Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mỹ: tung tiền cứu kinh tế  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mỹ: tung tiền cứu kinh tế  

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vừa công bố khoản chi mới lên tới 1.200 tỉ đô la Mỹ nhằm hạ thấp lãi suất cho vay thế chấp và tín dụng tiêu dùng, kích thích chi tiêu và khôi phục các hoạt động kinh tế.

Thống đốc FED Ben Barnanke vừa công bố giữ nguyên lãi suất cơ bản và bơm thêm 1.200 tỉ đô la Mỹ vào thị trường tín dụng.

Trong số tiền này, FED sẽ dùng 300 tỉ đô la để mua trái phiếu dài hạn của chính phủ Mỹ, 750 tỉ đô la để mua các cổ phiếu bảo đảm bằng tài sản thế chấp (mortgage-backed securities). Kết thúc phiên họp kéo dài 2 ngày vào tối thứ Tư giờ Washington, tức sáng nay giờ Việt Nam, Chủ tịch FED, ông Ben Bernanke quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản của Mỹ trong khoảng 0%-0,25%. Giới quan sát kinh tế đã đoán trước việc FED sẽ giữ nguyên lãi suất cơ bản trong suốt năm nay và có thể cả năm tới, nhưng hết sức ngạc nhiên trước quyết định bơm thêm một khoản tiền lớn như vậy vào nền tài chính.

Trước đây FED đã mua 500 tỉ đô la loại cổ phiếu bảo đảm bằng tài sản thế chấp và mua lại 200 tỉ đô la tiền nợ của hai tổ chức tín dụng thế chấp khổng lồ được Chính phủ Mỹ bảo đảm Fannie Mae và Freddie Mac. Nhờ sự can thiệp của FED, lãi suất vay thế chấp bằng nhà đất trả trong 30 năm đã giảm từ 6,13% năm ngoái xuống còn 5,03% hiện nay và chắc chắn sẽ tiếp tục giảm khi số tiền 750 tỉ đô la nói trên được giải ngân.

*

Thị trường phản ứng ngay lập tức. Chỉ số chứng khoán Dow Jones, bị giảm điểm lúc đầu phiên giao dịch ngày thứ Tư, đã quay đầu tăng 90,88 điểm (1,2%) vào lúc đóng cửa; các chỉ số khác của Mỹ cũng vậy. Giá trái phiếu chính phủ Mỹ tăng lên, lãi suất giảm theo; lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ có thời hạn 10 năm đã giảm từ 3,01%/năm xuống 2,5%/năm, mức giảm mạnh nhất trong một ngày kể từ năm 1981. Trong khi đó, đồng đô la Mỹ giảm giá so với các ngoại tệ khác vì giới kinh doanh lo ngại lạm phát ở Mỹ sẽ tăng mạnh khi thị trường tràn ngập tiền mặt.

Tại châu Á, nhà đầu tư phản ứng dè dặt hơn với động thái mới của FED. Thị trường chứng khoán ngày thứ Năm 19-3 tăng điểm tại Trung Quốc, Úc, Singapore, Malaysia và Thái Lan và giảm điểm tại Nhật Bản, Hồng Kông và Hàn Quốc. Chỉ số Nikkei 225 giảm 0,3%, Hang Seng giảm 0,6% và Kospi giảm 0,7%. Đáng chú ý là tỷ giá đồng đô la giảm so với đồng yen đã khiến cổ phiếu các nhà xuất khẩu hàng đầu của Nhật như Toyota, Honda và Sony giảm giá mạnh. Giá dầu thô cũng tăng nhẹ vì đô la giảm; giá dầu thô giao tháng 4-09 tăng 76 xu, lên 48,9 đô la Mỹ/thùng.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, Ngân hàng trung ương Anh Quốc trong tuần này cũng bắt đầu mua lại trái phiếu chính phủ từ các tổ chức tài chính và cũng như FED, đã hạ lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục 0,5%/năm. Khắp nơi, các nhà lãnh đạo tài chính của các nền kinh tế lớn đang thảo luận phương thức phối hợp hành động giữa các chính phủ, các ngân hàng trung ương để vực dậy nền kinh tế thế giới. Thế nhưng các chuyên gia tại châu Á cảnh báo, hành động “tuyệt vọng” của các ngân hàng trung ương Anh-Mỹ cho thấy tình hình khủng hoảng đã đến mức “tuyệt vọng” tại các nền kinh tế này và điều đó sẽ gây tai họa cho toàn thế giới.

*

Chưa dừng lại ở con số 1.200 tỉ đô la nói trên, các quan chức của FED cho biết đang xem xét công bố trong tuần này khoản chi thêm 1.000 tỉ đô la Mỹ nữa. Mục tiêu của những đợt chi tiêu hào phóng này là giúp doanh nghiệp nhỏ tăng đầu tư và người dân dễ dàng tiếp cận các khoản vay tiêu dùng để mua nhà đất, xe hơi, trang trải học phí, thanh toán thẻ tín dụng… từ đó làm hồi sinh các hoạt động kinh tế.

Cho tới nay, những hoạt động mua nợ hoặc cho vay hào phóng đã lấy từ ngân sách của FED hơn 2.000 tỉ đô la, nhiều hơn hai lần so với mức 900 tỉ đô la hồi tháng 9-2008, khi FED tung tiền ra cứu nguy tập đoàn bảo hiểm Mỹ AIG. Với đà này, giới kinh doanh dự đoán dòng tiền từ ngân quỹ của FED đổ ra thị trường sẽ lên tới mức kỷ lục 5.000 tỉ đô la trong vòng hai năm nữa. Câu hỏi là, FED lấy đâu ra tiền để phóng tay như vậy? Không có cách nào khác là FED sẽ in thêm tiền; nghĩa là đồng đô la Mỹ có khả năng sẽ mất giá thêm nữa.

Quan chức của FED nói rằng họ rất lo ngại việc bơm tiền sẽ làm tăng nguy cơ lạm phát, gây rủi ro cho tài sản của người dân và gây ra “những tai họa đạo đức” khi các doanh nghiệp lao vào trò chơi may rủi vì ỷ lại có sự hỗ trợ của chính phủ. Nhưng FED hy vọng rằng, hành động mạnh và dứt khoát trong việc cứu nguy hệ thống tài chính-ngân hàng, cộng với gói kích cầu 787 tỉ đô la của chính phủ Obama – trong đó chủ yếu là giảm thuế và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng – sẽ giúp kéo nền kinh tế Mỹ ra khỏi suy thoái vào cuối năm nay, bắt đầu tăng trưởng trở lại trong năm tới.

Thái Bình (Theo AP)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới