Chủ Nhật, 11/06/2023, 06:34
26 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Mỹ nhập hơn 10 tỉ đô la hàng dệt may Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mỹ nhập hơn 10 tỉ đô la hàng dệt may Việt Nam

Hùng Lê

(TBKTSG Online) – Kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng dệt may đang tăng trưởng ổn định trong 10 tháng đầu năm, và thị trường Mỹ tiếp tục dẫn đầu với gần 50% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.

Mỹ nhập hơn 10 tỉ đô la hàng dệt may Việt Nam
Khách tham quan một dây chuyền máy móc của một doanh nghiệp Đức tại triển lãm – Ảnh: Hùng Lê

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu nhóm hàng dệt may cả nước là  21,43 tỉ đô la Mỹ, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thị trường Mỹ chiếm 10,2 tỉ đô la, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Kế đến là thị trường EU (với 28 nước) đạt 3,06 tỉ đô la, tăng 5,7%; Nhật Bản đạt 2,52 tỉ đô la, tăng 6%. Thị trường Hàn Quốc dù giá trị ở mức 2,34 tỉ đô la, đứng thứ 4, nhưng lại là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất, 12,2% so với cùng kỳ năm trước.

Chia sẻ với báo chí tại Triển lãm quốc tế về ngành công nghiệp dệt may và nguyên phụ liệu lần thứ 17 (VTG 2017), được khai mạc tại TPHCM vào ngày 22-11, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM (Agtek), cho rằng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành ổn định ở mức 10%, và với chiều hướng thuận lợi của những tháng còn lại trong năm, dự báo kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt mục tiêu đề ra cho cả năm là 30,5-31 tỉ đô la  (năm ngoái là 28,1 tỉ đô la).

Trước đó, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cũng đưa ra lời dự báo tương tự tại sự kiện Ngày hội Cotton Day cũng diễn ra ở TPHCM vào tháng 9-2017.

Tuy nhiên, nếu dựa vào số liệu thống kê của ngành hải quan, để đạt mục tiêu xuất khẩu 2017 như dự báo, ngành dệt may đang đứng trước một thách thức lớn vì thời gian chỉ còn chưa đầy 2 tháng. Ở góc nhìn của người trong ngành, ông Hồng cho rằng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dệt may của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm có thể đã đạt 25 tỉ đô la, chứ không phải là 21,43 tỉ đô la như số liệu mà ngành hải quan cung cấp.

Cuộc triển lãm VTG 2017 là cơ hội để doanh nghiệp sản xuất trong ngành có cơ hội tiếp cận máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất nhằm đáp ứng cho thị trường đang tăng. Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã ghi nhận ý kiến của một số doanh nghiệp tham gia sự kiện, họ bày tỏ sự lạc quan về hoạt động giao thương và xuất khẩu dệt may trong tương lai, mặc dù Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) không có sự tham gia của nhà nhập khẩu lớn nhất là Mỹ .

Theo các doanh nghiệp, ngành dệt may trong nước vẫn còn các hiệp định khác với EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…, trong đó, riêng tại thị trường EU, ngành dệt may Việt Nam mới chiếm thị phần còn nhỏ nên vẫn còn cơ hội tăng trưởng trong giai đoạn 2018-2020.

Chính vì vậy, nhu cầu đầu tư máy móc thiết bị của các doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đáng chú ý, không chỉ dừng lại máy móc thiết bị của Đài Loan, Trung Quốc hay Hàn Quốc, một số doanh nghiệp cũng đã đầu tư những công nghệ của châu Âu, Mỹ với vốn đầu tư cao hơn.

Tại triển lãm, ông Nguyễn Phương Nam, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Liên Việt (Nantex), nhà phân phối máy móc thiết bị của bốn 4 thương hiệu gồm ZSK (Đức), Walz (Đức), Stahl's (Mỹ) và Eptanova (Pháp), cho biết tình hình kinh doanh của công ty tăng trưởng khá tốt trong 3 năm gần đây. Đơn cử, dòng máy in tự động Walz trong 10 tháng đầu năm nay công ty đã bán được hơn 60 chiếc, tăng hơn gấp đôi kết quả bán hàng của cả năm ngoái. 

Hay dòng máy thêu ZSK có giá bán 76.000 đô la Mỹ/máy, lần đầu tiên Nantex mang đến triển lãm này, và chỉ trong buổi sáng khai mạc đã có 2 công ty dệt may Việt Nam và Hàn Quốc đăng ký mua.

Theo ông Nam, tình hình cho thấy các nhà sản xuất dệt may tại Việt Nam đang có động thái chuyển sang đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại hơn bởi lẽ các đơn hàng sản xuất chuyển đến Việt Nam với những khâu sản xuất, gia công đòi hỏi kỹ thuật cao, sản phẩm cao cấp hơn, do đó yêu cầu doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ máy móc, kỹ thuật cũng hiện đại hơn.

Ông Phạm Xuân Hồng cũng cho rằng, phần lớn doanh nghiệp vẫn mua và sử dụng máy móc từ các thị trường có giá mềm như Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc, nhưng cũng có một số doanh nghiệp chuyển hướng sang mua máy móc thiết bị của các nước phát triển trong thời gian gần đây.

400 doanh nghiệp tham gia VTG 2017

Triển lãm VTG 2017 đang diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), TPHCM, và kéo dài đến ngày 25-11, nhấn mạnh tới chuỗi giá trị hoàn chỉnh cho ngành dệt may. Với hơn 450 gian hàng của 400 đơn vị tham gia, triển lãm trưng bày các sản phẩm phụ vụ cho ngành dệt may như: máy may công nghiệp, máy in, thêu, máy nhuộm vải, máy ép và đính nhãn, sợi và vải dệt… nhằm cung cấp các giải pháp về máy móc hiện đại phục vụ nhu cầu thị trường.

Triển lãm cũng sẽ có một loạt các chương trình hội thảo chuyên ngành. Các chuyên gia, diễn giả đến từ các hiệp hội ngành công nghiệp và các đơn vị tham gia triển lãm sẽ chia sẻ những lời khuyên thông qua các chủ đề như Việt Nam chuẩn bị như thế nào cho FTA; tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0; cái nhìn của ngành công nghiệp ngày nay từ sợi đến dệt may tại Việt Nam; làm thế nào để tiếp tục tồn tại trên thị trường với nhu cầu thay đổi theo thời gian.

Triển lãm VTG 2017 được tổ chức bởi Chi nhánh Công ty cổ phần Quảng cáo và Hội chợ Thương mại (Vinexad) và Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại và Tiếp thị Yorkers, và đồng tổ chức bởi Phòng Thương mại Thiết bị Máy May Quảng Đông (GD SEWING), Hiệp Hội Máy móc Hồng Kông (HKAMA) và Paper Communication Exhibitition Services (PAPERCOM).

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới