chóng kết thúc việc thương thảo và kết hợp để dự luật HR 4173 được ban hành thành luật càng sớm càng tốt để lấy lại niềm tin của thị trường và nhà âầu tư.

(theo AP, Reuters)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới