Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mỹ hủy niêm yết cổ phiếu của ba tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mỹ hủy niêm yết cổ phiếu của ba tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc

Khánh Lan

(TBKTSG Onlne) – Trong một thông báo đưa ra vào cuối ngày 31-12, Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) cho biết sẽ dừng giao dịch cổ phiếu của ba tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc gồm China Mobile, China Telecom, China Unicom vào ngày 7 hoặc 11-1 tới.

Thông báo giải thích quyết định này được đưa ra để tuân thủ sắc lệnh hành pháp mà Tổng thống Donald Trump ký vào tháng ngày 12-11, ra lệnh cấm công dân và doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào các công ty Trung Quốc mà Mỹ cho là đang hỗ trợ các cơ quan quân đội, tình báo và an ninh Trung Quốc.

Mỹ hủy niêm yết cổ phiếu của ba tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc
Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) sẽ dừng giao dịch cổ phiếu của ba tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc gồm China Mobile, China Telecom, China Unicom vào ngày 7 hoặc 11-1 tới. Ảnh: Edigest

Thông báo cũng cho biết sẽ dừng giao dịch các quỹ đóng (closed end funds) và các sản phẩm giao dịch hoán đổi (ETP) trên sàn NYSE Arca nếu chúng có bao gồm các cổ phiếu của China Mobile, China Telecom, China Unicom.
Các quỹ đầu tư ở Mỹ như Renaissance Technologies, Dimensional Fund Advisors và Two Sigma Investments từng là những cổ đông lớn của China Mobile, China Telecom, China Unicom nhưng tính đến cuối tháng 9, lượng cổ phần họ nắm giữ ở ba tập đoàn này còn rất ít.

Cả ba tập đoàn viễn thông Trung Quốc nói trên đều có niêm yết cổ phiếu riêng lẻ trên sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông. Tất cả doanh thu của họ đều đến từ thị trường Trung Quốc và sự hiện diện của họ ở Mỹ không có nhiều ý nghĩa ngoại trừ mục đích niêm yết. Lượng cổ phiếu của họ giao dịch hàng ngày của họ ở NYSE cũng rất mỏng. Do vậy, động thái hủy niêm yết của NYSE phần lớn chỉ mang tính biểu tượng giữa lúc căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc đang dâng cao.

Sau khi Tổng thống Trump ký sắc lệnh cấm các nhà đầu tư Mỹ mua bán cổ phiếu của các công ty Trung Quốc có mối quan hệ với quân đội của nước này theo danh sách liệt kê của Bộ Quốc phòng Mỹ hồi tháng 11, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố chỉ trích và khẳng định sẽ bảo vệ các công ty Trung Quốc.

Sắc lệnh này là một phần của một nỗ lực rộng lớn hơn của giới chức trách Mỹ nhằm làm suy yếu các mối liên kết kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc bao gồm sự tiếp cận của Trung Quốc đối với nguồn vốn ở Phố Wall. Hôm 19-12, Tổng thống Trump đã ký thông qua đạo luật cho phép hủy niêm yết cổ phiếu cua các công ty Trung Quốc khỏi các sàn chứng khoán Mỹ nếu họ không tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán của Mỹ.

Hồi tháng 5, Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FCC) ra lệnh cấm China Mobile hoạt động ở Mỹ. Tháng trước, FCC ra lệnh các hãng viễn thông trong nước tháo gỡ các thiết bị do Huawei sản xuất đồng thời xem xét liệu có nên cho phép China Telecom tiếp tục hoạt động kinh daonh ở Mỹ hay không. Hồi tháng 6, đơn vị kinh doanh của China Telecom ở Mỹ cho biết công ty này là một thực thể độc lập ở Mỹ và không chịu sự kiểm soát của chính phủ Trung Quốc.

China Mobile, China Telecom và China Unicom đang thống lĩnh thị trường viễn thông Trung Quốc. Cả ba tập đoàn này đều là doanh nghiệp nhà nước và nằm dưới sự quản lý của Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản nhà nước Trung Quốc (SASAC). Họ là ba công ty viễn thông duy nhất ở Trung Quốc được phép cung cấp dịch vụ viễn thông băng thông rộng.

China Mobile là tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc, có vốn hóa thị trường khoảng 116 tỉ đô la Mỹ. Năm ngoái, China Mobile đạt mức doanh 107 tỉ đô la. Công ty này niêm yết ở NYSE sau khi tiến hành thương vụ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng với trị giá 4,2 tỉ đô la Mỹ vào năm 1997.

China Telecom niêm yết ở NYSE kể từ năm 2002 và đang có vốn hóa thị trường 22,5 tỉ đô la. Trong khi đó, China Unicom niêm yết ở Mỹ kể từ năm 2000 và vốn hóa thị trường của công ty này đang ở mức khoảng 18 tỉ đô la.
Bắc Kinh cho phép các doanh nghiệp nhà nước như China Mobile, China Telecom, China Unicom niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ với mục đích huy động vốn, nâng cao sức cạnh tranh, chú trọng đến lợi nhuận để đáp ứng sự kỳ vọng của giới đầu tư.

Nhưng hiện nay, nhu cầu tìm kiếm vốn và kiến thức chuyên môn từ Phố Wall của các công ty Trung Quốc đã suy giảm. Hai giao dịch chứng khoán tại Thượng Hải và Hồng Kông nằm trong số những sàn chứng khoán lớn nhất thế giới, nhờ vậy, doanh nghiệp Trung Quốc vẫn có thể dễ dàng huy động vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Bloomberg, New York Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới