Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mỹ muốn tăng xuất khẩu gỗ cứng cho Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mỹ muốn tăng xuất khẩu gỗ cứng cho Việt Nam

Giám đốc điều hành AHEC Michael S. Snow trình bày những nguy cơ mà các nhà sản xuất đồ gỗ phải gành chịu khi sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu khai thác bất hợp pháp – Ảnh: KL 

(TBKTSG Online) – Hội đồng Xuất khẩu Gỗ cứng Hoa Kỳ (AHEC) không hề che dấu ý định nâng kim ngạch xuất khẩu gỗ nguyên liệu cho Việt Nam lên gấp nhiều lần so với hiện nay – khoảng 100 triệu đô la/năm, khi chọn TPHCM để tổ chức hội nghị lần thứ 13 ở khu vực Trung Quốc và Đông Nam Á.

Với sự tham gia của 30 công ty Mỹ chuyên xuất khẩu gỗ cứng và hàng trăm đối tác tiềm năng đến từ các nước châu Á, hội nghị diễn ra sáng ngày 19-6 tại khách sạn Sheraton Saigon được xem như là một cơ hội tốt để AHEC trình bày chủ đề “Gỗ cứng Hoa Kỳ – Nguồn tài nguyên bền vững và ổn định cho sản xuất và thiết kế”.

Trong buổi họp báo sáng thứ Tư (18-6), hai bài phát biểu của chủ tịch AHEC Peter King và Giám đốc điều hành Michael S. Snow đều được giới báo chí đánh giá cao, đặc biệt là những thông tin liên quan đến nguồn gỗ cứng từ Mỹ và các chính sách nhập khẩu sắp được các doanh nghiệp của Mỹ, EU, Nhật Bản thông qua, cụ thể là việc tẩy chay những sản phẩm làm từ gỗ khai thác bất hợp pháp.

Ông Peter King cho biết, AHEC hiện đại diện cho 90% ngành công nghiệp gỗ cứng của Hoa Kỳ. “Thành viên của chúng tôi bao gồm 111 công ty, 12 hiệp hội xuất khẩu, 8 liên hiệp và 4 nhà bảo trợ”, ông King cho biết.

Theo những số liệu thống kê của AHEC mà ông King đưa ra thì trong năm vừa qua, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ cứng của Mỹ đã vượt mức 3 tỉ đô la, trong đó giá trị của gỗ cây và gỗ khoanh sơ chế chiếm chưa tới 700 triệu đô la Mỹ.

“Việt Nam là thị trường quan trọng nhất của chúng tôi ở khu vực Đông Nam Á. Năm qua, Việt Nam đã nhập khẩu từ Mỹ 96 triệu đô la gỗ nguyên liệu, trong đó nhiều nhất là gỗ xẻ (lumber) – 65 triệu đô la, kế đó là gỗ cây (log) – 27 triệu đô la, phần còn lại chủ yếu là gỗ dán (veneer),” John Chan, giám đốc khu vực Đông Nam Á của AHEC, cho biết.

Về phía ông Snow, ngoài việc giới thiệu những ưu điểm của ngành lâm nghiệp Hoa Kỳ và phẩm chất của các loại gỗ cứng như sồi (oak), tulip, thích (maple)… ông xoáy khá nhiều vào tính hợp pháp của gỗ và những chính sách mà các nước tiên tiến đang và sẽ áp dụng khi nhập khẩu đồ gỗ.

Theo ông Snow thì nhằm bảo vệ môi trường sinh thái và “uy tín, quyền lợi của các nhà khai thác hợp pháp”, sắp tới Hoa Kỳ sẽ thông qua đạo luật “chống khai thác gỗ lậu”, bổ sung cho đạo luật Lacey đã áp dụng lâu nay.

Liên minh Châu Âu (EU) và Nhật Bản cũng chuẩn bị một “chính sách xanh” áp dụng cho việc mua sắm, nhập khẩu đồ gỗ. Khi đó, chỉ có những sản phẩm đáp ứng được những điều kiện bắt buộc về tem nhãn, chứng chỉ… mới được phép nhập vào các thị trường “khó tính” này.

KINH LUÂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới