Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mỹ tìm lại sự cân bằng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mỹ tìm lại sự cân bằng

Phi Tuấn

(TBKTSG) – Nước Mỹ đang chứng kiến một sự đổi thay lớn lao chưa từng có: thoát ra khỏi tiêu thụ và nợ nần để hướng đến xuất khẩu và tiết kiệm – một sự thay đổi chắc chắn sẽ tác động đến các nền kinh tế khác ở những cấp độ khác nhau.

Chủ một công ty bất động sản ở Mỹ, ông Steve Hilton, nhớ lại những tháng ngày thất vọng sau vụ sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers năm 2008. Khách hàng hối hả tới các văn phòng kinh doanh của Meritage Homes do Hilton quản lý, không phải để mua nhà mà để hủy các hợp đồng họ đã ký trước đó.

Những tháng ngày sau đó, Hilton tìm mọi cách để cứu nguy cho công ty bằng cách từ bỏ ý định mua hàng ngàn lô đất ở khắp các tiểu bang từ Arizona, đến Florida, Nevada và California trong thời kỳ bùng nổ bất động sản, chịu thua lỗ nặng nề. Công ty cắt giảm ba phần tư trong tổng số 2.300 nhân viên, thuê người thiết kế lại các ngôi nhà để giảm chi phí xây dựng, loại bỏ các chi tiết xa xỉ. Hiện thời Meritage Homes chỉ phục vụ những khách hàng có khả năng là những người mua nhà lần đầu được chính phủ bảo lãnh.

Nghèo hơn

Cả nước Mỹ cũng đang lâm vào tình trạng tương tự. Hầu như trong hai năm qua các ngành công nghiệp đều phải cắt giảm nhân công, trong đó các ngành dịch vụ bị thiệt hại nặng nhất. Số việc làm trong ngành xây dựng nhà ở và sản xuất xe hơi bị giảm khoảng một phần ba, trong lĩnh vực bán lẻ và ngân hàng giảm khoảng 8%.

Hiện thời, kinh tế đã hồi phục trở lại nhưng thời kỳ vay mượn dễ dàng và xăng dầu giá rẻ đã không còn nữa. Sự thay đổi kinh tế vĩ mô của Mỹ từ nợ nần và tiêu thụ sang dành dụm và xuất khẩu sẽ mang lại những thay đổi về kinh tế vi mô: lối sống khác hơn, và nghề nghiệp đa dạng hơn.

Khủng hoảng và sau đó là suy thoái đã đặt dấu chấm hết đột ngột cho một mô hình kinh tế cũ. Giá nhà đất đã mất đi 29% và giá cổ phiếu cũng giảm tương tự so với thời đỉnh cao. Từ năm 2007 đến nay, tài sản của người dân Mỹ đã giảm mất 12.000 tỉ đô la, tức 18%, buộc họ phải cân nhắc kỹ hơn mỗi khi chi tiêu và ngân hàng cũng phải thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay.

Nợ vay tiêu dùng tăng từ mức trung bình chưa đầy 80% thu nhập sau thuế 20 năm trước lên đến 129% trong năm 2007. Theo tính toán của McKinsey Global, giới tiêu dùng Mỹ phải mất sáu hay bảy năm trả nợ thì mới giảm được tỷ lệ nợ xuống mức kiểm soát được. Điều này đã thực sự thay đổi cấu trúc của hoạt động kinh tế. Chi tiêu tiêu dùng và nhà cửa tăng từ 70% GDP năm 1991 đến 76% năm 2005 (xem bảng 1), đến cuối năm ngoái thì tỷ lệ này đã giảm xuống còn 73%, song vẫn cao so với các tiêu chuẩn quốc tế. Hiện thời có rất ít người mua nhà, người mua chọn những ngôi nhà nhỏ hơn, kém tiện nghi hơn; ngay cả số thẻ tín dụng lưu hành trên thị trường cũng đã giảm 20% so với trước khủng hoảng.

Phục hồi chậm

Đợt suy thoái đặc biệt này được kích hoạt từ cuộc khủng hoảng tài chính, hủy hoại khả năng của hệ thống tài chính trong việc chuyển các khoản tiết kiệm sang đầu tư sản xuất và khiến cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp phải chật vật đối phó với sự thừa mứa về nhà cửa, trang thiết bị và nợ nần dồn lại trong thời kỳ kinh tế bùng nổ. Sự phục hồi sau khủng hoảng vì vậy diễn ra chậm và yếu, và thực sự trong khoảng chín tháng hồi phục, mức tăng GDP hàng năm chưa đến 4%; thất nghiệp gia tăng khắp cả nước dù đã có giảm một ít hồi tháng 2.

Vậy nếu Mỹ muốn tránh sự trì trệ như nước Nhật gặp phải sau khi bong bóng bị vỡ, thì nhu cầu sắp tới sẽ đến từ đâu? Về ngắn hạn chính phủ liên bang phải tăng cường vay mượn – tới 10% của GDP năm nay – để ứng phó với sự sụt giảm về tiêu dùng cá nhân và đầu tư. Tổng thống Barack Obama muốn thâm hụt ngân sách phải giảm xuống chỉ còn khoảng 3% GDP vào giữa thập niên này, dù chưa biết điều đó sẽ được thực hiện như thế nào.

Lối sống thay đổi

Tín dụng thắt chặt hơn, vay tiêu dùng ít hơn không phải là động lực duy nhất của tái cấu trúc kinh tế. Một lực đẩy ít nhận thấy hơn, nhưng quan trọng, là giá nhiên liệu cao. Một đồng đô la mạnh cùng nguồn cung dồi dào đã giữ cho giá dầu được rẻ trong suốt thập niên 1990 khiến người Mỹ có thói quen nhập khẩu. Điều này đã bắt đầu thay đổi trước cuộc khủng hoảng một vài năm khi đô la Mỹ bị yếu và nhu cầu nhiên liệu của các thị trường mới nổi gây áp lực lên khả năng sản xuất toàn cầu.

Giá dầu tăng đến gấp 4 lần kể từ thập niên 1990 đã khiến cả giới tiêu dùng lẫn nhà sản xuất giật mình, các loại xe hơi thể thao bị chê, các chính sách bảo tồn thiên nhiên và năng lượng tái tạo được thúc đẩy và nhập khẩu hàng hóa đã giảm 10% từ năm 2006 và có khả năng còn giảm sâu hơn nữa.

Địa lý kinh tế của nước Mỹ cũng thay đổi. Giá xăng rẻ cùng nguồn tín dụng dồi dào đã kích thích hàng triệu người Mỹ tìm đến các tiểu bang miền Nam và các vùng ngoại ô hẻo lánh để săn lùng các ngôi nhà lớn. Khủng hoảng đã buộc chặt họ vào những ngôi nhà không bán lại được trong khi các ngành công nghiệp dựa trên tri thức chọn các khu trung tâm có cơ sở hạ tầng tốt và kỹ năng chuyên môn cao hơn.

Xuất khẩu – con đường cứu rỗi

Khi người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng thì các công ty Mỹ phải tăng cường tìm kiếm doanh thu từ nước ngoài. Nhưng các quốc gia có nhân công giá rẻ, chủ yếu là Trung Quốc, đã chiếm lĩnh thị trường của các ngành công nghiệp nội địa như đồ gỗ, may mặc hay điện tử gia dụng. Nhưng sự thay đổi mô hình tăng trưởng toàn cầu và đồng đô la đang đặt cơ sở cho một sự bùng nổ về xuất khẩu của Mỹ. Bruce Kasman, chuyên gia kinh tế trưởng của JPMorgan Chase, tính toán rằng năm nay Mỹ sẽ chỉ chiếm 27% tiêu thụ của toàn cầu so với mức 34% của các thị trường mới nổi, một sự đảo chiều so với tám năm trước.

Đồng đô la yếu sẽ làm hồi sinh một số ngành công nghiệp nhưng kẻ hưởng lợi chính sẽ là các công ty xuất khẩu lớn, phản ánh sức mạnh của Mỹ trong các dịch vụ kỹ thuật cao và các ngành sản xuất đòi hỏi kỹ năng lành nghề như thiết bị y tế, dược phẩm, phần mềm và kỹ thuật, và các dịch vụ sáng tạo như phim ảnh, kiến trúc và quảng cáo.

Xuất khẩu là con đường đi tới khôi phục sau khủng hoảng. Thụy Điển và Phần Lan đầu thập niên 1990, Thái Lan, Malaysia và Hàn Quốc cuối thập niên 1990 đều hồi phục từ suy thoái bằng cách chuyển từ thâm hụt sang thặng dư. Thế nhưng với quy mô và tình trạng ốm yếu của hầu hết các nền kinh tế của các nước giàu, Mỹ thấy con đường này khó khăn hơn. Mỹ đã xuất khẩu tới các thị trường mới nổi nhiều hơn là các thị trường truyền thống, nhưng nếu các quốc gia khác, chẳng hạn như Trung Quốc, không thúc đẩy nhu cầu nội địa đủ mạnh, thì “việc tháo gỡ thế mất cân đối toàn cầu có thể đảo chiều một cách nhanh chóng trong năm 2010,” theo một tài liệu của IMF.

Thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ đã giảm từ 6% GDP năm 2006 còn 3% năm ngoái (xem bảng 2). Liệu con số này có giảm xuống 0% hay không? Mức này đã gần đạt được vào năm 1991, sau năm năm bùng nổ xuất khẩu. Lần này thâm hụt lớn hơn nhưng dù sao ổn định ở mức 3% đã là một tín hiệu vui bởi vì sẽ làm giảm tăng trưởng nợ của Mỹ với nước ngoài.

Sự mất cân đối của nền kinh tế Mỹ đã hình thành từ nhiều năm và sẽ không thể giải quyết một sớm một chiều, nhưng các yếu tố của một nền kinh tế đang lấy lại sự cân bằng đã bắt đầu hình thành. Khi ông Hilton thấy doanh số bán hàng của mình teo tóp lại thì Brian Krzanich, trưởng bộ phận sản xuất toàn cầu của hãng Intel, đang hoàn tất bản kế hoạch đầu tư 3 tỉ đô la Mỹ để cải tạo các nhà máy bán dẫn của Intel ở gần đó. Ông Krzanich biết rõ rằng suy thoái đang diễn ra; doanh số của Intel giảm và phải cắt giảm 3% nhân sự tại các nhà máy. Nhưng ông cũng biết rằng một khi nhu cầu trên thế giới hồi phục, Intel sẽ phải sản xuất một thế hệ mới các con chip hiệu quả hơn, nhỏ hơn và rẻ hơn. Quí 4-2009, Intel đã đạt lợi nhuận kỷ lục nhờ sự hồi sinh nhu cầu công nghệ.

(Theo Economist)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới