Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Myanmar bước vào cuộc bầu cử lịch sử

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Myanmar bước vào cuộc bầu cử lịch sử

Phúc Minh

Myanmar bước vào cuộc bầu cử lịch sử
Cử tri Myanmar bỏ phiếu tại một điểm bầu cử ở Yangon ngày 6-11. Ảnh: CNN

(TBKTSG Online) – Từ 6 giờ sáng nay 8-11 giờ địa phương (khoảng 6 giờ 30 sáng cùng ngày theo giờ Việt Nam), các điểm bỏ phiếu trên toàn lãnh thổ Cộng hòa liên bang Myanmar đã mở cửa đón 32 triệu cử tri tham gia cuộc tổng tuyển cử chưa từng có trong lịch sử nước này.

Đây là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên kể từ khi Myanmar tiến hành cải cách mở cửa sau khi chính quyền dân sự thay thế chính quyền quân sự cách đây 4 năm.

Theo số liệu thống kê của Ủy ban bầu cử Liên bang Myanmar (MUEC), có tổng cộng 6.189 ứng viên ra tranh cử, gồm 5.866 ứng cử viên do 92 chính đảng chỉ định và 323 ứng viên độc lập, sẽ chạy đua vào hơn 1.000 ghế nghị sĩ tại cơ quan lập pháp các cấp.

Kể từ khi giành độc lập từ Anh năm 1948, Myanmar liên tục chìm trong các biến cố chính trị và xung đột sắc tộc. Những giai đoạn ổn định để phát triển rất ngắn ngủi và thường xuyên bị gián đoạn. Cuộc bầu cử ngày 8-11 là bước thứ 7 và cũng là bước cuối cùng trong “Lộ trình 7 bước” xây dựng đất nước được triển khai từ đầu năm 2003. Đây cũng là dấu mốc quan trọng của diễn biến chính trị ở Myanmar trong thời gian tới bởi tiếp sau cuộc bầu cử sẽ là cuộc đấu tranh nghị trường, có thể gay gắt giữa các đảng có thành viên tham gia quốc hội.

Vài tháng trước bầu cử, đảng Đoàn kết và Phát triển Liên bang Myanmar (USDP) cầm quyền của Tổng thống U Thein Sein đã tiến hành cải tổ nhằm củng cố nội bộ, đẩy mạnh hợp tác với các chính đảng khác cũng như các nhóm sắc tộc vì lợi ích của đất nước và nhân dân. Trong tuyên bố ngày 7-11, Tổng thống Thein Sein cam kết sẽ chấp nhận kết quả cuộc tổng tuyển cử và chính phủ mới được thành lập theo hiến pháp, đồng thời tin rằng tất cả thế lực chính trị sẽ tôn trọng kết quả bầu cử. Theo ông Thein Sein, một cuộc bầu cử thành công là chìa khóa để tiếp tục những cải cách mà ông thúc đẩy kể từ khi điều hành chính phủ bán dân sự từ năm 2011 đến nay.

Trong khi đó, Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi – đảng đối lập chính – được dự đoán sẽ giành nhiều phiếu nhất nhưng chưa rõ có đủ số ghế tại Quốc hội để nắm quyền quyết định chiếc ghế Tổng thống hay không. Hiến pháp Myanmar quy định 25% số ghế quốc hội phải do quân đội chỉ định. Do đó, NLD phải giành 67% số ghế được bầu mới có thể đạt thế đa số ở quốc hội. Trong cuộc bầu cử có sự tham gia của 92 đảng chính trị, không có gì đảm bảo NLD sẽ giành đủ số phiếu này. Đồng thời, theo quy định của Hiến pháp Myanmar, bà San Suu Kyi không thể làm tổng thống nếu NLD thắng cử do bà có chồng và con mang quốc tịch Anh. Tuy nhiên, bà vẫn sẽ nắm giữ một vị trí quyền lực nếu NLD giành quyền lập chính phủ.

Các điểm bỏ phiếu dự kiến sẽ đóng cửa vào 16 giờ ngày 8-11. Kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử dự kiến sẽ có trong vòng 48 giờ sau bỏ phiếu và kết quả chính thức được công bố sau 2 tuần. Chính phủ mới sẽ hoạt động vào tháng 2-2016.

Sau cuộc bầu cử nhiều tranh cãi năm 2010, cuộc bầu cử lần này được tổ chức theo những quy trình nghiêm ngặt với sự tham gia của hơn 10.000  giám sát viên quốc tế và trong nước, và được kỳ vọng là một cuộc bầu cử tự do – công bằng.

Ngày 7-11, chính phủ Myanmar đã đặt mức cảnh báo an ninh cao – mức cảnh báo màu vàng – đối với khu vực Yangon và nhiều khu vực. Cảnh báo này có hiệu lực đến ngày 14-11. Hơn 3.000 cảnh sát được đặt trong tình trạng báo động với sự hỗ trợ của 5.400 trong tổng số 40.000 cảnh sát đặc nhiệm nhằm tăng cường an ninh cho cuộc bầu cử.

Cảng Asia World ở Yangon, cảng lớn nhất của Myanmar. Ảnh Reuters

Cũng liên quan tới Myanmar, hãng tin Reuters cho biết các ngân hàng phương Tây bắt đầu giảm các giao dịch tài chính ở Myanmar sau khi phát hiện ra người điều hành hải cảng lớn nhất nước này có tên trong danh sách cấm vận của Mỹ.

Ông Steven Law, kiểm soát cảng Port of Yangon, bị Mỹ cấm vận vì cáo buộc có liên quan tới tập đoàn quân sự cầm quyền trước đây ở Myanmar.

Nếu bị phát hiện có giao dịch với các doanh nghiệp do ông này điều hành, nghĩa là vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ, thì các ngân hàng có thể bị phạt rất nặng.

Vì lẽ đó, theo Reuters, các ngân hàng Citigroup, Bank of America, HSBC và PNC Financial đã cắt giảm hoạt động tài trợ thương mại, xuất nhập khẩu với các doanh nghiệp Myanmar qua cảng Yangon. Số lượng hàng hóa từ Mỹ và một số nước khác đến Myanmar giảm mạnh trong thời gian gần đây. Lượng hàng xuất khẩu của Mỹ vào Myanmar, từ 50 triệu đô la Mỹ trong tháng 6-2015, chỉ còn 5,5 triệu đô la trong tháng 9.

Mỹ và EU đã từng bước xóa bỏ cấm vận với Myanmar từ năm 2012 để hỗ trợ tiến trình dân chủ hóa đất nước của Tổng thống Thein Sein nhưng chưa bình thường hóa hoàn toàn các giao dịch thương mại.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Mỹ và Myanmar đã tăng từ mức 10 triệu đô la Mỹ năm 2010 lên 185 triệu đô la năm ngoái. Tuy đây chỉ là con số rất nhỏ so với kim ngạch xuất nhập khẩu 27 tỉ đô la của Myanmar nhưng mối quan hệ thương mại với Mỹ có ý nghĩa rất quan trọng đối với nền kinh tế non trẻ của Myanmar.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới