Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mỹ siết chặt kiểm soát xuất khẩu để cắt đứt nguồn chip cao cấp sang Trung Quốc

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa công bố một loạt quy định mới để kiểm soát xuất khẩu chip cao cấp và công cụ sản xuất chip sang Trung Quốc, một bước đi nhằm làm tê liệt khả năng của Bắc Kinh trong việc tiếp cận các công nghệ quan trọng cần thiết cho mọi thứ, từ siêu máy tính đến vũ khí dẫn đường.

Các quy định hạn chế xuất khẩu mới của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy quyết tâm của Washington trong việc hạn chế năng lực phát triển các chip cao cấp của Trung Quốc vốn rất quan trọng cho các ứng dụng sản xuất, an ninh và quốc phòng tiên tiến. Ảnh: AP

Hôm 7-10, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố các quy định mới nhằm hạn chế xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc. Theo đó, các công ty Mỹ sẽ không còn được phép cung cấp chip cao cấp, thiết bị sản xuất chip và một số sản phẩm công nghệ khác cho Trung Quốc trừ khi họ nhận được giấy phép đặc biệt.

Các hạn chế xuất khẩu của Mỹ là đối với các chip cao cấp, thường được sử dụng để vận hành các ứng dụng trí tuệ nhân tạo và siêu máy tính ở Trung Quốc. Các quy định mới cũng cấm các công ty Mỹ bán công cụ sản xuất chip nhớ và chip logic cao cấp cho Trung Quốc nếu chưa có giấy phép.

Có lẽ điều đáng chú ý nhất là Bộ Thương mại Mỹ cũng cấm các công ty khác trên toàn thế giới bán các sản phẩm chip cao cấp sang Trung Quốc nếu chúng được sản xuất bằng công nghệ, phần mềm hoặc máy móc của Mỹ. Lệnh cấm này được xây dựng dựa trên quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài từng được Tổng thống Donald Trump áp dụng để làm tê liệt Huawei. Quy tắc này cho phép Mỹ áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với các sản phẩm được sản xuất bên ngoài nước Mỹ nhưng sử dụng trực tiếp công nghệ hoặc phần mềm Mỹ.

Một quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài khác cũng cấm các công ty nước ngoài cung cấp sản phẩm cho 28 công ty Trung Quốc đã được Bộ Thương mại Mỹ đưa vào “danh sách đen” do lo ngại về an ninh quốc gia.

Những công ty đó bao gồm Beijing Sensetime Technology Development, Dahua Technology, Higon, IFLYTEK, Megvii Technology, Sugon, Tianjian Phytium Information Technology, Sunway Microelectronics và Yitu Technologies cùng nhiều phòng thí nghiệm và viện nghiên cứu có liên hệ với các trường đại học và chính phủ Trung Quốc.

Các động thái nói trên là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy cuộc đối đầu ngày càng gay gắt giữa hai siêu cường lớn trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ, với việc Mỹ đang cố gắng thiết lập một rào cản đối với công nghệ máy tính và bán dẫn tiên tiến, vốn rất cần thiết cho tham vọng kinh tế và quân sự của Trung Quốc.

Gói hạn chế xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc do Bộ Thương mại Mỹ đưa ra, phần lớn được thiết kế để làm chậm tiến độ của các chương trình quân sự Trung Quốc, vốn đang sử dụng siêu máy tính để mô hình hóa vụ nổ hạt nhân, dẫn đường cho vũ khí siêu thanh và thiết lập các mạng lưới để giám sát những bất đồng chính kiến ​​và các nhóm dân tộc thiểu số.

Alan Estevez, Thứ trưởng Bộ Thương mại Mỹ phụ trách ngành công nghiệp và an ninh, cho hay văn phòng của ông đang làm việc để ngăn chặn các cơ quan quân sự, tình báo và an ninh của Trung Quốc tiếp cận các công nghệ nhạy cảm, có thể sử dụng cho mục đích quân sự.

Theo các chuyên gia công nghệ, các quy định mới này của Bộ Thương mại Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu rộng nhất trong một thập niên, tương tự như chiến dịch trấn áp của chính quyền Donald Trump đối với gã khổng lồ viễn thông Huawei, nhưng phạm vi rộng hơn, vì chúng ảnh hưởng đến hàng chục công ty Trung Quốc.

Trái ngược với cách tiếp cận của chính quyền Donald Trump, vốn được coi là hung hăng nhưng thiếu chặt chẽ, các quy định mới thiết lập một chính sách toàn diện hơn nhằm ngăn chặn xuất khẩu công nghệ cho một loạt công ty công nghệ Trung Quốc và hạn chế năng lực sản xuất chip cao cấp mới chớm của Trung Quốc.

Emily Kilcrease, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS), nhận định: “Đó là một cách tiếp cận quyết liệt của chính phủ Mỹ để thực sự làm suy yếu khả năng của Trung Quốc trong việc phát triển một số công nghệ quan trọng”.

Vẫn chưa rõ chính phủ Trung Quốc có hành động đáp trả hay không. Samm Sacks, chuyên gia nghiên cứu chính sách công nghệ Trung Quốc tại Trường Luật Yale, cho biết các quy định mới có thể thúc đẩy Bắc Kinh đáp trả nhằm vào các công ty Mỹ hoặc công ty nước ngoài tuân thủ các hạn chế xuất khẩu công nghệ của Mỹ.

Bà nói: “Câu hỏi đặt ra là liệu gói hạn chế xuất khẩu của Mỹ này có vượt qua lằn ranh đỏ gây kích hoạt phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc mà chúng ta chưa từng thấy trước đây không? Rất nhiều người đang dự đoán nó sẽ xảy ra”.

Các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Mỹ được đưa ra vào thời điểm đặc biệt nhạy cảm đối với Bắc Kinh. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 vào ngày 16-10 tới, nơi Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến ​​sẽ đảm bảo nhiệm kỳ thứ ba và trở thành nhà lãnh đạo cầm quyền lâu nhất của đất nước kể từ thời Mao Trạch Đông.

Liu Pengyu, người phát ngôncủa  Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, chỉ trích Mỹ đang tìm cách sử dụng sức mạnh công nghệ của mình để ngăn cản và kìm hãm sự phát triển của các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển.

Ông nói: “Mỹ có thể đang muốn Trung Quốc và phần còn lại của thế giới đang phát triển sẽ mãi mãi ở cuối chuỗi cung ứng công nghiệp”.

Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều cho ngành công nghiệp bán dẫn trong nước nhưng cho đến nay vẫn thua kém Mỹ, Đài Loan và Hàn Quốc về năng lực sản xuất các loại chip cao cấp nhất. Trong các lĩnh vực khác, như trí tuệ nhân tạo, Trung Quốc không còn đi sau Mỹ đáng kể, nhưng những công nghệ đó chủ yếu được phát triển dựa vào các chip cao cấp do các công ty không phải của Trung Quốc thiết kế hoặc chế tạo.

Jack Dongarra, nhà khoa học máy tính tại Đại học Tennessee, nói rằng một số siêu máy tính mạnh nhất của Trung Quốc đang phụ thuộc vào các chip do Intel (Mỹ) hoặc TSMC (Đài Loan) sản xuất. TSMC sử dụng công nghệ của Mỹ trong quá trình sản xuất, do đó, phải tuân thủ quy định hạn chế xuất khẩu mới của Mỹ.

Các lãnh đạo trong ngành cho biết nhiều ngành công nghiệp của Trung Quốc đang dựa vào trí tuệ nhân tạo và các thuật toán tiên tiến được vận hành bởi các chip đồ họa của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng. Các hạn chế mới về xuất khẩu thiết bị sản xuất chip cũng sẽ kìm hãm hoạt động của các nhà sản xuất chip Trung Quốc, bao gồm Semiconductor Manufacturing International Corp., Yangtze Memory Technologies Co. và ChangXin Memory Technologies.

Tác động thực tế của các hạn chế sẽ phụ thuộc vào các chính sách được thực hiện. Đối với hầu hết các hạn chế, Bộ Thương mại Mỹ có quyền quyết định cấp giấy phép đặc biệt cho các công ty Mỹ để tiếp tục bán các sản phẩm bị hạn chế sang Trung Quốc, mặc dù hầu hết sẽ bị từ chối.

Theo New York Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới