Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mỹ – Trung tìm cách tháo ngòi nổ chiến tranh thương mại

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mỹ – Trung tìm cách tháo ngòi nổ chiến tranh thương mại

C.T

Mỹ - Trung tìm cách tháo ngòi nổ chiến tranh thương mại
Chuyến thăm của phái đoàn thương mại Mỹ mang lại hy vọng hóa giải nguy cơ chiến tranh thương mại dù mong manh. Ảnh: Press TV

(TBKTSG Online) – Chuyến thăm Bắc Kinh của một phái đoàn thương mại Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu sẽ tạo ra các hy vọng hóa giải nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc nhưng rất mong manh.

Chuyến thăm quan trọng

Tờ Wall Street Journal cho biết, Trung Quốc đang chuẩn bị để đón tiếp phái đoàn của ông Steven Mnuchin đến thăm Bắc Kinh trong hai ngày 3 và 4-5. Dự kiến trong chuyến thăm, ông Steven Mnuchin sẽ được gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhận được các cam kết giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ cũng như cam kết nới lỏng các quy định khác đối với các công ty Mỹ.

Song giới phân tích nhận định, Trung Quốc có thể đưa ra nhiều cam kết hơn để gây ấn tượng cho các vị khách Mỹ và ngăn chặn một cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang có nguy cơ xảy ra.

Đó là một chuyến thăm cực kỳ quan trọng trong bối cảnh các quan hệ kinh tế Mỹ-Trung đang rơi xuống ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ vì Mỹ đang phẫn nộ trước việc Trung Quốc ép buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc nếu muốn hoạt động tại thị trường đông dân nhất thế giới và đe dọa áp thuế nhập khẩu đối với 150 tỉ đô la Mỹ giá trị hàng hóa của Trung Quốc cũng như cấm vận công nghệ Mỹ đối với công ty thiết bị viễn thông lớn thứ hai Trung Quốc ZTE trong bảy năm.

Giới phân tích cho rằng, chuyến thăm của ông Steven Mnuchin sẽ tạo ra cơ hội cho cả hai nước làm dịu các căng thẳng thương mại nhưng cơ hội cho một giải pháp nhanh chóng là rất mong manh,

Các quan chức Mỹ nói rằng, phái đoàn thương mại của Mỹ sẽ đưa ra các lập trường cứng rắn. Phía Mỹ không gửi một nhóm tiền trạm đến Bắc Kinh để đàm phán sơ bộ như thường thấy. Do đó, khi các quan chức Mỹ-Trung gặp nhau tại Bắc Kinh, phía Mỹ có thể chỉ nhắc lại các đe dọa áp thuế nhập khẩu của Tổng thống Donald Trump và các khiếu nại khác của Mỹ, rồi chờ xem Trung Quốc có thể đưa ra những cam kết gì. Phái đoàn Mỹ tin rằng, cách hành xử như vậy sẽ buộc Trung Quốc phải đưa ra các cam kết thay đổi cấu trúc sâu rộng hơn trong nền kinh tế và hành động nhanh chóng hơn để giải quyết các khiếu nại của Mỹ.

Tuy nhiên, đây là một chiến lược rủi ro cao, có thể phản tác dụng, khiến các bất đồng thương mại giữa hai nước thêm trầm trọng nhưng nếu thành công, có thể giúp tạo ra các thay đổi sâu rộng trong nền kinh tế Trung Quốc.

“Nếu chuyến thăm không được điều phối tốt và phía Trung Quốc không cảm thấy Mỹ đang đặt ra ‘lằn ranh đỏ’, các cuộc thảo luận sẽ vô tác dụng”, Michael Hirson, cựu đại diện thương mại của Bộ Tài chính Mỹ tại Bắc Kinh và nay là nhà phân tích ở hãng tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group phân tích.

Theo ông Hirson, có khả năng Mỹ thực hiện kế hoạch áp thuế nhập khẩu đối với hàng chục tỉ đô la Mỹ giá trị hàng hóa Trung Quốc trong những tháng tới.

Nội bộ Mỹ chia rẽ

Về phía Mỹ, nội bộ chính quyền Donald Trump đang đối mặt với sự chia rẽ về cách ứng phó với Trung Quốc. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin muốn thăm Bắc Kinh kể từ sau khi ông có cuộc điện đàm với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc vào cuối tháng 3. Ông Mnuchin cho rằng, chuyến thăm cũng là hành động đáp lễ tự nhiên sau khi ông Lưu có chuyến thăm đến Washington vào hồi cuối tháng 2.

Ông nói rằng, chuyến thăm có thể giúp đạt được một thỏa thuận tự do hóa các thị trường tài chính Trung Quốc. Ông Mnuchin đang phụ trách đàm phán một thỏa thuận dịch vụ tài chính với Trung Quốc và nhìn chung, ông đang muốn xuống thang các căng thẳng thương mại với Trung Quốc.

Các cuộc đàm phán gây sự chú ý sẽ giúp Mnuchin nổi lên là một người đóng vai trò lớn hơn trong mối quan hệ kinh tế Mỹ-Trung, giúp lấy lại vai trò vốn có của Bộ Tài chính trong các chính quyền Mỹ trước đây.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer là chiến lược gia quan trọng của chính quyền Mỹ trong vấn đề ứng phó thương mại với Trung Quốc. Ông đã thiết kế các kế hoạch áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc như yêu cầu của Trump để thúc ép Trung Quốc cắt giảm công suất thép và chấm dứt việc ép buộc các công ty Mỹ chuyển giao các công nghệ tân tiến cho các đối tác Trung Quốc.

Các nguồn tin cho biết Lighthizer không đồng tình chuyến thăm Bắc Kinh vì cảm thấy rằng ưu thế của Mỹ đang gia tăng khi các thời điểm thực hiện kế hoạch áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc ngày càng tới gần. Mặc dù vậy, Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu Lighthizer cùng Peter Navarro, Giám đốc Hội đồng thương mại quốc gia, một nhân vật chỉ trích Trung Quốc cùng Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Larry Kudlow, một đồng minh của Mnuchin, cùng tham gia phái đoàn đến thăm Trung Quốc.

Điều này ra tạo ra hai phe nhóm đối địch trong phái đoàn thương mại của Mỹ. Do vậy, các nhà đàm phán Mỹ có thể có thể duy trì song song hai lập trường đối đầu với Trung Quốc ở các mức độ khác nhau, trong đó, Mnuchin và Kudlow sẽ áp dụng cách tiếp cận ít cứng rắn hơn. Tuy nhiên, sự chia rẽ này cũng đồng nghĩa rằng phái đoàn thương mại Mỹ có thể không có sự đồng thuận về bất cứ điều gì.

Mời xem thêm

Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung: Ai mất gì và tại sao?
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới