Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mỹ: kinh doanh trực tuyến sẽ đối mặt với nỗi lo về thuế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mỹ: kinh doanh trực tuyến sẽ đối mặt với nỗi lo về thuế

Ngọc Ánh

(TBKTSG Online) – Tòa án Tối cao Mỹ đã ra phán quyết rằng các bang của Mỹ có quyền đánh thuế hoạt động bán hàng hóa và dịch vụ trực tuyến, qua đó đảo ngược quyết định của chính cơ quan này 25 năm về trước vào thời kỳ “bình minh” của kỷ nguyên Internet, theo thông tin từ The New York Times.

Phán quyết nói trên, bắt nguồn từ vụ việc tiểu bang South Dakota kiện các công ty thương mại điện tử Wayfair, Overstock và Newegg, được đưa ra hôm 21-6 thông qua tỷ lệ chấp thuận sát sao, với 5 thẩm phán đồng ý và 4 thẩm phán phản đối. Với phán quyết này, Tòa án Tối cao Mỹ đã hủy bỏ phán quyết năm 1992, rằng một bang chỉ có thể đánh thuế hoạt động bán hàng của một doanh nghiệp có cửa hàng truyền thống tại bang đó.

Luật của bang South Dakota, được ban hành năm 2006, yêu cầu các công ty thương mại điện tử lớn nằm ngoài bang phỉa nộp thuế bán hàng, nếu tổng giá trị các đơn hàng lớn hơn 100.000 đô la Mỹ hoặc khi có đủ 200 giao dịch bán lẻ. Đã có 45/50 tiểu bang ở Mỹ thu thuế doanh thu và dự kiến còn có thêm những vụ kiện tương tự như South Dakota đã làm. Báo cáo liên bang cho biết quy định mới giúp ngân sách bang South Dakota có thêm 13 tỉ đô la Mỹ mỗi năm.

Phán quyết nói trên có thể có tác động mạnh đối với lĩnh vực bán lẻ ở cả hai phương thức truyền thống và trực tuyến, cũng như cho phép các bang có thể tăng ngân sách công bằng doanh thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử. Các nhà phân tích cho rằng nó có thể khiến người mua hàng phải trả nhiều tiền hơn khi mua sắm trực tuyến.

Quy định mới cũng đặt dấu chấm hết cho hệ thống luật “bóp méo thị trường tự do và đặt các cửa hàng bán lẻ truyền thống vào thế bất lợi khi cạnh tranh với các đối thủ trực tuyến”, cố vấn của Hiệp hội các Lãnh đạo Bán lẻ, Deborah White nói, bà giải thích thêm các công ty thương mại điện tử hiện không thu thuế trên các đơn hàng, nên họ có lợi thế lớn so với những người bán hàng truyền thống.

Ở một góc nhìn khác, luật sư Chris Cox của Hiệp hội Thương mại Điện tử NetChoice, nhận định rằng các doanh nghiệp trực tuyến nhỏ sẽ chịu thua thiệt, do phải chịu chi phí cao hơn. Chuyên gia Neil Saunders của công ty nghiên cứu GlobalData ước tính chi phí mà người tiêu dùng phải chịu lên đến khoảng 15,2 tỉ đô la/năm, đồng thời dự đoán phán quyết nói trên sẽ gây tổn hại cho các công ty nhỏ chỉ bán hàng trực tuyến.

Trước mắt, quyết định này “khuấy đảo” ngành mua sắm trực tuyến, khiến cổ phiếu của các nhà bán lẻ trực tuyến như Amazon, eBay, Etsy và các công ty thương mại điện tử khác “đổ dốc” trong phiên giao dịch ngày 21-6.

Trên thực tế, khi làn sóng thương mại điện tử nổi lên mạnh mẽ, các trung tâm thương mại và các cửa hàng bán lẻ lớn ở Mỹ đã phải sa thải hàng ngàn nhân viên và đang phải vật lộn để duy trì hoạt động, bởi người tiêu dùng có xu hướng ưa chuộng việc mua hàng trực tuyến và giao hàng tận nhà hơn.

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới