Mỹ: Nhiều qui định an toàn sản phẩm may mặc có hiệu lực năm tới
Thu Nguyệt
(TBKTSG Online) – Mỹ đang và sắp áp dụng các qui định mới khá khắt khe về an toàn trong các sản phẩm may mặc, đặc biệt đối với đồ dùng của trẻ, theo bà Nancy A. Nord, ủy viên của Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ (CPSC).
Bà Nancy A. Nord đã phổ biến các qui định mới trong “Hội nghị quốc tế về an toàn sản phẩm và các chất bị hạn chế đối với mặt hàng dệt may và giày dép nhập khẩu vào Mỹ” hôm 10-11 tại TPHCM. Hội nghị được Hiệp Hội may mặc và da giày Mỹ (AAFA) khởi xướng, cùng với sự hỗ trợ của Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS).
Sau một số vụ thu hồi hàng loạt các sản phẩm Trung Quốc và đồ chơi trẻ em, vào năm 2008, CPSC đã được trao nhiều quyền hạn mới tác động đến bất cứ việc kinh doanh, sản xuất nào của doanh nghiệp có liên quan đến tiêu dùng.
Theo đó, đạo luật mới về cải thiện an toàn sản phẩm tiêu dùng của Mỹ (CPSIA) ra đời với nhiều qui định mới khá khắt khe hiện đã có hiệu lực và một số sẽ có hiệu lực trong năm tới. Các qui định mới được bổ sung và có hiệu lực sắp tới chủ yếu tập trung vào sản phẩm dành cho trẻ.
Theo qui định của CPSIA, lượng chì cho phép trong sản phẩm bị hạ thấp và gần như bằng 0; chất phthalate cũng bị cấm sử dụng. Ngoài ra, quy định yêu cầu tất cả các sản phải được kiểm tra và có chứng nhận.
Tất cả các sản phẩm trẻ em sẽ phải được bên thứ ba độc lập (phòng xét nghiệm độc lập) có chứng nhận của CPSC tiến hành kiểm nghiệm. Trong đó, quy định về kiểm nghiệm hàng hóa từ bên thứ ba có chứng nhận của CPSC cho tất cả đồ ngủ của trẻ em (bao gồm áo choàng tắm và áo mặc trong nhà) sẽ có hiệu lực vào tháng 2-2011.
Theo bà Nancy A. Nord, hiện ở Việt Nam chưa có một phòng xét nghiệm nào có được chứng nhận của CPSC về kiểm nghiệm tiêu chuẩn chống cháy đối với đồ ngủ của trẻ, mặc dù trên thế giới đã có khoảng 70.
Vì các qui định về kiểm nghiệm từ bên thứ ba có chứng nhận của CPSC đối với các sản phẩm của trẻ sẽ có hiệu lực vào đầu năm tới, nên kể từ ngày mai (11-11), các phòng xét nghiệm ở Việt Nam có 90 ngày để xin chứng nhận của CPSC. Riêng đối với các phòng xét nghiệm của nhà nước sẽ phải chứng minh tính độc lập để đảm bảo không có bất cứ can thiệp nào từ Chính phủ.
Hiện CPSC đã phối hợp với cơ quan hải quan Mỹ để phát hiện sớm các lô hàng không đảm bảo tiêu chuẩn. Ngoài ra, CPSC thường đưa vào tầm ngắm các loại quần áo trẻ em có dây rút (vốn không được tán thành vì dễ gây ngạt cho trẻ) và những sản phẩm theo mùa, như đồ chơi Giáng Sinh.
Bên cạnh các tiêu chuẩn khắt khe về thành phần sản phẩm, qui định cũng yêu cầu việc kê khai thông tin đầy đủ trên nhãn mác nhằm giúp truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm vi phạm bị tiến hành tiêu hủy thay vì được tái xuất như trước. Doanh nghiệp cũng có thể bị phạt tới 15 triệu đô la Mỹ cho mỗi vụ vi phạm. Ngoài ra, sẽ có một cơ sở dữ liệu về những vi phạm và các phàn nàn từ khách hàng.
“Nếu lỡ bị dính vào rồi, thì doanh nghiệp một đi không trở lại và còn bị bêu rếu. Luật mới quả thực tạo nhiều gánh nặng và trở ngại cho doanh nghiệp sản xuất, nhưng chúng tôi muốn đảm bảo an toàn cho tất cả người tiêu dùng Mỹ”, bà Nancy A. Nord cho biết.
Bà Nancy A. Nord đã có cuộc trao đổi với TBKTSG Online bên lề hội nghị. Bà cho biết lo ngại khi số vi phạm ngày càng tăng, vậy có nhiều sai phạm từ hàng hoá Việt Nam vào Mỹ không, thưa bà? Hiện Việt Nam có rất ít vi phạm, và tất nhiên là không nhiều như Trung Quốc. Tuy nhiên, vì trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Mỹ ngày càng phát triển, nên nguy cơ mắc phải các vi phạm sẽ tăng lên. Các qui định mới sắp có hiệu lực và chúng tôi muốn đảm bảo rằng ngành công nghiệp của Việt Nam biết được các quy định này. Qui định mới chủ yếu nhắm vào quần áo trẻ em, nhưng Việt Nam xuất khẩu sản phẩm này sang Mỹ không nhiều. Tôi hiểu, nhưng Việt Nam có xuất khẩu mặt hàng này vào Mỹ thì vẫn có nguy cơ mắc phải và chúng tôi muốn đảm bảo rằng sẽ không có vi phạm nào xảy ra và đảm bảo an toàn cho trẻ. Nếu đến hạn mà chưa có phòng thí nghiệm nào ở Việt Nam được chứng nhận của CPSC về kiểm nghiệm chất chống chống cháy đối với quần áo trẻ em thì có hỗ trợ hay gia hạn gì không? Hiện chưa có phòng kiểm nghiệm nào của Việt Nam được chứng nhận của CPSC về tiêu chuẩn chống cháy đối với quần áo trẻ. Vì thế, chúng tôi muốn nói với doanh nghiệp kiểm nghiệm là phải nhanh lên trước khi đến thời hạn. Nếu đến hạn mà chưa có, thì doanh nghiệp gửi mẫu sang các phòng thí nghiệm ở các nước khác để kiểm tra, và các phòng kiểm nghiệm nên sớm nộp đơn xin chứng nhận của CPSC. Tất nhiên là không có gia hạn. |