Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mỹ tăng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 1994 để chống lạm phát

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Sau cuộc họp kéo dài hai ngày, hôm 15-6, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), quyết định tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, đưa biên độ lãi suất của Fed lên mức 1,5-1,75%.

Đây là mức tăng lãi suất mạnh nhất của Mỹ kể từ năm 1994 nhưng không nằm ngoài dự đoán của các nhà kinh tế. Việc tăng lãi suất này diễn ra sau khi dữ liệu tuần trước ghi nhận chỉ số lạm phát của nền kinh tế Mỹ trong tháng 5 tăng lên mức cao nhất trong 40 năm qua.

Phát biểu tại cuộc họp báo vào cùng ngày, Chủ tịch Fed, Jerome Powell nói: “Rõ ràng, mức tăng lãi suất 0,75% là cao bất thường. Tôi không kỳ vọng mức tăng lãi suất mạnh ở mức này trở nên phổ biến trong thời gian tới”. Tuy nhiên, ông vẫn cảnh báo rằng tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào cuối tháng 7, Fed có thể tăng lãi suất từ 0,5-0,75 điểm phần trăm nếu lạm phát tiếp tục căng thẳng.

Lạm phát liên tục tăng đã khiến Fed phải tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, mức tăng mạnh nhất trong gần 30 năm qua. Ảnh: AP

Ông nói: “Chúng tôi muốn thấy sự cải thiện nhưng lạm phát không thể giảm cho đến khi bắt đầu đi ngang. Nếu chúng tôi chưa nhận thấy sự cải thiện đó, chúng tôi có thể phải hành động”.

Tất cả 18 quan chức tham gia cuộc họp của FOMC dự báo Fed sẽ tăng lãi suất thêm ít nhất 3% chỉ riêng trong năm 2022, đồng nghĩa với việc lãi suất sẽ tăng lên mức 3,375% vào cuối năm.

Họ cũng dự báo lãi suất sẽ tăng lên mức 3,75% vào cuối năm 2023, cao hơn mức 2,75% mà họ dự báo hồi tháng 3.

Tốc độ tăng như vậy đánh dấu chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ nhất của Mỹ kể từ thập niên 1980. Fed cũng đã khởi động một chương trình giảm kích thích bằng cách thu hẹp danh mục tài sản trái phiếu trị giá 8,9 ngàn tỉ đô la.

Ông Powell cho biết lộ trình “hạ cánh mềm”, trong đó Fed hạ nhiệt nền kinh tế ở mức đủ để giảm lạm phát mà gây suy thoái đang trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh chuỗi cung ứng tiếp tục gián đoạn và giá cả năng lượng và hàng hóa tăng.

“Điều ngày càng trở nên rõ ràng hơn là nhiều yếu tố mà chúng tôi không kiểm soát sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc quyết định điều đó có thể thực hiện được hay không”, ông nói.

Tuyên bố của Fed lược bỏ thông điệp bày tỏ kỳ vọng lạm phát trở về mức 2% và thị trường lao động vẫn mạnh mẽ khi Fed tăng lãi suất.

Ông Powell nói rằng quyết định lược bỏ đó phản ánh cảm nhận của Fed rằng không thể giảm lạm phát về 2% nếu chỉ dựa vào các công cụ chính sách.

Giờ đây, hầu hết các quan chức của Fed dự báo tăng trưởng của Mỹ chỉ đạt 1,7% trong năm nay và năm tới, giảm so với dự báo lần lượt 2,8% và 2,2% mà họ đưa ra hồi tháng 3.

Họ nhận định tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ ở mức 3,7% vào cuối năm nay trước khi tăng lên mức 4,1% vào năm 2024. Fed dự báo chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi (không bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng) sẽ tăng 4,3% trong năm nay.

Tuy nhiên, tuyên bố của FOMC vẽ một bức tranh lạc quan về nền kinh tế ngay cả khi lạm phát cao hơn.

“Hoạt động kinh tế nói chung dường như đã tăng lên sau khi giảm trong quí đầu tiên. Việc làm đã tăng mạnh trong những tháng gần đây, và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp. Lạm phát vẫn ở mức cao, phản ánh sự mất cân bằng cung và cầu liên quan đến đại dịch, giá năng lượng cao hơn và áp lực giá cả rộng lớn hơn”, tuyên bố cho biết. FOMC dự báo lạm phát của Mỹ sẽ giảm mạnh vào năm 2023, xuống mức 2,6%.

Lãi suất của Fed vốn áp dụng cho lãi suất cho vay qua đêm giữa các ngân hàng nhưng cũng ảnh hưởng đến các chi phí vay tiêu dùng và kinh doanh khác trong toàn nền kinh tế, bao gồm lãi suất cho các khoản vay thế chấp, thẻ tín dụng, tài khoản tiết kiệm, các khoản vay mua ô tô và nợ doanh nghiệp.

Kỳ vọng về một đợt tăng lãi suất lớn hơn và một lộ trình tăng lãi suất mạnh mẽ hơn đã khiến thị trường trái phiếu Mỹ biến động động mạnh. Theo JPMorgan Chase, vào thời điểm thị trường đóng cửa hôm 14-6, lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn hai năm đã tăng tổng cộng 0,7 điểm phần trăm trong năm phiên giao dịch, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1982.

Thị trường vay thế chấp bất động của của Mỹ cũng bị ảnh hưởng bởi viễn cảnh tiền tệ thắt chặt hơn. Hồi đầu tuần này, các tổ chức cho vay thế chấp nâng lãi suất cố định 30 năm lên mức trên 6%/năm, mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2008. Có ít nhất hai công ty môi giới bất động sản lớn ở Mỹ đã công bố kế hoạch sa thải nhân viên do nhu cầu mua nhà bị đình trệ.

Theo Wall Street Journal

1 BÌNH LUẬN

  1. Lạm phát cao ở Mỹ là liều thuốc tốt, chứ không xấu tí nào, để giải quyết nhiều căn bệnh xã hội trầm kha. Trước hết, là nhu cầu tiêu dùng vô độ. Đây là nguyên nhân dẫn đến bệnh béo phì, tiểu đường, tim mạch, trầm cảm, stress… Lạm phát vốn không “xi nhê” gì với người giàu, nhưng lại rất “ép phê” với người nghèo khổ. Đó là xét về phương diện tiền bạc. Nhưng xét về mặt xã hội học, lạm phát lại là liệu pháp đặc trị tốt cho nước Mỹ ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới