Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mỹ và đồng minh xem xét cấm xuất khẩu hầu hết hàng hóa sang Nga

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Mỹ và các nước đồng minh phương Tây đang xem xét một lệnh cấm vận đối với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu sang Nga trong nỗ lực gia tăng sức ép kinh tế lên Moscow liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.

Các quan chức của nhóm cường quốc G7 đang thảo luận lệnh cấm xuất khẩu hầu hết hàng hóa sang Nga, chỉ miễn trừ một số mặt hàng như thuốc men và các sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: globsec

Hãng tin Bloomberg hôm 20-4 dẫn các nguồn thạo tin cho biết quan chức của nhóm cường quốc G7 đang thảo luận về ý tưởng này trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản vào tháng 5. Họ có ý định thuyết phục các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tham gia đòn trừng phạt mới. Môt nguồn tin nói vấn đề vẫn đang được tranh luận và có thể thay đổi.

Cách tiếp cận mới sẽ đảo ngược chính sách trừng phạt hiện tại, với tất cả các mặt hàng xuất khẩu sang Nga sẽ bị cấm và chỉ có một số mặt hàng được miễn trừ. Theo tiêu chí trừng phạt hiện nay của phương Tây, tất cả các mặt hàng đều được phép xuất khẩu sang Nga ngoại trừ những mặt hàng bị trừng phạt.

Nếu các nhà lãnh đạo G7 tán thành kế hoạch trừng phạt mới, họ sẽ thương lượng để thống nhất những mặt hàng nào được miễn trừ khỏi lệnh cấm xuất khẩu sang Nga. Theo một nguồn tin, có khả năng thuốc men và các sản phẩm nông nghiệp, bao gồm cả thực phẩm sẽ được miễn trừ.

Nhưng để có hiệu lực tại EU, các tiêu chí trừng phạt mới cần được tất cả các nước thành viên thông qua. Điều này có thể dẫn tới tranh luận gay gắt vì những nước xuất khẩu hàng hóa nhiều sang Nga sẽ phản đối và họ cũng lo ngại về nguy cơ Moscow trả đũa. Hiện tại, Đức, Ý và Ba Lan vẫn là ba nhà xuất khẩu hàng hóa hàng đầu của châu Âu sang Nga, theo dữ liệu của Trade Data Monitor.

Nếu lệnh cấm vận gần như hoàn toàn đối với hàng hóa xuất khẩu sang Nga được áp dụng, phần lớn dòng chảy thương mại còn lại từ các nước này sang Nga sẽ ngưng trệ.

Đối với G7, các sản phẩm phi y tế và phi nông nghiệp, gồm ô tô, sô cô la, bia, giày dép, hoa và mỹ phẩm, có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Cho đến nay, các biện pháp trừng phạt đã làm giảm gần một nửa giá trị xuất khẩu của EU và G7 sang Nga, với những hạn chế xuất khẩu bao phủ rộng từ đồ điện tử đến hàng xa xỉ. Dù vậy, hiện tại, vẫn còn 66 tỉ đô la hàng hóa từ châu Âu, Mỹ, Canada và Nhật Bản vẫn chảy vào Nga hồi năm ngoái, theo Trade Data Monitor có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ.

Các nước G7 lo ngại đây là một lợi ích quá lớn đối với nền kinh tế thời chiến của Tổng thống Vladimir Putin, đặc biệt là khi Moscow tìm mọi cách né lệnh trừng phạt để nhập khẩu hàng hóa của phương Tây thông qua các nước thứ ba. Cho đến nay, G7 và EU đã áp đặt một số đợt trừng phạt đối với nhiều mặt hàng bán sang Nga.

Moscow trả đũa bằng cách áp đặt lệnh cấm xuất khẩu ngược lại và giảm nguồn cung năng lượng sang châu Âu. EU đặc biệt dễ bị tổn thương nếu như Nga hạn chế xuất khẩu các mặt hàng khoáng sản như đồng. Một lệnh cấm xuất khẩu gần như hoàn toàn của phương Tây đối với Nga có thể khiến Moscow xích lại gần Trung Quốc hơn khi nước này tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho hàng hóa bị trừng phạt.

Hiện tại, Nga vẫn có thể xoay xở nhập khẩu một số linh kiện của Mỹ và châu Âu đang bị hạn chế xuất khẩu thông qua các nước thứ ba. Điều đó khiến G7 và EU tập trung ngăn chặn, đặc biệt là tăng cường giám sát hàng hóa công dụng kép, có thể phục vụ mục đích quân sự hoặc dân sự. Đầu tháng này, Mỹ đã trừng phạt hàng chục thực thể ở 20 nước bị cáo buộc giúp Moscow trốn tránh lệnh trừng phạt.

Thúc đẩy các nỗ lực hạn chế hoạt động kinh tế của Nga có thể sẽ là một chủ đề chính tại hội nghị thượng đỉnh G7 sắp tới. Các nhà lãnh đạo G7 cũng dự kiến ​​thảo luận cơ chế giám sát hoạt động buôn bán kim cương của Nga và có thể tìm cách hạn chế Nga xuất khẩu mặt hàng này.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới