Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mỹ mua thêm 500 triệu liều vaccine Covid-19 để tặng cho thế giới

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden sắp đạt được thỏa thuận  mua thêm 500 triệu liều vaccine Covid-19 của hãng dược Pfizer, qua đó, tăng lượng vaccine mà Mỹ cam kết tặng cho các nước nghèo lên con số 1,15 tỉ liều, tương đương 10% nhu cầu vaccine của thế giới, hãng Bloomberg dẫn một nguồn tin cho hay.

Lô hàng 880.460 liều vaccine Moderna được chuyển đến sân bay Jomo Kenyatta ở thủ đô Naoirobi, Kenya hồi tháng 8. Đây là lô vaccine đầu tiên trong tổng số 1,76 triệu liều vacdine Moderna mà Mỹ tặng cho Kenya thông qua cơ chế phân phối vaccine công bằng COVAX. Ảnh: AP

Thỏa thuận dự kiến ​​sẽ được công bố trong những ngày tới, trước thềm hội nghị thượng đỉnh quốc tế về đại dịch Covid-19 mà ông Biden sẽ chủ trì bên lề kỳ họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York (Mỹ). Đây sẽ là cuộc tập họp nguyên thủ quốc gia đông đảo nhất để bàn thảo cách ứng phó cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19. Các hãng dược, các nhà từ thiện và các tổ chức phi chính phủ cũng được mời tham dự.

Một văn kiện dự thảo gửi cho khách mời dự hội nghị hồi đầu tuần này kêu gọi đến tháng 9 năm sau, phải hoàn thành mục tiêu tiêm vaccine Covid-19 cho 70% dân số thế giới. Các chuyên gia ước tính cần 11 tỉ liều vaccine để phục vụ mục tiêu đó. Cho đến nay, chỉ mới 20% dân số ở các nước thu nhập thấp và trung bình tiêm ít nhất 1 mũi vaccine Covid-19.

Các nhà vận động sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu cho biết hiện nay số vaccine mà các nước giàu cam kết tặng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của thế giới. Họ muốn chính quyền ông Biden phải hỗ trợ xây dựng các trung tâm sản xuất vaccine ở nhiều nước khác và thúc ép các nhà sản xuất vaccine chia sẻ công nghệ giống như một chương trình trước đây mà cựu Tổng thống George W. Bush thiết kế để chống dịch bệnh AIDS toàn cầu.

Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, cho rằng việc xây dựng nhà máy sản xuất vaccine ở nước ngoài có thể là một bước đi hợp lý để ứng phó các đại dịch trong tương lai nhưng không thể diễn ra nhanh chóng để giúp dập tắt đại dịch Covid-19.

Ông Biden sẽ sử dụng hội nghị thượng đỉnh về Covid-19 để thuyết phục các nước giàu khác tập trung cung cấp vaccine cho các nước nghèo đang phụ thuộc vào nguồn vaccine cứu trợ. Các quan chức Nhà Trắng cho biết thông điệp mà Tổng thống Biden muốn gửi đến các nước khác là Mỹ không thể và không nên hành động đơn độc và các nước giàu khác phải tôn trọng các cam kết hiến tặng vaccine của họ.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã kêu gọi các lãnh đạo thế giới khoan triển khai tiêm mũi tăng cường cho người dân trong nước để ưu tiên mục tiêu tiêm chủng cho 40% dân số thế giới vào cuối năm nay. Hồi đầu tuần này, Tiến sĩ Kate O’Brien, Giám đốc chương trình vaccine của WHO, lưu ý một số nước giàu đã triển khai chương trình tiêm mũi tăng cường khi chưa có bằng chứng khoa học ủng hộ cho việc này, trong khi, nhiều nước khác thậm chí chưa tiêm vaccine đầy đủ cho nhân viên y tế và các nhóm rủi ro cao

Jeff Zient, điều phối viên ứng phó Covid-19 của Nhà Trắng nói rằng việc làm thế nào để hỗ trợ 100 nước đang cần vaccine nhất sẽ là chủ đề thảo luận lớn tại hội nghị thượng đỉnh quốc tế về Covid-19. Ông nói: “Tổng thống đã nói rõ rằng chúng tôi sẽ hành động ngày càng quyết liệt nữa để giúp dẫn dắt chiến dịch tiêm chủng trên thế giới”.

Các quan chức khác của Nhà Trắng nói rằng ông Biden muốn củng cố sự đồng thuận về khung hành động chung của thế giới, bao gồm các mục tiêu tiêm chủng cụ thể cho người dân thế giới.

Trong khi các khoản quyên góp vaccine là một cử chỉ ngoại giao quan trọng của Mỹ, việc hỗ trợ tiêm chủng rộng rãi cho dân số toàn cầu cũng sẽ giúp giảm nguy cơ virus SARS-CoV-2 đột biến thêm nữa và có thể vô hiệu hóa tác dụng của các vaccine đang bảo vệ người Mỹ.

Một khoản quyên góp lớn cũng sẽ giúp xoa dịu những lời chỉ trích cho rằng Mỹ tích trữ vaccine để tiêm mũi tăng cường cho người dân của nước này giữa lúc các nước nghèo trên thế giới đang mòn mỏi chờ được phân phối vaccine.

Trong những ngày tới. Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) sẽ đưa ra quyết định về việc có nên triển khai chương trình tiêm tăng cường hay không  sau khi một ủy ban tư vấn khoa học khuyến nghị FDA cấp phép tiêm mũi vaccine thứ 3 cho những người từ 65 tuổi trở lên và những người thuộc nhóm rủi ro nhiễm bệnh cao.

Theo Boomberg, New York Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới