Thứ Sáu, 4/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Mỹ ra quyết định mới về tác phẩm nghệ thuật hợp tác giữa con người và AI

Nguyễn Ngọc Trâm(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Gió đang thổi mạnh hơn, cơn gió mới mang tên nghệ thuật tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo!

Càng ngày càng có nhiều tác phẩm được xếp loại co-own (đồng sở hữu) hay co-make (đồng sáng tạo) giữa con người và trí tuệ nhân tạo (AI). Liệu các tác phẩm này có được đăng ký bảo hộ quyền tác giả? Ai sẽ là người sở hữu bản quyền của các tác phẩm này? Văn phòng Bản quyền Mỹ (United States Copyright Office - USCO) nói gì về những tác phẩm như vậy?

Giữ quan điểm đồng nhất với những vụ việc trước, USCO có những quyết định khẳng định các tác phẩm do AI tạo ra không được xin bảo hộ quyền tác giả. Tuy nhiên, quyết định mới đây của USCO với tác phẩm “Zarya of the Dawn” đã cho thấy sự linh hoạt và phân tách rạch ròi của USCO trong việc phần nào của tác phẩm được đăng ký và phần nào thì không.

Bất kỳ ai cũng có thể là nghệ sĩ, nhà văn hoặc nhạc sĩ và do đó có quyền được đăng ký bảo hộ quyền tác giả cho tác phẩm của họ, nhưng nội dung do AI tạo ra thì không được bảo vệ bởi những lá chắn pháp lý tương tự như con người. USCO đã ra phán quyết chống lại việc bảo vệ bản quyền đối với các tác phẩm do AI tạo ra, bất kể hình thái tác phẩm là gì, có thể là nghệ thuật, văn bản hoặc âm nhạc.

Quyết định này được đưa ra để đáp lại đơn đăng ký bản quyền cho truyện tranh có tên “Zarya of the Dawn”, trong đó câu chuyện gốc xuyên suốt thì do tác giả Kristina Kashtanova tạo ra nhưng phần hình ảnh nghệ thuật được tạo bởi Midjourney, một chương trình AI.

Nói một cách đơn giản, nội dung được tạo bởi các chương trình AI như Midjourney, ChatGPT, OpenAI, Dall-E, Hotpot hoặc NightCafe, và những chương trình AI khác, sẽ không nhận được sự bảo vệ từ Chính phủ Mỹ về quyền, chứng nhận đăng ký hoặc các khoản mức thanh toán.

Và từ giờ về sau, USCO sẽ không cho phép đăng ký bản quyền đối với nội dung được tạo ra bởi những công cụ AI như đã kể trên hoặc công cụ AI tương tự. Trong bức thư gửi cho người sáng tạo Zarya, Kristina Kashtanova, cơ quan USCO diễn giải quyết định này như sau:

“Như đã nêu trong bản tổng hợp các hoạt động của USCO (tái bản lần 3 năm 2021), Văn phòng sẽ không đăng ký các tác phẩm do máy tạo ra hoặc chỉ có sự can thiệp cơ học của tác giả là con người. Câu hỏi quan trọng là “liệu “tác phẩm” về cơ bản có được cấp quyền tác giả hay không trong trường hợp máy tính [hoặc thiết bị khác] được chỉ ra rằng chỉ đơn thuần là một công cụ hỗ trợ, hay liệu tác phẩm có được xin bảo hộ quyền tác giả không khi yếu tố truyền thống của quyền tác giả trong tác phẩm (biểu hiện văn học, nghệ thuật hoặc âm nhạc hoặc các yếu tố lựa chọn, sắp xếp...) thực sự được hình thành và thực hiện nhưng không phải bởi con người mà bởi một cỗ máy”.

Nói một cách thẳng thắn hơn, USCO cho biết, “trong trường hợp xác định tác giả của tác phẩm không phải là con người, các tòa phúc thẩm cũng sẽ có chung quan điểm rằng tác phẩm sẽ không được bảo hộ”.

Theo USCO, đối với tác phẩm truyện của Kristina Kashtanova, phần câu chuyện là do cô tự hoàn toàn sáng tạo ra, bỏ vào đó sự sáng tạo và chất xám nên phần câu chuyện được đăng ký và bảo hộ quyền tác giả. Tuy nhiên, phần hình ảnh do AI tạo ra nằm ngoài sự bảo hộ này,

USCO đã xem xét phần mềm vẽ Midjourney, AI được Kashtanova sử dụng, đồng thời phân tích quy trình. Tài liệu riêng của chương trình nói rằng AI không chủ động hiểu các từ, câu hoặc ngữ pháp giống như con người, do đó, nó tuân theo một quy trình sáng tạo khác.

Theo tài liệu thu thập về cơ chế hoạt động của Midjourney, chương trình biến các từ và cụm từ thành “mã thông báo” và sau đó tạo ra một hình ảnh theo hướng mong muốn của người dùng. Kashtanova lập luận trong hồ sơ pháp lý rằng Midjourney là một công cụ, tương tự như cọ vẽ, bút chì hoặc búa và đục.

Tuy nhiên, lập luận này đã bị bác bỏ lập tức, USCO không đồng ý với cách Kashtanova ví von Midjourney và phản biện rằng “thực tế là người dùng không thể dự đoán được kết quả cụ thể của Midjourney khiến cho Midjourney, dưới góc nhìn của luật về quyền tác giả, trở nên khác biệt so với các công cụ khác mà các nghệ sĩ sử dụng”.

AI không tạo ra nội dung như con người sẽ làm, cũng như không có tính nguyên bản của một nội dung và do đó, các tác phẩm được tạo ra không xứng đáng với sự bảo hộ mà nhà nước trao cho tác giả.

USCO cho biết: “Dựa trên nhiều hồ sơ trước đó, USCO kết luận rằng những hình ảnh do Midjourney tạo ra có trong Tác phẩm không phải là tác phẩm gốc của tác giả và vì thế không được bảo hộ quyền tác giả”. Các quyết định của USCO với tác phẩm truyện tranh của Kashtanova chỉ ra sự thống nhất trong quyết định từ trước tới nay của USCO về việc không trao sự bảo hộ quyền tác giả cho các tác phẩm nghệ thuật tạo ra bởi AI. Tuy vậy, không ai có thể đảm bảo là tương lai USCO sẽ không có sự thay đổi trong cách tiếp cận và xem xét các tác phẩm tạo ra bởi AI.

(*) Văn phòng Luật Sở hữu trí tuệ Gottlieb, Rackman & Reisman, P.C, Manhattan,
New York, Mỹ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới