Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mỹ quay cuồng trong cơn lốc mua sắm thực phẩm do nỗi sợ Covid-19

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mỹ quay cuồng trong cơn lốc mua sắm thực phẩm do nỗi sợ Covid-19

Khánh Lan

(TBKTSG Online) – Các chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ thực phẩm lẫn các kênh bán hàng trực tuyến ở Mỹ đang căng sức phục vụ nhu cầu mua sắm tăng vọt ở mức chưa có trong tiền lệ của người dân, khi tâm lý hoảng sợ dịch Covid-19 bao trùm khắp đất nước.

Tổng thống Trump cảnh báo kinh tế Mỹ có thể suy thoái

Ế ẩm vì dịch Covid-19, các khách sạn Mỹ sa thải nhân viên, hạ giá phòng

Mỹ quay cuồng trong cơn lốc mua sắm thực phẩm do nỗi sợ Covid-19
Các kệ hàng bị vét nhẵn tại một siêu thị Walmart ở Uniondale, New York, Mỹ hôm 14-3. Ảnh: Bloomberg

Amazon tuyển gấp 100.000 nhân viên

Hôm 16-3, Amazon thông báo tuyển thêm 100.000 nhân viên ở Mỹ để đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng vọt. Amazon cho biết đang cần tuyển dụng tài xế giao hàng, các công việc toàn thời gian và bán thời gian ở nhà kho, đồng thời khuyến khích người lao động của ngành khác như khách sạn, nhà hàng, du lịch đang mất việc hoặc bị nghỉ phép không lương nộp đơn xin việc.

Cơn lốc mua sắm do nỗi sợ dịch bệnh Covid-19 khiến các kệ hàng thực phẩm ở các siêu thị bị vét sạch đồng thời gây sức ép cho hoạt động giao hàng ở Amazon. Tại các điểm giao hàng cho đơn đặt mua trực tuyến trên khắp nước Mỹ của nền tảng này, khách phải xếp hàng dài để chờ đến lượt nhận hàng.

Do nhu cầu tăng cao trong khi nhiều mặt hàng thiết yếu hàng ngày đang cạn kiệt, cuối tuần trước, Amazon cảnh báo khách mua hàng trực tuyến của gói dịch vụ giao hàng nhanh Amazon Prime có thể phải nhận hàng trễ, khoảng 4 ngày sau khi đặt mua, thay vì sau 1 ngày hoặc 2 ngày như trước đây.

Chuỗi siêu thị thực phẩm Kroger cho biết đang tăng cường tuyển dụng nhân sự trên khắp cả nước cho các vị trí làm việc ở siêu thị, trung tâm phân phối và nhà máy sản xuất để theo kịp nhu cầu mua sắm đang tăng mạnh.

Các nhà bán lẻ thực phẩm Mỹ khác cũng đang đuối sức trong cuộc chạy đua đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng giữa cơn hoảng loạn vì Covid-19. Khắp nơi trên nước Mỹ, mọi người phải xếp hàng dài để vào các siêu thị và thời gian chờ tính tiền kéo dài cả tiếng đồng hồ, trong khi đó các kệ hàng bị vét nhẵn.

Mark Hogan, một kiến trúc sư ở San Francisco, bắt đầu mua thực phẩm tích trữ cách đây hai tuần. Nhưng mới đây, khi đến cửa hàng thực phẩm Whole Foods để mua thêm, anh thấy rau củ đóng hộp và mì ống đã bán hết. Anh cho biết dòng người xếp hàng để vào cửa hàng này dài đến hơn 200 mét.

Các công ty thực phẩm Mỹ đã lường trước nhu cầu tích trữ nhu yếu phẩm của người dân sẽ tăng cao nhưng họ không ngờ tăng nhanh và mạnh như vậy. Susan Morris, Giám đốc ở chuỗi cửa hàng thực phẩm lớn thứ hai nước Mỹ, Albertsons Cos., nói: “Chúng tôi không dự báo được tình hình này”.

Bà cho biết trong 2 tuần qua, công ty bà đã ráo riết bổ sung hàng hóa ở hơn 2.200 cửa hàng nhưng rồi một số nhà cung cấp cũng hết sạch hàng.

Trong tuần qua, một số siêu thị của Koninklijke Ahold Delhaize, chủ sở hữu chuỗi siêu thị Stop & Shop và Food Lion, cũng cạn nhiều mặt hàng như nước suối, pho mát và các nhu yếu phẩm khác.

JJ Fleeman, Chủ tịch phụ trách kênh bán lẻ trực tuyến Peapod của Koninklijke Ahold Delhaize, đã dự báo nhu cầu một số mặt hàng tăng nhiều lần so với bình thường nhưng trong tuần qua, nhu cầu của khách hàng vượt cả mức dự báo của ông nhiều lần.

Peapod đang tuyển thêm tài xế giao hàng và nhân viên làm việc ở các nhà kho đồng thời lắp đặt thêm nhiều máy chủ để xử lý đơn hàng nhanh hơn. Trang web của Peapod đã sập ở một số nơi tại Mỹ do quả tải.

Cuối tuần trước, chuỗi siêu thị Target thông báo dừng dịch vụ giao hàng ngày hôm sau cho các đơn hàng trực tuyến trên cả nước do nhu cầu tích trữ nhu yếu phẩm quá lớn.

Steven Spinner, Giám đốc điều hành Công ty phân phối thực phẩm United Natural Foods cho hay các nhà phân phối và bán lẻ đang làm việc 24 giờ mỗi ngày để bảo đảm kho hàng luôn đầy đủ.

Cuộc khủng hoảng mất cân đối cung cầu chưa có tiền lệ

Khách xếp hàng chờ thanh toán ở siêu thị Safeway tại TP. San Francisco, Mỹ hôm 16-3. Ảnh: The Chronicle

Các nhà bán lẻ Mỹ đã có kinh nghiệm ứng phó nhu cầu tăng đột biến trước những thiên tai như siêu bão và bão tuyết. Nhưng ông John Ross, Giám đốc điều hành IGA, hiệp hội đại diện cho 600 nhà bán lẻ thực phẩm độc lập ở Mỹ, thừa nhận dịch Covid-19 đang tạo ra tình hình khẩn cấp khắp cả nước mà chẳng ai biết khi nào kết thúc.

Các nhà sản xuất giấy vệ sinh và nhiều nhu yếu phẩm đang cháy hàng khác cho biết họ đang tăng công suất để đáp ứng nhu cầu tăng cao của các hộ gia đình.

Hãng thực phẩm đóng gói Conagra Brands đang ưu tiên sản xuất các sản phẩm có nhu cầu lớn. Mark Clouse, Giám đốc điều hành hãng thực phẩm đóng hộp Campbell Soup, nói hãng này đang hợp tác với nhiều nhà cung cấp các thành phần thực phẩm quan trọng để đề phòng trường hợp các nhà máy trên thế giới đóng cửa.

Công ty Vita Coco đang đẩy mạnh công suất sản xuất nước dừa ở Brazil để đáp ứng nhu cầu tăng đột biến ở thị trường Mỹ. Ông Michael Kirban, Giám đốc điều hành Vita Coco, cho hay doanh số bán hàng trong tuần của các sản phẩm nước dừa đóng hộp tăng 200% ở chuỗi siêu thị Walmart và 60% ở Amazon.com.

“Không ai có thể dự báo nhu cầu tăng mạnh như vậy, ngay cả Amazon”, Kirban nói.

Trước nhu cầu quá lớn, hai chuỗi siêu thị thực phẩm H-E-B và Wegmans ở bang Texas đã hạn chế số lượng mua đối với hàng chục mặt hàng thực phẩm phổ biến như trứng, sữa, bánh mì, súp đóng hộp, rau đông lạnh và mì ống đóng hộp… Chẳng hạn đối với mặt hàng sữa và trứng, khách chỉ có thể mua tối đa 2 đơn vị.

Tập đoàn bán lẻ thực phẩm lớn nhất Mỹ, Walmart, cho phép các quản lý siêu thị tự quyết định số lượng hàng hóa tối đa mà khách được phép mua và giảm giờ phục vụ ở các siêu thị mở cửa 24/24, để cho phép nhân viên bổ sung hàng hóa và dọn dẹp vệ sinh. Quyết định điều chỉnh giờ phục vụ này ảnh hưởng đến khoảng 2.200 siêu thị Walmart trên toàn quốc.

John Furner, Giám đốc điều hành chuỗi siêu thị Walmart tại Mỹ, cho biết trong vài tuần qua, doanh số của một số mặt hàng như thuốc không kê đơn và thực phẩm tăng đột biến.

Hiệp hội bán lẻ thực phẩm Mỹ (FMI), đại diện cho các nhà bán lẻ, bán sỉ và sản xuất thực phẩm ở Mỹ, kêu gọi các thành viên hạn chế số lượng mua của khách ở một số mặt hàng thực phẩm để bảo đảm mọi khách hàng đều mua được những gì mà họ cần.

Doug Baker, Phó Chủ tịch FMI, nói việc hạn chế số lương mua giúp ngăn chặn nạn tích trữ để đầu cơ bởi các bên bán hàng thứ ba và giúp hạn chế tình trạng thiếu hụt hàng hóa.

Burt P. Flickinger III, Giám đốc Công ty tư vấn bán lẻ của Strategic Resource Group, cho hay một số chuỗi siêu thị đưa xe tải nhận hàng đến thẳng trực tiếp các nhà máy sản xuất, bỏ qua các nhà kho và nhà phân phối, để nhanh chóng bổ sung nguồn hàng đang thiếu hụt lớn.

“Đây là cuộc khủng hoảng mất cân đối cung cầu chưa có tiền lệ”, ông cho biết.

Một số chuỗi siêu thị đang đau đầu với vấn đề nhân sự khi các trường cho học sinh nghỉ học, buộc nhân viên của họ phải ở nhà chăm sóc con hoặc các nhân viên nghỉ ốm do bị nhiễm Covid-19 hoặc bị cách ly.

Giờ đây, lãnh đạo các công ty bán lẻ thực phẩm Mỹ đang lo lắng với viễn cảnh chuỗi ung ứng bị đe dọa nghiêm nếu người lao động ở các nhà phân phối và công ty sản xuất thực phẩm phải nghỉ việc do dịch bệnh Covid-19.

Theo CNBC, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới