Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mỹ-Trung: vũ điệu nợ nần

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mỹ-Trung: vũ điệu nợ nần

Thái Bình

Trung Quốc muốn người dân chi tiêu nhiều hơn, tiết kiệm ít hơn nhưng không thành công lắm.

(TBKTSG) – Bế tắc trong các cuộc thảo luận về nợ công và thâm hụt ngân sách ở Washington làm người Mỹ buồn rầu nhưng người Trung Quốc càng bối rối hơn vì cả hai đang ở trong thế cộng sinh về kinh tế mà sợi dây ràng buộc chính là quan hệ chủ nợ và con nợ.

Là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ, Trung Quốc đã nhiều lần lớn tiếng phê phán cái gọi là thói phóng túng của Washington. Mới đây nhất, trong cuộc họp báo thường kỳ cuối tuần qua, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi, cảnh báo: “Chúng tôi hy vọng chính phủ Mỹ sẽ thực thi những chính sách có trách nhiệm, cùng những biện pháp bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư”.

Tình huống khó xử của Trung Quốc

Theo số liệu của bộ Tài chính Mỹ, hiện Trung Quốc nắm giữ khoảng 1.160 tỉ đô la trái phiếu chính phủ Mỹ, nếu tính cả Hồng Kông thì con số này lên tới 1.280 tỉ đô la. Nếu chính phủ Mỹ tiếp tục nới lỏng tiền tệ để vực dậy nền kinh tế thì đồng đô la Mỹ sẽ tiếp tục xuống giá và từ đó giá trị khối trái phiếu mà Trung Quốc đang nắm giữ cũng teo tóp thêm. Còn nếu đến ngày 2-8 tới, Quốc hội Mỹ vẫn chưa đồng ý tăng mức trần nợ công của Mỹ, hiện vào khoảng 14.900 tỉ đô la, và chính phủ Mỹ rơi vào tình trạng “mất khả năng chi trả” thì tình hình còn tệ hại hơn nữa.

Thực ra người Trung Quốc đã sớm nhìn thấy nguy cơ này. Ngay từ năm 2009, chỉ một thời gian ngắn sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã nói rằng nước ông “rất lo ngại” về sự an toàn của khối trái phiếu kho bạc Mỹ mà họ đang nắm giữ. Năm ngoái, các cố vấn chính sách ở Trung Quốc đã kịch liệt phê phán Cục Dự trữ liên bang Mỹ làm xói mòn giá trị quỹ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc bằng cách “in ra quá nhiều tiền” trong chương trình được gọi là nới lỏng định lượng (quantitive easing). Còn bây giờ, nguy cơ chính phủ Mỹ vỡ nợ làm Bắc Kinh mất ăn mất ngủ.

Cái khó của Trung Quốc là ngoài việc phê phán và kêu gọi, họ không thể có phản ứng nào khác. Vì đã cho Mỹ vay quá nhiều tiền nên để “nuôi nợ”, Trung Quốc phải tiếp tục mua vào, nắm giữ trái phiếu Mỹ.

Theo Andy Rothman, nhà phân tích của ngân hàng đầu tư CLSA tại Thượng Hải, quan hệ chủ nợ-con nợ giữa Trung Quốc và Mỹ là mối quan hệ toàn cầu “lớn đến nỗi không thể sụp đổ”. Chỉ cần Bắc Kinh tỏ dấu hiệu đang bán ra một phần trái phiếu chính phủ Mỹ, “các quốc gia khác cũng sẽ bán các tài sản định giá bằng đô la Mỹ”, ông Rothman nói và cho rằng điều đó sẽ làm mất giá trị số trái phiếu mà Trung Quốc đang nắm giữ, “Đó là một sự tự sát tài chính của Trung Quốc”, ông Rothman nhận xét.

Vì đâu nên nỗi?

Sở dĩ Trung Quốc bị rơi vào tình huống khó xử này là do họ quá nuông chiều các lợi ích quốc gia. Để trở thành nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới, Trung Quốc đã tập trung vào những chính sách khuyến khích tiết kiệm ở trong nước và giữ giá trị đồng tiền ở mức thấp để giành lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu trên thị trường quốc tế. Kết quả là Trung Quốc đạt được thặng dư thương mại và thặng dư tài khoản vãng lai khổng lồ, hình thành quỹ dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới với hơn 3.000 tỉ đô la Mỹ.

Phần lớn quỹ dự trữ ngoại hối này được đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ – một kênh đầu tư được coi là an toàn nhất dù lợi nhuận thấp. Gần đây Trung Quốc đã cố gắng đa dạng hóa danh mục dự trữ ngoại hối bằng cách đầu tư vào trái phiếu chính phủ các nước châu Âu và Nhật Bản nhưng thị trường trái phiếu của các nền kinh tế này không đủ lớn, không đủ thanh khoản để hấp thụ khối ngoại tệ ngày càng tăng của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc cũng khuyến khích các tập đoàn, công ty quốc doanh mở rộng hoạt động ra nước ngoài, mua lại các hầm mỏ và các nguồn tài nguyên thiên nhiên để cung ứng cho nền kinh tế đói nhiên liệu trong nước. Tuy nhiên, bởi vì Trung Quốc có quá nhiều ngoại tệ đến mức không một kênh đầu tư nào hấp thụ nổi, nên phần lớn tiền dự trữ của nước này vẫn tiếp tục đổ vào trái phiếu Mỹ.

“Trung Quốc không có lựa chọn nào khác là tiếp tục mua vào. Dù sao, trái phiếu kho bạc Mỹ vẫn là sản phẩm đầu tư lớn nhất và có tính thanh khoản cao nhất trên thị trường thế giới”, ông Zhang Ming, chuyên gia của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc, nhận xét. Ngay cả vào lúc này, mặc dù Bắc Kinh bực bội với sự bế tắc trong vấn đề nợ nần ở Washington, khả năng lựa chọn của Trung Quốc vẫn bị hạn chế. Giáo sư Eswar S. Prasad, khoa kinh tế học Đại học Cornell và cựu giám đốc bộ phận Trung Quốc của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nói rằng “Họ [Trung Quốc] gần như không thể làm gì khác. Ngay cả khi Trung Quốc thấy Mỹ đang rơi xuống vực thì cũng không có nơi nào khác để họ bỏ tiền vào”.

Tai họa lan rộng

Hành động của Trung Quốc, tuy giúp cho Mỹ có được nguồn vốn rẻ, nhưng không chỉ gây khó xử cho chính Bắc Kinh mà còn kích hoạt sự mất cân đối trên toàn cầu.

Khoản thâm hụt khổng lồ của Mỹ đã làm suy yếu nền kinh tế và bóp nghẹt tiêu dùng ở Mỹ. Khi các nhà đầu tư toàn cầu như Trung Quốc có rất ít lựa chọn ngoài trái phiếu chính phủ Mỹ thì Washington, bất chấp suy thoái kinh tế và khối nợ công khổng lồ, vẫn có thể tiếp tục giữ lãi suất ở mức thấp và ngập trong các khoản vay giá rẻ.

Về lâu dài, nhiều nhà kinh tế nói rằng sự mất cân bằng mang tính cơ cấu tiềm ẩn ở cả hai phía trong sự cộng sinh về nợ nần giữa Mỹ và Trung Quốc có thể là một thảm họa. Ví dụ, nhiều người nói rằng, sự mất cân bằng ấy đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vì nó tạo ra mức lãi suất thấp một cách giả tạo từ đó đẩy giá nhà đất tới mức bong bóng và bùng nổ.

Do đồng đô la Mỹ có vai trò là đồng tiền dự trữ toàn cầu, dòng vốn rẻ giả tạo đó cũng đang làm chao đảo cả châu Âu và Nhật Bản vốn đang ngập trong cuộc khủng hoảng nợ công do các chính phủ vay quá nhiều tiền để chi dùng và đầu tư.

Giờ đây Trung Quốc và Mỹ đang cố gắng điều chỉnh tình trạng đó bằng những cách thức trái ngược nhau. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ đang thúc giục người dân tiết kiệm nhiều hơn và giảm tiêu thụ; trong khi đó các quan chức Trung Quốc đi theo hướng ngược lại, cam kết khuyến khích tiêu dùng nhiều hơn, tiết kiệm ít hơn. Nhiều quốc gia châu Âu gần đây đã thực thi các chính sách thắt lưng buộc bụng hết sức khắc khổ, bất chấp sự phản đối của người dân, để tránh nguy cơ vỡ nợ.

Thế nhưng trong hai năm qua, cả Mỹ và Trung Quốc đều không đạt được sự tiến bộ có ý nghĩa nào trong việc thực thi các chiến lược này. Cả hai nước đều thấy rằng sự điều chỉnh như vậy là quá tốn kém và có hại cho các mục tiêu kinh tế ngắn hạn. Nước Mỹ đang tập trung vào việc khôi phục kinh tế, trong khi Trung Quốc có ý định làm giảm tốc độ tăng trưởng. Và ở cả hai quốc gia này, mục tiêu điều chỉnh đều liên quan tới sự thay đổi hành vi của công chúng, một điều không bao giờ dễ dàng.

Bắc Kinh và Washington làm thế nào để cân bằng nợ nần?

Người Mỹ hy vọng Trung Quốc sẽ thúc đẩy tiêu dùng nội địa và gia tăng những dự án đầu tư trực tiếp vào Mỹ. Trong khi đó người Trung Quốc lại hy vọng người Mỹ sẽ xử lý tốt khối nợ nần khổng lồ và giữ nguyên được giá trị của đồng đô la Mỹ – cũng có nghĩa là giá trị khối nợ mà Trung Quốc đang nắm giữ được tính bằng đô la Mỹ.

Câu trả lời thực thụ cho câu hỏi trên xem ra vẫn còn rất xa vời, và do đó kinh tế thế giới vẫn tiếp tục chuyển động trong vòng quay bất ổn, ít nhất là một thời gian dài nữa.

(Theo New York Times)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới