Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mỹ cảnh báo cá da trơn Việt Nam nhiễm chất cấm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mỹ cảnh báo cá da trơn Việt Nam nhiễm chất cấm

Trung Chánh

Mỹ cảnh báo cá da trơn Việt Nam nhiễm chất cấm
Mỹ cảnh báo cá da trơn của hai doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào quốc gia này nhiễm hóa chất, kháng sinh cấm. Trong ảnh là nhân công chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp (ảnh minh họa).  Ảnh: TL TBKTSG

(TBKTSG Online) – Chỉ sau một thời gian ngắn áp dụng kiểm tra chính thức các lô hàng cá da trơn thuộc họ Siluriformes, trong đó cá tra, basa Việt Nam (từ ngày 15-4-2016) xuất khẩu vào Mỹ nằm trong chương trình thanh tra cá da trơn của quốc gia này, Cơ quan kiểm tra và an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã cảnh báo sản phẩm của hai doanh nghiệp Việt Nam vì nhiễm hóa chất, kháng sinh cấm, theo Cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad).

Cụ thể, thông tin được Nafiqad công bố vào chiều hôm qua, 30-5, cho biết FSIS đã gửi thông báo cảnh báo cho đơn vị này do phát hiện một số lô hàng cá da trơn thuộc họ Siluriformes của Công ty TNHH Tân Thành Lợi và Công ty cổ phần Nam Sông Hậu bị phát hiện nhiễm hóa chất, kháng sinh cấm.

Như vậy, những lô hàng bị Mỹ cảnh báo chẳng những bị sẽ trả về, mà điều này còn có nguy cơ sẽ ảnh hưởng đến kết quả FSIS đánh giá tương đương trong thời gian chuyển tiếp 18 tháng (từ 1-3-2016 đến 31-8-2017) khi phía Việt Nam làm hồ sơ để FSIS công nhận tương đương.

Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, liên quan đến vấn đề nêu trên, trước đó Nafiqad cũng đã yêu cầu các nhà máy có tên trong danh sách được phép xuất khẩu vào Mỹ (hiện có 45 nhà máy) chủ động rà soát hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm, đảm bảo sản phẩm chế biến xuất khẩu vào Mỹ đáp ứng được các quy định của thị trường này về hóa chất kháng sinh, kim loại nặng, thuốc trừ sâu, vi sinh vật, cũng như việc ghi nhãn (tên thương mại, khối lượng tịnh)… để tránh bị cảnh báo, gây khó khăn cho việc công nhận tương đương.

Đứng trước việc hai doanh nghiệp Việt Nam bị cảnh báo, FSIS đã yêu cầu Nafiqad chậm nhất đến ngày 17-6-2016, phải gửi thông báo cho đơn vị này biết nguyên nhân các lô hàng bị nhiễm hóa chất, kháng sinh cấm và các biện pháp khắc phục của doanh nghiệp có lô hàng bị cảnh báo.

Mặt khác, Nafiqad phải thông tin cho FSIS biết về các lô hàng cá da trơn thuộc họ Siluriformes được sản xuất bởi doanh nghiệp vi phạm trước khi nhận được cảnh báo như nêu trên; thông tin về các lô hàng cá da trơn họ Siluriformes của các doanh nghiệp khác (chưa bị cảnh báo nhưng nằm trong danh sách đủ điều kiện xuất khẩu vào Mỹ) được sản xuất từ nguyên liệu có nguồn gốc từ cơ sở nuôi vi phạm.

Bên cạnh đó, phải thông báo cho FSIS biết biện pháp kiểm soát của Nafiqad đã thiết lập và thực hiện sau khi điều tra được nguyên nhân các lô hàng bị cảnh báo.

Ngoài ra, phía Việt Nam phải bảo đảm các lô hàng cá da trơn họ Siluriformes được sản xuất từ nguyên liệu có nguồn gốc từ cơ sở nuôi vi phạm không được xuất khẩu vào Mỹ cho đến khi các biện pháp khắc phục được cho là phù hợp.

Riêng đối với doanh nghiệp bị cảnh báo, FSIS sẽ lấy mẫu kiểm nghiệm chỉ tiêu vị phạm và/hoặc các chỉ tiêu khác đối với từng lô hàng cá da trơn họ Siluriformes tiếp theo được sản xuất bởi doanh nghiệp đó cho đến khi các biện pháp khắc phục được cho là phù hợp và kết quả lấy mẫu kiểm nghiệm tăng cường, thẩm tra của FSIS phải đạt yêu cầu. Các chi phí kiểm tra sẽ do nhà nhập khẩu chi trả, đồng thời FSIS yêu cầu nhà nhập khẩu giữ lô hàng còn nguyên vẹn cho đến khi có kết quả được thẩm tra bởi FSIS.

Trên cơ sở yêu cầu của FSIS, Nafiqad cũng đã yêu cầu hai doanh nghiệp bị cảnh báo thống kê lô hàng cá da trơn họ Siluriformes đã được chế biến từ ngày 15-4-2016 (ngày FSIS chính thức kiểm tra) đến nay; khẩn trương truy xuất cơ sở đã cung cấp nguyên liệu, điều tra nguyên nhân lô hàng bị cảnh báo không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Hai doanh nghiệp này cũng phải thiết lập và thực hiện các biện pháp khắc phục phù hợp; các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá da trơn họ Siluriformes vào Mỹ phải thực hiện kiểm soát chặt chẽ nguồn cung cấp nguyên liệu và điều kiện an toàn thực phẩm trong toàn bộ các công đoạn sản xuất, đặc biệt là các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm…
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới